16/07/2011 00:30 GMT+7

Thiếu vốn, nhiều người lỡ cơ hội xuất khẩu lao động

C.QUỐC - Đ.BÌNH
C.QUỐC - Đ.BÌNH

TT - Ngày 15-7 tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị về đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

* Hỗ trợ trên 50 tỉ đồng cho lao động về từ Libya

Ông Trần Thanh Việt - phó chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng - nêu hạn chế là thời gian qua người lao động chỉ được tư vấn một chiều (chủ yếu về thu nhập hấp dẫn) mà “quên” tư vấn về khó khăn của môi trường lao động ở nước ngoài khiến họ không chủ động về tâm lý. Do đó khi gặp khó khăn, người lao động rất dễ chán nản, vi phạm kỷ luật lao động, thậm chí trốn về nước.

Một vấn đề được nhiều đại biểu phản ảnh là chính sách cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động vay vốn còn hạn chế khiến nhiều người nghèo bỏ lỡ cơ hội ra nước ngoài lao động. “Muốn đi Hàn Quốc lao động phải đóng phí 700 USD, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ở một mức độ nhất định thôi, đâu phải ai cũng tiếp cận được” - ông Nguyễn Trung Kiên, trưởng Phòng lao động - thương binh xã hội huyện Gò Quao (Kiên Giang), chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ chính sách góp phần thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu lao động cũng như phối hợp với doanh nghiệp làm tốt công tác thị trường. Ông đề nghị các địa phương phải làm tốt việc tạo nguồn lao động cũng như tìm cách hỗ trợ người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động như hỗ trợ lãi suất, phối hợp với doanh nghiệp giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong quá trình người dân tham gia xuất khẩu lao động...

Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, hiện số người Việt Nam xuất khẩu lao động tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới là khoảng 60.000 người, tập trung nhiều ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan...

* Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, đầu tuần tới cơ quan này sẽ trình Thủ tướng phương án hỗ trợ lao động về từ Libya. Cơ quan này đề nghị trích trên 50 tỉ đồng từ quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để ưu tiên cho lao động Việt Nam ở Libya phải trở về nước trước thời hạn (chưa thực hiện được một nửa thời gian hợp đồng) và tất cả lao động thuộc 62 huyện nghèo đã làm việc ở thị trường này phải về nước trước hạn. Theo phương án hỗ trợ, dự kiến các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng sẽ được hỗ trợ một phần phí môi giới do chưa được chủ sử dụng lao động Libya hoàn trả.

C.QUỐC - Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên