21/03/2016 10:01 GMT+7

"Thịt mình đang ăn toàn... đôla"

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI
PHẠM PHÚ NGỌC TRAI

TTO - Có những nghịch lý đau lòng: giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo hiện nay tại Việt Nam cao xấp xỉ 22% so với Mỹ; ngành chăn nuôi không phát triển được, bởi thịt mình đang ăn toàn... đôla.

Thử làm một phép so sánh nhỏ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 2.000 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp hàng chục lần, nhưng giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo hiện nay tại Việt Nam cao xấp xỉ 22% so với giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo ở Mỹ (và một số nước khác như Mexico, Úc). 

“Đi bán giùm sữa cho nông dân là chưa đủ, phải làm sao cho họ sống được bằng sản xuất kinh doanh sữa có hiệu quả. Đó là trách nhiệm của Nhà nước và cả doanh nghiệp Việt Nam!”

​Theo số liệu tổng hợp của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2015 mức tiêu thụ đạm động vật (thịt + thủy hải sản) bình quân Việt Nam khoảng 84 kg/người/năm (trong đó thịt chiếm 62%), trị giá sản phẩm thịt khoảng 168 USD/người/năm. Rõ ràng, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng thịt ít hơn, với giá cao hơn và chất lượng thì không thể bằng.

Nếu phân tích kỹ mới thấy một nghịch lý: nông nghiệp hiện chiếm hơn 18% tổng GDP cả nước nhưng ngành chăn nuôi vẫn không phát triển được, bởi thịt mình đang ăn toàn... đôla.

Từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo, đến các loại thuốc cho heo, gà, cá... đều phải nhập bằng ngoại tệ.

Tổng hợp từ báo cáo thống kê cho thấy thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2015 ước tính trị giá 6,92 tỉ USD, trong khi giá trị nhập khẩu nguyên liệu cho ngành này hơn 4,8 tỉ USD. Vì sao phải nhập? Vì giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn mình rất nhiều.

Thêm một ví dụ nữa, cả nước Mỹ chỉ cần vài ngàn nông trại hiệu quả cao là đủ phục vụ hơn 300 triệu dân, trong khi đó cả nước mình có đến hàng triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chi phí giá thành cao.

Để chạy theo lợi nhuận, một bộ phận nông dân sẵn sàng sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng, hóa chất cấm trong trồng trọt, qua mặt người tiêu dùng về chất lượng mà vẫn tiêu thụ được.

Tất cả những vấn nạn từ thịt bẩn, rau bẩn suốt một thời gian dài đã dẫn đến hệ lụy về sức khỏe, góp phần không nhỏ trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ ung thư cao trên thế giới.

Nhìn qua ngành mía đường, nghịch lý nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Khi khó khăn, thiếu đường, chúng ta phải nhập khẩu đã đành, bây giờ đủ đường cũng phải nhập khẩu. Vì sao?

Vì giá đường nhập khẩu thấp hơn trong nước. Phân tích ra mới thấy không đủ đường không phải vì thiếu mía, mà vì chữ đường trong cây mía của Việt Nam luôn thấp hơn so với Thái Lan.

Một hộp nước cam, nước thơm, nước táo... được sản xuất và đóng hộp tại Việt Nam nhưng nguyên liệu sử dụng trong đó đều được nhập khẩu từ nước ngoài!

Điểm lại chuỗi giá trị trong chế biến thực phẩm đạm động vật từ nông trại (farm), thức ăn chăn nuôi (feed) và thực phẩm (food) suốt một thời gian dài vừa qua gần như vắng bóng những doanh nghiệp Việt Nam có tầm cỡ đầu tư một cách tập trung và hoàn chỉnh.

Vì thế, cho đến nay lợi thế đã tạm thời nghiêng về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm lâu năm, họ đang dẫn dắt và kiểm soát theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Vì vậy, cần phải giải bài toán làm sao tái cấu trúc mô hình, mở rộng quy mô, để dần dần tham gia chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí trong lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước ngưỡng cửa hiệp định TPP và AEC đã có hiệu lực, chúng ta phải thấy đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại, nhận ra mình trong điều kiện có thể, tìm được hiệu quả trong đầu tư nông nghiệp.

Ngay cả chính sách cho nông nghiệp phải mang tầm chiến lược và thực thi được trong hiện trạng của nền kinh tế. Khuyến khích đầu tư và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa là bài toán cho cả Nhà nước và doanh nghiệp hiện nay.

Đặc biệt, Nhà nước phải luôn cân nhắc sự bình ổn về giá, mức độ cung cầu trong những thời điểm phải đối mặt với sự biến động của thị trường, kể cả vấn đề về an ninh an toàn lương thực thực phẩm. Vai trò này liệu có thể dựa vào doanh nghiệp FDI?

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt Nam cần gánh vác vai trò của mình, để xác lập lại “trật tự” trong quá trình hội nhập hiện nay, không chỉ Nhà nước mới có trách nhiệm bảo đảm lương thực, thực phẩm, sức khỏe cho người dân, mà doanh nghiệp trong nước cũng cần có trách nhiệm đó.

Mô hình trang trại lớn, không thể làm ăn gian dối, chính sách cho nông nghiệp phải làm sao bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đủ để ngăn chặn những doanh nghiệp làm ăn gian dối, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng... chính là những nhân tố quan trọng nhất giúp nông nghiệp chuyển mình.

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên