16/11/2018 09:07 GMT+7

Thiếu triết lý, học hành trở thành gánh nặng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là những nhận xét được đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên họp toàn thể thảo luận dự án Luật giáo dục (sửa đổi) ngày 15-11.

Thiếu triết lý, học hành trở thành gánh nặng - Ảnh 1.

Gánh nặng học hành trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội - Ảnh: T.T.D.

"Nội dung, phương pháp giáo dục từ nhiều năm qua vấp phải không ít phản ứng của xã hội. Nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua" - đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ý kiến.

Vẫn băn khoăn về triết lý giáo dục

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu thực tế đáng buồn nhất là sản phẩm giáo dục - sinh viên ra trường - không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, "việc cắp sách đến trường chỉ mới dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là một niềm vui. 

Một trong những mục tiêu của giáo dục là để hội nhập quốc tế, nhưng luật và nghị định không có bất kỳ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập".

"Người lớn đã nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn. Một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học. 

Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành… "con người ta" nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ" - đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) trăn trở. Ông đề nghị dự luật phải có các quy định tạo ra nền tảng để nhà trường "dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân hợp lý nhất".

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, "bốn trụ cột trong mục tiêu, triết lý giáo dục của dự thảo luật có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ các điều khoản sau đó không xoay quanh bốn trụ cột này, mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc". 

Ông cho rằng "để đáp ứng bối cảnh mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng đến từng người học, giúp học sinh chủ động trong nhận thức, độc lập trong tư duy sáng tạo để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với những thay đổi của thế giới hiện nay".

"Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành của triết lý phát triển" - đại biểu Nhân bình luận, đồng thời gợi ý về triết lý một nền giáo dục "tựu trung lại là làm cho sự học của mỗi người cốt để hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc".

"Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây. Tất cả những vấn đề này chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu để trình Quốc hội dự thảo, báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2019)".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong liên thông

Thiếu triết lý, học hành trở thành gánh nặng - Ảnh 3.

Luật giáo dục phải tháo gỡ “điểm nghẽn” trong liên thông. Trong ảnh: sinh viên khoa điện - điện lạnh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phân tích sâu về những tồn tại, bất cập đang tạo ra những điểm nghẽn trong liên thông, gây khó khăn cho mục tiêu phân luồng trong giáo dục, đại biểu Lê Quân (Hà Nội), thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết từ năm 2011 chỉ thị của Bộ Chính trị và quyết định gần đây của Thủ tướng có nêu mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 30% học sinh THCS vào học nghề, đến năm 2025 đạt 40%. Nhưng hiện nay mới chỉ đạt 8-10%, tỉnh có tỉ lệ cao như Vĩnh Phúc cũng mới đạt 25%.

Theo quy định, nếu muốn học liên thông lên cao hơn thì học sinh tốt nghiệp trung cấp phải học thêm một năm văn hóa. Học hết CĐ muốn liên thông lên ĐH lại phải tham gia kỳ thi tuyển quốc gia, trong khi đó ĐH hiện nay đã xét tuyển rồi. 

"Tôi đề nghị quy định người học khi học xong bậc nào phải được liên thông lên bậc kế tiếp, không cần có những điều kiện gì bổ sung. Trách nhiệm của ai quản lý bậc nào thì phải đào tạo chương trình đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để liên thông lên bậc trên" - đại biểu Lê Quân bày tỏ.

Ông Quân khẳng định vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH thí điểm mô hình học hết 9 năm thì được lên học CĐ. Như vậy chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa lẫn kỹ năng nghề, các em đến 18-19 tuổi gia nhập thị trường là rất hiệu quả. 

"Do đó, đề nghị cho phép các em học hết THCS có thể tham gia trung cấp hoặc học CĐ ngay, khi đó chúng ta thiết kế chương trình sẽ đảm bảo phù hợp hơn" - ông Quân đề nghị.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cũng "đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định công nhận tương đương bằng THPT đối với đối tượng có bằng trung cấp nghề thì mới có lượng học sinh phân luồng học nghề, sau đó có cơ hội học tập ở trình độ cao hơn". 

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng lên tiếng "đề nghị ban soạn thảo nên bổ sung giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vào nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục quốc gia và phải khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước đối với giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh".

Một hay nhiều sách giáo khoa?

* "Tôi đồng tình với việc quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa (SGK); thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Quy định như thế là tạo tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở giáo dục. Để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất trong quá trình thực hiện, đề nghị quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục, hoạt động của hội đồng thẩm định cấp tỉnh và quy trình thẩm định". (Đại biểu NGUYỄN THỊ PHÚC, Bình Thuận)

* "Nhiều giáo viên, phụ huynh muốn cả nước có một chương trình SGK thống nhất (bởi nước VN là một, dân tộc VN là một) còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao. SGK phải được kiểm soát, thẩm định hết sức chặt chẽ. Nội dung SGK phải tinh gọn, mang bản sắc VN và hiện đại theo chuẩn quốc tế. Chương trình phổ thông phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học".

(Đại biểu Cao Đình Thưởng, Phú Thọ)

Đừng quên những học sinh khuyết tật

Đại biểu Trần Thị Hiền

Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu - Ảnh: TTXVN

Ủng hộ việc mở rộng phạm vi Luật giáo dục (sửa đổi), trong đó có quy định thúc đẩy quyền được học tập của người khuyết tật, nhưng đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng quy định trong dự thảo luật là chưa thỏa đáng, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng và tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật.

"Trong dự thảo luật, các quy định về ngôn ngữ, chữ viết, SGK hoàn toàn chưa đề cập gì đến việc bảo đảm tiếp cận giáo dục của người khuyết tật trên khía cạnh ngôn ngữ, chữ viết, SGK phù hợp" - bà dẫn chứng.

Đại biểu Trần Thị Hiền tha thiết bày tỏ: "Công ước về quyền của người khuyết tật yêu cầu các quốc gia thành viên trong điều kiện kinh tế - xã hội của mình cần thực hiện những điều chỉnh hợp lý cả về chính sách, pháp luật và các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật.

Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật giáo dục chính là cơ hội quý báu, cơ hội "vàng" để thực hiện sự điều chỉnh hợp lý về chính sách, thông qua việc tạo thuận lợi cho việc học chữ nổi, chữ viết in thay thế, ngôn ngữ ký hiệu, các phương tiện và hình thức giao tiếp khác".

Bà Hiền khẳng định "chỉ có phát triển mạnh giáo dục hòa nhập, đặc biệt ở khía cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho đội ngũ giáo viên mới là cách tốt nhất tôn trọng tiềm năng phát triển của trẻ em khuyết tật, đưa các em ra khỏi thế giới nghèo nàn, mặc cảm, tự ti và giảm thiểu định kiến về người khuyết tật trong những thế hệ tương lai".

Giáo dục thiếu triết lý như không có hải đăng dẫn đường

TTO - Quốc hội rút ngắn thời lượng thảo luận Luật giáo dục sửa đổi từ 1 ngày xuống 1 buổi, trong khi bảng điện tử hiện 63 đại biểu đăng ký phát biểu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên