Hàng trăm bạn đọc đã gửi phản hồi về Tuổi Trẻ Online bày tỏ quan điểm như trên trước việc Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói: Thiếu thuốc, thiết bị y tế có nguyên nhân sợ sai trong đấu thầu.
Tại sao lại sợ sai?
Theo bạn đọc Lão Gàn, sau khi đọc rất nhiều bài báo về vấn đề này, điều không được nhắc tới trong bài báo mà bà Lan phát biểu là những quy định rất khắt khe của ngành, đã trói buộc tất cả. Còn những người chưa liên quan, nhìn những người đã bị bắt, thì không sợ mới lạ.
Còn bạn đọc A.T. lại cho rằng luật, quy định rõ ràng, câu cú ngữ pháp viết cho đúng ngữ nghĩa, không tạo mơ hồ bị hiểu sai khi đọc, thì không thể nào sợ làm sai cả. Ai không làm được thì tự xấu hổ và xin nghỉ hưu sớm, để đầy người có thể làm tốt vào thay vị trí đó.
Phân tích sâu hơn, bạn đọc Hang Minh viết: Tình trạng này do hai nguyên nhân. Thứ nhất là bộ phận soạn thảo Luật đấu thầu chưa soạn được một quy định hoàn chỉnh nên người thực hiện rất khó làm hoặc thực hiện rất dễ sai phạm.
Hoặc nguyên nhân thứ hai là bộ phận thực hiện không đủ năng lực, sợ trách nhiệm, không có trách nhiệm trong công việc thôi.
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Hai Le bày tỏ: Nguyên nhân này không mới, các quy định về đấu thầu đôi khi làm khó người thực hiện, thậm chí còn cài cắm, gây khó hiểu.
Cần mạnh dạn hướng đến đấu thầu công khai, minh bạch và hiệu quả như tinh thần của Luật đấu thầu đã đưa ra những quy định.
"Tại sao lại sợ sai? Luật không rõ ràng chồng chéo hay trình độ năng lực của các vị được giao trách nhiệm còn hạn chế dẫn đến trì trệ mọi sự hoạt động của ngành y tế", bạn đọc Thanh Thủy tiếp tục đặt vấn đề.
Còn theo bạn đọc Huy Phan: Tại sao trước đây không sợ sai mà nay lại sợ sai? Như vậy, lý do sợ sai là chưa thuyết phục.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị kéo dài bấy lâu nay, bạn đọc Nguyễn Phước cho rằng dù là lý do gì thì người đứng đầu ngành y tế cũng phải chịu trách nhiệm.
Cứ đổ tại này tại kia chỉ có ngành và lớn nhất là dân phải chịu hậu quả. Phải có địa chỉ cụ thể, cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm chứ, chẳng lẽ cứ lý do này nọ mãi sao được.
"Việc khúc mắc trong đấu thầu ít nhất đã được Quốc hội tháo gỡ rồi. Sao bộ trưởng còn đưa ra để lý giải là không hợp lý.
Còn cán bộ sợ sai, như vậy là trình độ chuyên môn yếu. Trước đây đã làm rồi, sao bây giờ sợ, chỉ trừ trường hợp làm sai mới sợ thôi, còn làm đúng thì có gì mà sợ.
Theo tôi nên nhìn đúng vào sự thật, nếu sợ không làm thì nên thay người khác có tâm và có tầm để dân đỡ khổ, ngóng cổ trông chờ thuốc hoài khi đi khám chữa bệnh", bạn đọc Đoàn bày tỏ.
Cùng đề cập đến trách nhiệm, bạn đọc Bùi Đức Thắng viết: Lãnh đạo Bộ Y tế quản lý, điều hành kiểu gì mà để thiếu thuốc, thiếu vật tư trang thiết bị là sai hoàn toàn, đừng đổ lỗi cho bất cứ cái gì khác.
Lãnh đạo bộ không thể biện minh gì được, dù cấp này không sai cũng phải có cấp kia sai. Hài nhất là hay đổ lỗi cho cơ chế. Cơ chế hay cơ gì cũng là do con người đẻ ra.
Bệnh viện mà thiếu thốn đủ thứ thì còn gì là bệnh viện. Thử hỏi xem căn bệnh của con người có chờ khi có thuốc rồi người ta mới bệnh hay sao?
"Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định đúng về bề nổi, về nguyên cớ. Chứ không phải là bản chất của vấn đề. Sâu xa là, từ trước đây việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã không được rạch ròi, minh bạch rồi", bạn đọc Phạm Thiết Hùng nói thẳng.
Lý giải thêm về nguyên nhân, bạn đọc Bùi Xuân Khải bày tỏ: Nói chung là yếu kém, buông lỏng quản lý từ bộ trưởng cho tới cơ sở.
Tại sao trước đây cũng quy định cũ vẫn bình thường, còn bây giờ mới nói quy định cũ là không, khó thực hiện. Vậy trước đây các cán bộ thực hiện được là "có vấn đề" hết à!?
Ai là người phê duyệt các quy định đấu thầu? Không tỉnh táo chúng ta đang bị nhóm lợi ích ép lại nhà nước để trục lợi chăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận