06/11/2020 11:11 GMT+7

Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non

THẢO THƯƠNG - BỬU ĐẤU
THẢO THƯƠNG - BỬU ĐẤU

TTO - Bộ GD-ĐT cho biết năm học 2019 - 2020, giáo dục mầm non thiếu 45.242 giáo viên. Dù có nhiều ưu tiên, chế độ nhưng giáo viên mầm non ở các tỉnh vẫn thiếu trầm trọng.

Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non - Ảnh 1.

Học sinh lớp lá Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Đây là số lượng còn thiếu ở năm học 2019 - 2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra ở các tỉnh trong cả nước.

Thiếu nhiều giáo viên cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi

Phú Yên là một trong những nơi thiếu giáo viên mầm non nhiều nhất cả nước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: "Thiếu trầm trọng nhất là giáo viên cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tỉ lệ giáo viên/lớp chỉ 1,6, trong khi đó thông tư 06 đề ra phải đạt tỉ lệ 2,2. 

Vì thiếu giáo viên mầm non nên huy động trẻ mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường cũng bị thiếu, tỉnh Phú Yên chỉ đạt 68,4%, trong khi cả nước đạt 90%. Nhu cầu của người dân, của phụ huynh mong muốn con được đến trường là rất lớn. Cơ sở vật chất thì đầy đủ, phòng học còn thừa nhưng không có giáo viên để mở lớp".

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương rất thấp. Các tỉnh có tỉ lệ giáo viên/lớp thấp như: Trà Vinh 1,32, An Giang 1,44, Kiên Giang 1,47, Kon Tum 1,36, Gia Lai 1,4. Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo ông Võ Bình Thư - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện thiếu trên 800 giáo viên mầm non theo thông tư mới của Bộ

GD-ĐT. Nguyên nhân là trước đây chương trình cũ quy định chỉ 1 giáo viên/lớp, sau khi có chương trình mới thì quy định theo từng nhóm lớp. Cụ thể, bán trú là 2,5 giáo viên/lớp; 2 buổi là 2,2 giáo viên/lớp và 1 buổi là 1,2 giáo viên/lớp... dẫn đến tình trạng thiếu cả ngàn giáo viên. Đến thời điểm này còn thiếu khoảng 800 giáo viên.

"Việc thiếu này dĩ nhiên có ảnh hưởng đến dạy và học cho các bé. Trước đây chương trình cũ chỉ 1 giáo viên/lớp thì bình thường nhưng bây giờ dạy theo chương trình mới mà giáo viên không đủ dĩ nhiên phải ảnh hưởng. Không riêng gì An Giang mà tỉnh nào xung quanh cũng thiếu cả" - ông Thư nói.

Vẫn có nơi thừa

Ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết ở tỉnh thừa giáo viên mầm non nhưng không thể sử dụng. "Trẻ mầm non 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ rất cao, gần 100%, nhưng độ tuổi 6 tháng - 3 tuổi còn rất thấp, chưa đạt 35% toàn tỉnh. Tỉnh muốn đẩy con số này lên, có giáo viên nhưng không có trường lớp.

Muốn phát triển trường lớp phải đẩy mạnh xã hội hóa và tăng ngân sách nhà nước, nhưng hai điều này cũng rất khó vì xã hội hóa được thì tùy thuộc từng vùng, chỉ ở những TP lớn, phát triển; còn ngân sách nhà nước liên quan đến nhiều định biên khác. Vì thế có sẵn giáo viên mầm non đó nhưng không sử dụng được hết. Đây là bài toán nan giải" - ông Tân nói.

Không mặn mà

Dù rằng có nhiều chế độ, nhiều ưu tiên cho giáo viên mầm non, nhưng đa số giáo viên mầm non đều than phiền với công việc "gõ đầu trẻ". 

Chị N.T.S., từng là giáo viên mầm non ở Tiền Giang, hiện đang làm bộ phận hành chính cho một công ty ở TP.HCM, chia sẻ: "Dạy mầm non phiêu quá, sáng 6h đi ra khỏi nhà, chiều tối 6h mới được về nhà, làm hơn 8 tiếng, nhưng lương không bằng công nhân. Đó là chưa kể áp lực từ quá nhiều phía, nhất là phụ huynh. Tôi và nhiều bạn bỏ nghề đi làm văn phòng hoặc làm ngành khác".

Chị S. kể thêm rằng mình làm được 3 năm, quần quật 1 tháng cao nhất chỉ được 5 triệu. "Nào là giáo án, lên tiết, sổ sách, thi đua, thao giảng, ôn học chữ, rồi mỗi tuần trang trí cho lớp, cho các lễ hội, cho bé ăn, chăm sóc bé và nói chung rất vất vả. 

Đi làm cả ngày ở trường, về mệt nhoài nên không có thời gian chăm sóc gia đình. Áp lực nhất là chăm các con bây giờ, lỡ một xíu từ cái tay, cái tóc của con là xác định rắc rối to với phụ huynh. Tôi nghỉ dạy, đi làm công nhân là vậy" - chị nói thêm.

Dạo một vòng trong một group trên mạng xã hội về tuyển dụng giáo viên mầm non, bảo mẫu, có dòng trạng thái được cập nhật mới nhất: "Vì sao bạn nghỉ tại trường công để chuyển qua trường tư? Điều gì khiến bạn không thích ở trường mầm non công lập?" thì có hơn 2.000 lượt like (yêu thích) và hàng ngàn bình luận với câu trả lời chính là vất vả, áp lực, lương thấp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái lý giải nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non là do không có biên chế.

"Thiếu giáo viên là do biên chế chỉ có tổng số bấy nhiêu đó nhưng đã sử dụng hết, hợp đồng thì không có nên tuyển dụng gặp khó khăn. Sinh viên ra trường chọn những nơi khác có mức lương cao, giáo dục mầm non không thu hút được lao động. 

UBND tỉnh, Sở Nội vụ hết sức quan tâm và có ủng hộ làm đề án, cho phép tuyển dụng đặc cách, cuối năm sẽ tuyển dụng giáo viên, sau đó mới trình Bộ Nội vụ" - bà Ái nói và đưa ra giải pháp.

Trong khi đó, ông Võ Bình Thư cho rằng biết nguồn giáo viên hằng năm chỉ tuyển được 200 giáo viên mầm non từ Trường đại học An Giang và cao đẳng. 

Ông Thư đề xuất: "Nếu chỉ có 200 giáo viên/năm ra trường thì phải mất 4 năm sau chúng tôi mới tuyển đủ chỉ tiêu. Vì vậy, để giải quyết nhanh tình trạng thiếu giáo viên này, chúng tôi đã đề nghị các trường đại học, cao đẳng tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành mầm non để tranh thủ tuyển đủ số lượng giáo viên mầm non phục vụ việc giảng dạy cho các em".

TP.HCM: các trường công lập đủ giáo viên

Năm học 2019 - 2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, tăng 2.064 giáo viên so với năm trước. Bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp; tăng 0,02 giáo viên/lớp. Tại TP.HCM, bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "TP.HCM không thiếu giáo viên ở các trường công, tỉ lệ giáo viên/lớp hơn 2. Có được điều này do đặc thù của TP.HCM, đồng thời TP có những chính sách giáo dục phát triển mầm non".

Cần giải pháp cho từng giai đoạn

mam non

Học sinh Trường mầm non Măng Non 1 (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: TH.THUONG

Ông Đặng Văn Bình, phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT, cho biết tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo dài trong nhiều năm qua là do tăng dân số cơ học, do một số địa phương "tăng trưởng nóng" ở TP lớn, khu công nghiệp nên nhu cầu trẻ mầm non, mẫu giáo đến lớp tăng cao; tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm do tinh giản biên chế nên biên chế tuyển giáo viên còn hạn chế, nhất là mầm non; công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của địa phương chưa kịp thời, không hiệu quả, nên bị động trong bố trí lượng giáo viên.

"Do đó, ở những cơ sở giáo dục chưa bố trí đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định thì ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và tạo ra áp lực cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn được triển khai đúng chương trình giáo dục mầm non và kế hoạch, nhiệm vụ của từng năm học" - ông Bình nhấn mạnh.

Nói về giải pháp tháo gỡ, ông Bình cho biết không thể giải quyết ngày một ngày hai được, mà cần có giải pháp cho từng giai đoạn, từng địa phương và Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết số 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Ông Bình nói: "Trong đó, Chính phủ đã cho phép các trường công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các trường công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, được ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng đối với giáo viên để thay cho giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ mà chưa kịp tuyển thay thế và bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 với các trường học 2 buổi/ngày".

Không giảm biên chế đối với giáo viên mầm non Không giảm biên chế đối với giáo viên mầm non

TTO - Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

THẢO THƯƠNG - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên