Vấn đề sử dụng văn mẫu không phải là câu chuyện quá mới mẻ, thế nhưng điều đáng lo ngại không nằm ở sách văn mẫu mà nằm trong suy nghĩ “đóng khung” của rất nhiều giáo viên dạy văn hiện nay.
Học văn đâu chỉ học cách cảm thụ các tác phẩm văn chương của thế hệ trước mà còn học cách nhìn nhận cuộc sống, học cách phản biện, bày tỏ quan điểm. Giúp các em viết về những gì các em cảm nhận cũng là cách giáo dục cho các em đức tính trung thực. Và để làm được điều đó cần lắm những giáo viên dạy văn dám vượt qua được áp lực thành tích, dám thay đổi cách dạy, chấm văn kiểu cũ và dám chấp nhận sự khác biệt trong bài viết của học sinh. |
Có lần một người quen lắc đầu ngao ngán kể với tôi rằng cháu của chú được giáo viên dạy văn giao cho bài tập về nhà với đề bài “Hãy miêu tả ngôi nhà của em”.
Cô bé thật thà miêu tả “ngôi nhà” của mình vỏn vẹn chừng 18m2, mọi sinh hoạt từ nấu nướng, ăn uống, học hành... đều diễn ra dưới nền nhà. Miêu tả chi tiết xong, cô bé còn bày tỏ sự khâm phục mẹ khi mẹ có thể khéo léo sắp xếp được nhiều đồ đạc một cách ngăn nắp trong diện tích nhỏ như vậy.
Thế nhưng, khi nộp bài thì giáo viên không chấp nhận bài viết của em và yêu cầu viết lại bài khác.
“Nhà phải có phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp... chứ em viết như vậy đâu phải là nhà - chú kể lại lời giáo viên nói, rồi lắc đầu ngao ngán - Ba mẹ cháu làm công nhân, gia đình thuê nhà trọ gần công ty. Cháu ở đó từ nhỏ, đó không là nhà thì là gì? Con nhỏ có được sống trong ngôi nhà đàng hoàng như người ta đâu mà biết để tả”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về cách nghĩ và cách dạy văn rập khuôn, máy móc của không ít giáo viên. Văn chương là tấm gương phản chiếu đời sống hiện thực nhưng tôi không hiểu vì sao nhiều giáo viên cứ bắt ép học sinh viết những điều không thuộc về cuộc sống của các em. Tại sao không chấp nhận những bài viết tuy thô nhưng mộc mạc và chân thật?
Đừng than phiền người học sử dụng văn mẫu tràn lan khi chính người dạy không chấp nhận sự khác biệt trong bài viết của học sinh. Các em chỉ cần đi chệch đường ray do giáo viên vạch sẵn là bị điểm thấp, chính điều đó đã hình thành trong các em tư tưởng viết theo hướng dẫn của thầy cô hoặc theo văn mẫu là an toàn nhất, vừa không phải suy nghĩ nhiều vừa được điểm cao.
Tuy nhiên không thể trách giáo viên dạy văn được bởi sự rập khuôn đó không chỉ gói gọn trong suy nghĩ của giáo viên mà là vấn đề đang tồn tại trong việc dạy và chấm điểm môn văn của cả nước. Ai từng trải qua những ngày ôn thi tốt nghiệp THCS, THPT hoặc thi ĐH sẽ hiểu rõ điều đó. Bao giờ thầy cô cũng dặn mở bài phải thế này mới lấy trọn điểm, thân bài phải thế kia mới có điểm cao.
Hầu như học sinh chỉ có đất sáng tạo trong những kỳ thi học sinh giỏi văn cấp quốc gia, cấp thành phố... còn thi tại lớp hoặc trong các kỳ thi cả nước thì phải làm văn theo khuôn khổ vì barem điểm quy định như vậy. Khác biệt quá đôi khi bị điểm thấp vì trong barem điểm... không có ý đó.
Cũng chính vì tâm lý lo lắng học sinh thi điểm thấp nên giáo viên dạy theo kiểu “học để thi” ngay từ những ngày đầu. Nhưng môn văn không có sự rạch ròi đúng sai như các môn tự nhiên, nếu đọc bài viết nào cũng chỉ có một màu thì còn gì là văn học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận