"Nhân sâm động vật" giúp cơ thể tăng lực
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết chim cút tuy nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng lại rất lớn. Theo nghiên cứu y học hiện đại, hàm lượng protein trong thịt chim cút cao hơn trong thịt gà khoảng 20%; vitamin A, B, C, D, E, K cũng cao hơn thịt gà.
Thịt chim cút không chỉ có hương vị thơm, ngon mà còn chứa các chất dinh dưỡng phong phú như muối vô cơ, kích thích tố và amino acid, hàm lượng chất béo thấp (ở mức 0,3%), thấp hơn các loại thịt động vật khác, là thực phẩm hữu dụng để bồi bổ cho người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì.
Thịt chim cút có chứa sắt, canxi, đồng và các yếu tố vi lượng khác, giàu axit pantothenic, có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa rụng tóc, giảm các triệu chứng tóc bạc và hư hỏng tóc.
Theo đông y, thịt chim cút có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, trừ phiền nhiệt, cầm tả lỵ. Trứng chim có vị ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng bổ trung, ích khí.
Do tác dụng bổ dưỡng tăng lực rõ rệt nên trong y học cổ truyền, chim cút được xem như là "nhân sâm động vật", nhiều người gọi chim cút là "nhục sâm".
Đặc biệt, thịt chim cút có nhiều Lecithin, cải thiện sức mạnh thể chất cho nam giới.
Món ngon, vị thuốc tốt trị nhiều bệnh
Theo đông y, thịt chim cút có vị ngọt tính bình, bổ ngũ tạng, thông lợi thấp nhiệt, có thể để trị bệnh lưng gối đau mãn tính do can thận âm hư, trị bệnh tiêu hóa không tốt và ăn uống không thấy ngon.
"Chim cút có giá trị làm thuốc, chữa bệnh tương đối cao như: chữa cơ thể suy nhược, trẻ em suy dinh dưỡng, ho gà, bổ thận, bổ thần kinh, chữa đái tháo đường, tăng huyết áp, hạ huyết áp, xơ vữa động mạch và các bệnh khác nhau thuộc hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hô hấp...." - thạc sĩ Toàn nhấn mạnh
- Tiêu hóa kém, ăn không ngon: Chim cút 1 con (làm sạch, bỏ ruột), đảng sâm 15g, hoài sơn 30g, cho các vị thuốc vào bụng chim, hầm nhừ, ăn ngày 1 lần, cần ăn vài ngày liền. Tác dụng: bổ trung ích khí, thích hợp cho các chứng tỳ, vị suy yếu, tiêu hóa kém, ăn không ngon.
- Tiêu chảy, kiết lỵ: Chim cút 2 con làm sạch, đậu đỏ 100g, gừng tươi 10g (gọt vỏ đập giập) tất cả hầm nhừ, thêm gia vị, ăn ngày 1 lần. Hoặc chim cút làm sạch (4 - 5 con), tẩm bột trứng gà và lá mơ băm nhỏ, dùng dầu mè để chiên.
Dùng cho các trường hợp suy nhược, thở gấp, mỏi mệt, tiêu chảy, kiết lỵ, ăn kém, người cao tuổi suy kiệt.
- Rối loạn tiêu hóa, ăn kém, suy dinh dưỡng: Chim cút 2 con, gạo tẻ 100g, đậu đỏ 50g, bầu dục lợn 100g (thái lát). Tất cả nấu cháo, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp ho lao, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, ăn kém.
Hoặc cháo trắng (gạo tẻ hoặc gạo nếp) 1 tô, trứng chim cút 1-2 quả. Dùng cho trẻ em suy dinh dưỡng, người thể trạng suy nhược. Nên ăn vào buổi sáng hoặc buổi tối.
- Viêm phế quản mãn tính: Chim cút 1 con, đậu ván trắng 150g, gừng tươi 3 lát. Chim cút làm sạch, ướp đường, rượu, thêm gia vị vừa miệng ninh nhừ cùng đậu ván trắng, gần được cho thêm gừng tươi. Ăn ngày 2 lần, 5 ngày 1 liệu trình. Tác dụng hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính.
- Khí huyết suy nhược: Chim cút 100g (đã được làm sạch, bỏ ruột), măng tre 30g, mộc nhĩ 12g (ngâm mềm, rửa sạch), dưa chuột 12g. Đặt xoong trên bếp nóng, cho dầu, thả thịt chim cút vào rán chín, cho thêm nước hàng, bột đậu, măng, nấm, dưa chuột (đã thái lát), xào chín toàn bộ, nếm vừa là được. Dùng cho người khí huyết hư nhược, tiêu hóa kém.
- Yếu sinh lý: Chim cút một con làm sạch, chặt miếng, nấu với gạo thành cháo ăn hằng ngày là thuốc bổ chữa suy nhược, biếng ăn, cơ thể yếu mệt, ăn không thấy ngon, tốt cho quý ông yếu sinh lý.
- Giúp bổ khí, thông huyết: Thịt chim cút ninh nhừ với hạt đậu ván trắng và gừng tươi chữa kiết lỵ; thêm ít đường và rượu có tác dụng nhuận phế, bổ khí, thông huyết, tốt cho chuyện ấy ở cả nam và nữ giới.
- Cường gân cốt: Sa căn (củ đậu) 500g, chim cút 500g, thịt lợn nạc 100g, một chút trần bì (vỏ quít), nước và gia vị vừa đủ. Sa căn bóc vỏ rửa sạch, thái con chì; chim cút làm sạch, để nguyên con; thịt lợn thái mỏng.
Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước, hầm nhỏ lửa chừng 2,5 giờ cho thật nhừ, chế thêm gia vị dùng làm canh ăn. Công dụng: bổ tỳ ích khí, thanh nhiệt trừ thấp, làm mạnh gân cốt, bồi bổ ngũ tạng, có ích cho tỳ vị, làm mạnh khí, tăng sức chịu đựng với nóng lạnh, tán ứ giải nhiệt...
- Ích trí, bổ não: chim cút rút xương 150g, tủy sống lợn 50g, long nhãn 40g, đường phèn 40g, hành 5g, gừng tươi, gia vị và nước dùng gà vừa đủ. Chim cút làm sạch chặt miếng, để ráo nước; tủy lợn trần qua, loại bỏ gân xơ; long nhãn dùng nước ấm rửa sạch; gừng tươi đập giập. Tất cả cho vào bát đem hấp cách thủy.
Công dụng: Bổ ngũ tạng, an tâm thần, tăng trí lực, cải thiện sức nhớ. Dùng cho thanh thiếu niên thể chất suy nhược, công năng tỳ vị sút kém, năng lực ghi nhớ giảm suy giảm, sức tập chung chú ý kém, dễ hồi hộp, mất ngủ, hay quên…
- Thoái hóa đốt sống cổ: Chim cút 100 - 150g, kỷ tử 10g, đỗ trọng 20g, gia vị vừa đủ. Chim cút làm thịt bỏ nội tạng (chỉ giữ lại tim và gan), đỗ trọng rửa sạch thái vụn, cho vào trong túi vải buộc kín.
Đem chim cút, kỷ tử và đỗ trọng cho vào nồi, đổ chừng 250ml nước, hầm thật nhừ (chừng 90 phút) sau đó chế gia vị ăn nóng.
Công dụng: Bổ dưỡng can thận, ích khí dưỡng huyết, làm khỏe xương khớp, rất thích hợp với người bị đau cứng cổ gáy do thoái hóa có thể chất suy nhược, già yếu, kèm theo triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, huyết áp có thể tăng cao.
Thiếu máu, suy nhược cơ thể: Chim cút 2 con, hoàng kỳ 12g, một ít rượu vang và gia vừa đủ. Chim cút làm thịt bỏ lông và nội tạng, rửa sạch; hoàng kỳ thái phiến cho vào bụng chim cùng với gia vị rồi đem hấp cách thủy, ăn nóng.
Công dụng: ích khí bổ từ, tư bổ ngũ tạng, dùng rất tốt cho người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Những người không nên ăn thịt chim cút
- Những người bị chứng dạ dày nóng, ham muốn tình dục quá mạnh và phụ nữ có bầu.
- Mặc dù mọi người nghĩ rằng ăn cháo chim cút để bồi bổ cơ thể, nhưng nếu chúng không được tiêu hóa hết sẽ tồn tại lại trong cơ thể. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều thì ưu điểm của chim cút lại là nhược điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận