25/07/2021 06:36 GMT+7

Thịt heo nhập được mùa, heo nội gặp khó vì COVID-19

N.BÌNH - NG.TRÍ
N.BÌNH - NG.TRÍ

TTO - Từ chỗ đang là mặt hàng nhập về để bình ổn giá trong nước và gặp cảnh khó bán, thịt đông lạnh nhập khẩu đang được tiêu thụ mạnh kể từ khi dịch COVID-19 lần 4 bùng phát.

Thịt heo nhập được mùa, heo nội gặp khó vì COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân khó mua được thịt heo trong các điểm bán siêu thị, cửa hàng, trong khi thịt heo đông lạnh “sống tốt” nhờ kênh online - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Do gặp khó khăn khi mua sắm thực phẩm thiết yếu ở kênh chợ, siêu thị, nhiều người đã lên kênh thương mại điện tử để mua sắm thịt, rau củ quả và nhận thấy thịt heo, bò, gà nhập khẩu đang bán rầm rộ trên chợ mạng. Trong khi đó, thịt heo nội lại gặp khó về đầu ra do chợ đầu mối đóng cửa, thương lái bị cách ly...

Thịt nhập khẩu tràn... chợ online

Chị Tr.T.B.Dương (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết chưa bao giờ thấy thịt heo nhập khẩu đa dạng như vậy, từ sườn non, sụn, ba rọi đến cốt lết, đủ cả. Do khó mua được thịt tươi ở các siêu thị, chị đành chọn mua thịt heo đông lạnh nhập khẩu về để dùng và trữ nhằm hạn chế đến siêu thị mua sắm trong thời gian giãn cách. 

"Nhiều người trước đây khá kén chọn với thịt đông lạnh nhập khẩu nhưng nay lại chọn mua loại thịt này vì giá tốt, lại tiện lợi trong bối cảnh TP.HCM đang giãn cách xã hội" - chị Dương nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm tận dụng cơ hội thị trường khi thị trường thịt tươi gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, các nhà nhập khẩu thịt đã triển khai mạnh kênh online và tiếp cận nhanh người tiêu dùng. Sức mua thị trường này tốt ngoài mong đợi của nhà kinh doanh khi chỉ trước đó vài tháng, thịt đông lạnh tồn kho ước tính lên cả trăm tấn. 

Từ cảnh phải gánh chi phí buộc bán rẻ để cắt lỗ, giá thịt nhập khẩu hiện tăng hơn so với trước từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Anh M.Tùng, chuyên kinh doanh thịt heo đông lạnh nhập khẩu trên chợ thương mại điện tử, cho biết đa số thịt heo bán ra hiện nay là loại thịt được trữ sẵn từ các đợt nhập trước nên phải gánh chi phí lưu kho lạnh rất lớn.

Nguồn nhập cũng đa dạng như thịt heo đông lạnh nhập từ Tây Ban Nha, sườn heo Nga, sườn heo que Đức... với giá khá mềm, chỉ từ 60.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại. Đây là mức giá khá dễ chịu so với mức giá thịt tươi trong nước, từ 120.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại, sườn non và thịt heo ba rọi ở mức 240.000 - 280.000 đồng/kg.

Không chỉ trên chợ online, người mua cũng dễ tìm thấy trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ. Như tại một hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt nhập được bán với giá từ 130.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại, đáp ứng được một phần thiếu hụt của thịt heo nóng.

Giá heo giảm mạnh vẫn khó tiêu thụ

Ông Trần Đức Vinh Quang (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết do một số khu vực trên địa bàn bị phong tỏa, thương lái bị nhiễm COVID-19, nên việc tiêu thụ heo của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. 

"Bình thường khoảng 70% lượng heo bán ra tại địa phương được nhập về chợ đầu mối Hóc Môn, nhưng nay chợ này tạm ngưng nên việc xuất bán heo tại khu vực này đang gặp nhiều khó khăn, chỉ có khoảng 15% số heo đến tuổi xuất chuồng ở khu vực này tìm được người mua, còn lại vẫn đang chờ các thương lái" - ông Quang thông tin.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thắng - chủ trại heo Hoa Phượng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), do tình hình tiêu thụ khó khăn, giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ. 

"Với giá bán hiện nay, tôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng/con heo thịt nhưng đâu biết phải làm sao bởi việc tiêu thụ cũng đang gặp khó. Lấy lý do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí phát sinh, nhất là chi phí xét nghiệm, chưa kể thiếu lò mổ, thiếu nhân lực... nên thương lái ép giá mua mà người nuôi heo vẫn phải chịu thôi" - ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, thương lái tại chợ Bình Điền (TP.HCM), cho biết lượng heo mà ông bán được hiện chỉ còn 5 - 7 con/ngày, giảm mạnh so với con số 15 - 20 con/ngày khi chợ đầu mối này còn hoạt động. "Trước đây, sau khi giết mổ, lò mổ sẽ chủ động chuyển heo ra chợ đầu mối giúp, nhưng nay tôi phải làm khâu vận chuyển và buộc phải chở tới tận tay khách hàng nên không thể bán được nhiều" - ông Hải than.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam - cho biết không những giá bán thấp, số lượng heo tiêu thụ cũng giảm mạnh thời gian qua. 

Tại đơn vị này, lượng heo tiêu thụ đang vào khoảng 9.000 con/ngày, giảm gần một nửa so với bình thường. 

"Hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn cung cấp 9.000 con heo/ngày cho TP.HCM. Khi hai chợ này tạm ngưng, người dân ít tiêu thụ hơn do giãn cách khiến việc tiêu thụ heo gặp khó hơn. Dù CP có chuỗi bán riêng nhưng cũng chỉ tiêu thụ 3.200 con/ngày, còn lại phải nhờ thương lái" - ông Huy cho biết.

Giá heo giảm mạnh do... thiếu thương lái

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á (TP.HCM) - cho biết trước khi cơ sở này phải tạm ngưng hoạt động do có ca nhiễm COVID-19, lượng heo giết mổ cũng giảm mạnh so với thời điểm chợ đầu mối còn hoạt động, chủ yếu là do các thương nhân hoặc công ty đem về pha lóc và bán cho các mối.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh nhưng vẫn khó bán do các chợ truyền thống, đặc biệt là cả 3 đầu mối tại TP.HCM, đều tạm ngưng hoạt động. Việc tiêu thụ heo khó khăn, chưa kể các thương lái cũng gặp khó khi đi mua heo vì các địa phương đang giãn cách xã hội, nhiều thương lái bị nhiễm dịch, bị cách ly do tiếp xúc với các ca nhiễm...

Nguồn cung dồi dào, đầu ra gặp khó do khâu giết mổ, vận chuyển

Những ngày gần đây, thị trường heo hơi tại Đồng Nai ít có biến động nhiều, giá mua heo tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 54.000 - 55.000 đồng/kg, tại các công ty chăn nuôi lớn khoảng 57.000 đồng/kg. Với mức giá này, những hộ nuôi heo nhỏ lẻ, mua heo giống tại thời điểm giá cao đang cầm chắc thua lỗ nặng, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua liên tục tăng phi mã.

Ông Nguyễn Văn Tư - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Giang Phát (phường Long Bình, TP Biên Hòa) - cho biết nguồn cung thịt heo trên địa bàn hiện nay rất lớn nhưng do các chợ truyền thống tại TP.HCM và Đồng Nai đều đóng cửa, chưa kể nhiều thương lái bị nhiễm hay nghi nhiễm COVID-19 đang được cách ly.

Theo ông Tư, rào cản lớn nhất hiện nay là các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn. Nhân viên được thông báo vào lò mổ làm việc phải ở lại luôn tại đây, không được ra ngoài. Do đó, để khuyến khích nhân viên tiếp tục đi làm, ông Tư phải trả lương gấp đôi trước đây, đồng thời phải bố trí chỗ ăn ở cho nhân viên khiến chi phí đội lên khá nhiều.

A LỘC

Thịt, trứng cung cấp cho TP.HCM đang tăng dần, thịt heo tươi còn khó Thịt, trứng cung cấp cho TP.HCM đang tăng dần, thịt heo tươi còn khó

TTO - Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại các tỉnh phía Nam cho biết có 3 vấn đề nổi cộm là nguồn cung thịt tươi, các trạm trung chuyển thực phẩm tới các điểm tiêu thụ và lưu thông vật tư nông nghiệp.

N.BÌNH - NG.TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thịt heo Thịt nhập