Thịt heo nhập khẩu được bày bán lộ thiên, không bao bì, nhãn mác tại một cửa hàng gần chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: N.TRÍ
Với ưu điểm giá rẻ và nguồn cung rất lớn, thịt heo đông lạnh nhập khẩu đang dần "càn quét" thị trường tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, chất lượng mặt hàng này đang khá bấp bênh khi hoạt động kinh doanh, đặc biệt buôn bán lẻ khá bát nháo, thiếu kiểm soát.
Thịt đông lạnh bán đổ đống ngoài trời
Mỗi sáng tại khu vực gần chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) xuất hiện nhiều điểm bán lượng lớn thịt heo đông lạnh dưới dạng lộ thiên. Nhiều loại thịt đông lạnh được bày bán lộn xộn trong các hộp xốp, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài mà không được bảo quản lạnh. Những lô thịt này cũng không có bao bì hoặc thông tin liên quan đến nguồn gốc, hạn sử dụng... Tuy nhiên những điểm bán thịt đông lạnh này thu hút khá nhiều người mua bởi giá rẻ hơn nhiều so với thịt heo nóng (heo nuôi trong nước giết mổ trong đêm).
Đang lựa mua thịt tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức, bà Ngân (TP Thủ Đức) cho biết lâu nay đều chọn mua thịt heo đông lạnh vì giá rẻ về bán quán ăn dù chất lượng "khá hên xui" do không nắm được nguồn gốc, hạn sử dụng.
Theo ghi nhận, giá sườn que và giò đông lạnh là 40.000 đồng/kg, ba rọi 73.000 - 78.000 đồng/kg, heo xay 70.000 đồng/kg, đuôi heo 85.000 đồng/kg... Người bán cho biết giá trên chỉ bằng phân nửa so với giá heo nóng trong nước nên rất được ưa chuộng, cần bao nhiêu hàng cũng có. Tuy nhiên khi được hỏi nguồn gốc thịt heo, chứng nhận chất lượng, thời hạn sử dụng... thì người bán không trả lời.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong bảy tháng đầu năm 2022, giá trị nhập khẩu các mặt hàng thịt, phụ phẩm thịt Việt Nam đạt 774 triệu USD từ 47 thị trường trên thế giới. Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng thịt heo là 2.123 USD/tấn, tương đương 50.000 đồng/kg. Trong khi đó giá thịt heo nóng trong nước đang được nhiều siêu thị bán ra với thịt đùi, giò phổ biến 125.000 đồng/kg, ba rọi 185.000 đồng/kg, sườn non 230.000 đồng/kg...
Cần giám sát bán lẻ thịt đông lạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong ngành thực phẩm tại TP.HCM cho rằng với lợi thế giá rất rẻ, nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu đang được bán khá đa dạng. Với nhiều hệ thống bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, quán ăn, nhà hàng... thì thịt đông lạnh chiếm thị trường của thịt trong nước. Nhưng do đặc thù của hàng đông lạnh nếu không có hệ thống bảo quản và buôn bán đạt chuẩn thì chất lượng tương đối bấp bênh nếu bày bán ở nhiệt độ ngoài trời, không bao bì, nhãn mác.
"Thịt heo nhập khẩu khi được bán lẻ ra thường không còn bao bì đầy đủ, rất khó kiểm soát hạn sử dụng. Do đó cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra từ gốc, từ các đơn vị nhập khẩu lớn, hàng hết hạn hoặc không nguồn gốc phải được tiêu hủy ngay, sẽ phần nào hạn chế thịt nhập kém chất lượng ra thị trường", vị này kiến nghị.
Nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm lớn cũng cảnh báo thịt đông lạnh dỡ khỏi container rồi bày bán ngoài trời ở nhiệt độ thường dẫn đến rủi ro mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Ngoài ra do chênh lệch giá thịt đông lạnh và thịt nóng nên nhiều người còn lập lờ nguồn gốc xuất xứ để thu lợi bất chính.
Ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho biết giá thịt đông lạnh nhập vào thường thấp hơn 20 - 50% so với giá thịt heo trong nước, nên có tình trạng người bán thịt heo nhập khẩu cố tình lập lờ giữa thịt nóng và thịt lạnh. "Bằng cách bán thịt đông lạnh nhưng quảng cáo là thịt nóng, người bán sẽ có lợi nhuận lớn, điều này bất công với người tiêu dùng và doanh nghiệp bán thịt heo nóng. Cơ quan chức năng nên siết lại quy định về quản lý thịt đông lạnh nhập khẩu và có hình thức kiểm soát chặt hơn khâu bán lẻ", ông An đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết với thịt đông lạnh nhập khẩu thì cơ quan thú y sẽ kiểm dịch nhập khẩu theo quy định, bao gồm việc lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, lấy mẫu giám sát định kỳ hằng năm các chỉ tiêu về chất tồn dư độc hại và vi sinh vật gây hại. "Kết quả giám sát trong nhiều năm qua cho thấy sản phẩm thịt heo đông lạnh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên việc kiểm tra, đánh giá nguồn thịt nhập định kỳ tại nước xuất khẩu đang hạn chế; số mẫu và phạm vi lấy mẫu sản phẩm đã nhập vào còn ít", Cục Thú y thông tin.
Còn với bán lẻ thì nghị định 15/2018 quy định giao Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối...
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM - cho rằng sản phẩm tươi sống cần được bảo quản mát hoặc đông lạnh theo quy định, nếu bảo quản không tốt hoặc hàng hết hạn sử dụng thì thịt sẽ tự biến đổi chất lượng, sản sinh ra các chất nguy hại, nguy cơ nhiễm vi sinh cao, dẫn đến người sử dụng dễ bị ngộ độc cấp tính hoặc ảnh hưởng lâu dài lên cơ quan gan, thận, ruột...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận