20/09/2017 19:46 GMT+7

Dự luật phòng chống tham nhũng thiếu quy định xử lý tài sản bất minh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Thẩm tra dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Chính phủ trình, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát hiện thiếu một trong những vấn đề vướng mắc nhất lâu nay là xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Dự luật phòng chống tham nhũng thiếu quy định xử lý tài sản bất minh - Ảnh 1.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng cực kỳ khó khăn, phức tạp

Dự án luật được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9. 

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng cho thấy một trong những hạn chế, bất cập của luật hiện hành là "còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập; thiếu các quy định về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý".

Tuy nhiên, điều đáng nói là dự thảo luật "chưa có các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai…". 

Ủy ban Tư pháp khẳng định đây là những nội dung rất quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản. 

"Ngoài ra, những sửa đổi trong các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập mới chỉ tập trung đến việc kê khai tài sản, thu nhập với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi hiện nay chưa có các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên không đảm bảo được tính toàn diện và khó đạt được hiệu quả như mong muốn" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. 

Dự thảo luật quy định về trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; trong việc kiểm tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. 

Ủy ban Tư pháp cho rằng với những quy định mới này, dự thảo luật đã cắt khúc việc quản lý nhà nước về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, xử lý hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng… cho hai loại cơ quan khác nhau: cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước.

Các cơ quan kiểm tra của Đảng hoạt động theo điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và tuân thủ pháp luật; có chức năng, quyền hạn tiến hành kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên theo điều lệ Đảng; không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Chủ trương nhất quán của Đảng là Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không quản lý, làm thay. 

Như vậy, việc dự thảo luật giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động quản lý nhà nước cho cơ quan của Đảng sẽ không bảo đảm được tính thống nhất và sẽ khó xác định rõ được trách nhiệm trong quản lý nhà nước.

"Theo quy định của pháp luật, Quốc hội ban hành luật và giám sát việc thi hành luật, vì vậy nếu quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan Đảng trong dự thảo luật thì các cơ quan này có phải báo cáo việc thực hiện luật trước Quốc hội hay không, có chịu sự giám sát của Quốc hội trong việc thi hành luật hay không?" - Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên