Mỗi lần như thế công luận lại than vãn về sự đi vắng của y đức và đòi hỏi khôi phục y đức.
Thế nhưng, cho dù có kêu gào khản cổ, những sai phạm vẫn đều đều xảy ra dưới hình thức này hay hình thức khác, như vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức hay vụ chỉ định mổ thoát vị bẹn song cắt nhầm bàng quang ở Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh hoặc vụ chỉ định mổ tử cung song lại “tiện tay” cắt luôn niệu quản ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai...
Những vụ trên do quá “lồ lộ” khi bị tố cáo, nên làm dư luận “ồn ào”... rồi thôi, chẳng thấy được sử dụng như là những tiền lệ (án lệ) mang tính răn đe, đặc biệt là đối với một ngành khoa học dựa nhiều vào việc nghiên cứu các (ca bệnh) tiền lệ như y khoa. Hậu quả là cứ liên tục xảy ra tai biến trong điều trị, có khi phải trả giá bằng mạng sống của người bệnh.
Trong vô số vấn đề của bộ máy y tế công cộng có lẽ vấn nạn xét nghiệm thiếu độ tin cậy, sự khác biệt về kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, đến nỗi không nơi nào dám sử dụng kết quả xét nghiệm của nơi khác, cần phải được tập trung giải quyết từ lâu. Do lẽ đây chính là nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn đến tử vong hay biến chứng, di chứng do chẩn đoán và điều trị sai, trong khi căn bệnh mới chỉ là nguyên nhân sâu xa có khi chưa đến mức giết người bệnh. Chính vì lơ là trước vấn nạn xét nghiệm này mà mới có thể dẫn đến việc làm giả kết quả xét nghiệm những 1.400 ca như đã thấy, để rồi không rõ đã có bao nhiêu bệnh nhân đã tử vong, gặp tai biến, di chứng oan! Có bao nhiêu bệnh nhân tim mạch hay tiểu đường, suy thận... bị tổn thất do được xét nghiệm xác định là “bình thường trong giới hạn” vì “nhân bản” từ kết quả xét nghiệm của người không bị tim mạch, tiểu đường, suy thận...
Cũng một phần do Luật khám chữa bệnh còn chưa đủ tính răn đe và chế tài. Chương VII về “sai sót chuyên môn kỹ thuật...” nhất là khoản 2, điều 76, “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật”, còn “mông lung” thả nổi trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh hơn nhiều so với y pháp của thế giới.
Thường thì khi nói đến lỗi y khoa, người ta phân biệt hai loại lỗi: hoặc vô ý, hoặc cố ý và pháp luật trừng phạt trên cơ sở đó. Ở Pháp, trách nhiệm hình sự của bác sĩ được xét trên năm bậc thang là vụng về, lơ đễnh, bất cẩn, cẩu thả và không tuân thủ các quy định về thận trọng hoặc an toàn, trên cơ sở tương quan nhân quả giữa việc chẩn trị của bác sĩ với cái chết hay thương tật của người bệnh. Từ đó, điều 221-6 Luật hình sự Pháp có hiệu lực từ ngày 1-3-1994 gọi rõ những trường hợp vụng về, bất cẩn, lơ đễnh, tắc trách... dẫn đến tử vong là ngộ sát, bị phạt tù ba năm và phạt vạ 300.000 F. Ngoài ra, người gây ra lỗi còn phải bồi thường theo luật dân sự. Còn việc bỏ mặc bệnh nhân nằm đó không ngó ngàng cấp cứu bị xếp là những tội do cố ý, nếu dẫn đến tử vong thì gọi là cố sát!
Chính vì luật pháp nghiêm khắc một cách rõ rệt như thế nên ít khi nhân viên y tế dám vô ý, chớ đừng nói là (nhẫn tâm) cố ý sai phạm hoặc lừa dối trong khi hành nghề. Thậm chí vào đầu những năm 1980 khi mà HIV mới được phát hiện, một thủ tướng Pháp cùng hai bộ trưởng dưới quyền đã thân bại danh liệt vì để một trung tâm truyền máu của nhà nước sử dụng máu chưa được xử lý. Có lẽ với một y pháp nghiêm minh như của các nước, may ra ở nước ta mới giảm bớt những lỗi vô ý, cẩu thả, tắc trách, thậm chí cố ý và lặp đi lặp lại như hiện thời. Y pháp chưa được tỏ tường, làm sao y đức vốn là trừu tượng có thể tồn tại?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận