Chúng có thể sinh sống được ở tất cả những nơi có nước như ao, hồ, ruộng lúa, mương máng, hào, đầm, sông rạch… và có khả năng di cư từ ao hồ này sang ao hồ khác bằng cách vượt cạn (cá rô rạch), nhất là trong mùa mưa.
Thịt cá rô đồng vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa thơm, dai, béo mà không ngậy, dễ tiêu hóa, được nhiều người ưa thích. Từ cá rô người ta chế biến thành nhiều món ăn ngon như cá rô kho tương, cá rô nướng, cá rô rán giòn, cá rô thuôn hành răm, các loại canh cá rô, bún cá rô, miến cá rô…, món nào cũng hấp dẫn. Không chỉ ở nông thôn mà người dân ở đô thị cũng rất thích hương vị ngon thơm của các món ăn chế biến từ cá rô đồng, đặc biệt là món canh và miến cá rô.
Thịt cá rô đồng được chế biến thành những món ăn dân dã nhưng rất ngon và giàu dinh dưỡng. Trong 100g thịt cá rô có 74,2g nước, 19,1g protid, 5,5g lipid, 1,2g tro, 16,4mg canxi, 151,2mg photpho, 0,25mg sắt, 0,01 mg thiamin, 0,1ng riboflavin, 1,9mg axít nicotinic… cung cấp 126 Kcal.
Để làm món miến cá rô, người ta chọn những con cá còn tươi, béo vàng, đánh vẩy, cắt vây, mổ sạch, cho vào nồi luộc chín tới. Cá chín được vớt ra để nguội, lóc lấy thịt, rút hết xương sao cho thịt cá không vỡ, đem ướp với gia vị, rồi thả vào chảo dầu đang sôi. Khi vớt ra cá vàng và thơm rất quyến rũ. Phần đầu và xương cá còn lại được giã nhỏ, lọc lấy nước cốt để nấu nước dùng nấu miến. Món miến cá rô đồng ăn vừa mát vừa có hương vị ngon ngọt rất riêng, khó có món ăn nào sánh kịp.
Sau đây là những món canh cá rô ngon đồng thời là bài thuốc bổ dưỡng quý:
- Canh cá rô nấu với rau cải
Ngoài giá trị dinh dưỡng, các món canh cá rô đồng nói chung đều là những món ăn rất hấp dẫn, đồng thời là những bài thuốc bổ dưỡng khí huyết, lợi ích cho tỳ vị, thông dụng nhất là món canh cá rô nấu với rau cải gừng.
Vào những ngày cuối thu, trời se lạnh, ăn canh cá rô đồng nấu với cải và gừng thật ấm bụng và ngon miệng, điều quý hơn là món canh này còn có tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi, giải độc rất tốt cho những người có khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa…
Cách làm như sau: lấy 0,5kg cá rô, làm sạch, ướp với ít muối, đem luộc chín rồi gỡ lấy thịt ướp với nước mắm ngon. Phần xương và đầu cá còn lại đem giã nhỏ, lọc lấy nước nấu chung với nước luộc cá.
Rau cải 1kg, cắt bỏ rễ, rửa sạch, cắt khúc ngắn. Củ gừng 20g, gọt vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhỏ. Đun sôi lại nước luộc cá nói trên, cho nước mắm, muối vừa đủ, rồi cho rau cải vào, đun sôi lại, sau đó đổ cá vào cho thêm gừng và gia vị vừa ăn. Múc ra bát to, ăn nóng với cơm.
- Canh cá rô nấu với rau rút
Bà con Nam bộ thường dùng món canh cá rô nấu với rau rút.
Rau rút, miền Nam gọi là rau nhút (tên khoa học Neptunia Oleraceae) là loại rau mọc bò trên mặt nước, cọng non được bao bọc bởi một lớp phao trắng xốp.
Theo Đông y, rau rút có vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng bổ trung ích khí, làm dễ ngủ, mát dạ dày, bổ gân xương, nên món canh cá rô không chỉ là một món ăn ngon mà còn là bài thuốc tốt có tác dụng bổ dưỡng khí huyết mạnh gân cốt, ích tỳ vị, nhuận tràng, an thần, giải nhiệt, dùng cho những người cơ thể suy nhược, ăn uống kém, mất ngủ, suy nhược thần kinh, gân cốt yếu mỏi.
Cách làm như sau: lấy 300g cá rô đồng, cách làm cá và giã xương cá lọc lấy nước cũng như trên.
Rau rút 300g, bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, cắt từng khúc 3-4cm. Đun sôi nước luộc cá, cho thịt vào, khi nước sôi lại sẽ cho rau rút. Canh chín cho mắm muối, gia vị vừa ăn, thêm ít tiêu và hành lá xắt nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận