Ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại, thi sát hạch để lấy bằng lái (cả ô tô và xe máy) với đa số người dân còn là câu chuyện mưu sinh. Bằng lái "treo" đồng nghĩa họ không thể chạy xe ra đường và nỗi lo "cơm áo gạo tiền" đè nặng.
Học xong "chờ dài cổ"
Suốt nhiều tháng qua, Tuổi Trẻ liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc ở nhiều tỉnh thành việc bị "treo bằng" do thiếu phôi bằng lái.
Anh Trần Văn Nhuận, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, bức xúc khi đã thi đậu bằng lái xe B2 từ cuối tháng 9-2024 nhưng tới nay hơn hai tháng vẫn chưa có bằng lái. Điều trớ trêu là anh đã mua ô tô nhưng đành phải "trùm mền" vì không có bằng lái.
Hàng chục ngàn người bị 'treo bằng lái' do đâu?
Theo tìm hiểu, tại hầu hết các trung tâm học, sát hạch lái xe ở Bình Dương như An Cư, Sóng Thần, Bến Cát... khoảng 3 - 4 tháng trở lại đây học viên đều lâm vào cảnh thi đậu nhưng không được cấp bằng lái.
Ông Võ, một thầy dạy lái xe tại TP Bến Cát, nói rất khó xử khi bị học viên hỏi chừng nào có bằng.
"Khi nhận hồ sơ, như thông lệ tôi nói với học viên là sau khoảng 10 ngày thi đậu sẽ có bằng lái để họ chủ động công việc. Nhưng nay bỗng nhiên sở không cấp bằng lái sau nhiều tháng khiến học viên nghi ngờ cả thầy. Có học viên vay ngân hàng để mua xe nhưng không có thu nhập đóng lãi nên họ càng bức xúc. Chúng tôi giờ chỉ còn cách hướng dẫn học viên gọi điện về đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải để hỏi", ông Võ nói.
Trong khi đó, nhiều người cho hay có phản ảnh về đường dây nóng hay cổng dịch vụ công của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cũng chỉ nhận được câu trả lời là "phải chờ", nhưng không rõ chờ đến khi nào.
"Vì quá bức xúc, tôi đã gọi điện hàng chục lần lên đường dây nóng của sở, nhưng lần nào cũng được trả lời là chờ. Tôi kiến nghị nếu thiếu phôi thì có cách nào để cấp bằng lái điện tử để người dân có thể lưu thông", anh Nhuận đề xuất.
Tương tự tại Đồng Nai, anh Nhân (ngụ Biên Hòa) cho hay sau khi học và thi đậu bằng lái ô tô ở một trường trên địa bàn nhưng anh được thông báo chờ phôi bằng với lý do "vì các thầy thông báo chờ phôi từ Cục Đường bộ Việt Nam".
"Học bằng lái, mua chiếc ô tô để làm phương tiện đi lại nhưng giờ phải chờ phôi bằng vì không thể lái xe đi được", anh Nhân bức xúc.
Thi đậu nhưng không được cấp bằng lái, có người "nóng lòng chạy đại" dù biết vi phạm pháp luật. Đơn cử là trường hợp Đ.K. (18 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) đăng ký học và thi lấy bằng lái xe mô tô hạng A1 tại một trường dạy lái xe ở quận 10. Khi đăng ký học, anh nhân viên của trường cho biết sau khi thi đậu 21 - 25 ngày sẽ được nhận bằng lái.
Nhưng sau 21 ngày, Đ.K. lại được nhân viên trường báo "việc nhận bằng sẽ chậm hơn dự kiến". Do "chờ dài cổ" vẫn chưa nhận được bằng, Đ.K. "đánh liều" lái xe khi chưa được cấp giấy phép lái xe.
"Tôi 18 tuổi và đã vượt qua kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe. Tôi nghĩ đã đủ điều kiện tham gia giao thông. Đáng lý ngay khi tôi thi đạt, cơ quan chức năng nên cấp một tờ giấy chứng minh tôi đã vượt qua kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe", Đ.K. bức xúc.
Hết "cầu cứu" rồi loay hoay đi mượn phôi
Tình trạng thiếu phôi in bằng ngày càng nghiêm trọng, có địa phương phải công bố với người dân là tạm dừng các kỳ sát hạch lái xe. Theo tìm hiểu, hiện Bình Dương còn thiếu 18.000 giấy phép lái xe chưa cấp vì thiếu phôi, trong khi nhu cầu tới hết năm cần tới tổng cộng 50.000 phôi giấy phép lái xe.
Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương thừa nhận có tình trạng người dân thi đậu bằng lái xe nhưng không được cấp bằng vì thiếu phôi in. Đơn vị cũng đã kiến nghị Cục Đường bộ nhưng tới nay chưa nhận được phôi thẻ đủ số lượng, kéo theo việc không thể cấp đúng hạn bằng lái cho người dân.
"Mặc dù đã mượn tạm phôi thẻ của một số tỉnh thành nhưng tới nay Bình Dương chỉ đủ phôi cấp nhỏ giọt cho một số trường hợp cấp bách", vị đại diện này chia sẻ.
Còn Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai phải thông báo tạm dừng tiếp nhận một số thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe năm 2024 do nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe của người dân tăng đột biến.
Hiện đơn vị đã báo cáo kiến nghị Cục Đường bộ xin cấp bổ sung thêm phôi bằng phục vụ nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe của người dân. Tuy nhiên do nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe trong cả nước đều tăng đột biến nên việc bổ sung cũng phải chờ.
Còn ghi nhận tại TP.HCM những tháng qua, người dân đến cấp đổi, thi bằng lái xe tăng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu cấp đổi tăng 60%, cấp mới tăng 15%. Lượng phôi còn lại chủ yếu để đảm bảo cho việc cấp đổi, còn với cấp mới đang giải quyết cho các trường hợp thi đậu trước 15-10.
TP.HCM cũng đã đề nghị Cục Đường bộ bổ sung thêm 250.000 phôi, nâng tổng nhu cầu sử dụng trong năm 2024 lên khoảng 900.000. Số phôi bổ sung này dự kiến sẽ được đáp ứng vào giữa tháng 12-2024.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vấn đề lo ngại là hiện nay tại TP.HCM có 24 máy in giấy phép lái xe chuyên dụng. Công suất mỗi máy in khoảng 20 bằng/giờ, không thể hoạt động 24/24 giờ mà phải nghỉ luân phiên.
"Do vậy khi nguồn phôi bổ sung được cấp, TP.HCM sẽ rất căng thẳng khi phải tập trung in cả trăm ngàn bằng lái để trả cho người dân", chuyên gia này đánh giá.
Đầu tháng 12-2024 sẽ cung cấp hết nhu cầu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Duyên Thống - trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết năm 2024 nhu cầu đổi giấy phép lái xe của người dân tăng đột biến nên nhiều sở giao thông vận tải đã đề nghị cấp bổ sung phôi giấy phép lái xe.
Cục Đường bộ tổng hợp nhu cầu theo đề nghị từ đầu năm 2024 cần cấp 3,4 triệu phôi giấy phép lái xe nhưng thực tế trong chín tháng đầu năm đã cấp 3,5 triệu giấy phép lái xe.
Theo báo cáo của các sở giao thông vận tải, nhu cầu cấp giấy phép lái xe trong năm 2024 tăng đột biến với tỉ lệ tăng 50% so với năm 2023, tập trung vào những tháng cuối năm.
Đến tháng 10-2024, các địa phương đề nghị cấp thêm khoảng 1 triệu phôi giấy phép lái xe; đồng thời đề nghị cung cấp lượng phôi sử dụng hết năm 2024. Tuy nhiên do nhu cầu tăng đột biến và phụ thuộc vào bên sản xuất do đó Cục Đường bộ cấp 15 ngày một đợt theo nhu cầu của các địa phương.
Dù các địa phương kêu thiếu, nhưng ông Thống khẳng định: "Với cách thức phân phối phôi như trên, hiện các địa phương không thiếu phôi giấy phép lái xe.
Cục Đường bộ vẫn đang cấp phôi giấy phép lái xe cho các sở từng đợt theo nhu cầu của các sở giao thông vận tải. Dự kiến đầu tháng 12-2024 sẽ cung cấp hết theo nhu cầu sử dụng năm 2024".
Lý giải nguyên nhân nhu cầu đổi giấy phép lái xe tăng đột biến, Cục Đường bộ cho hay chủ yếu do người có giấy phép lái xe hạng A1 (cấp cho người lái xe máy, mô tô hai bánh từ 50 đến dưới 175 phân khối) bằng bìa giấy cấp trước ngày 1-7-2012 sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.
Loại giấy phép này không có thời hạn, nếu đã được cấp trước ngày 1-1-2025 (và khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực) dù bằng bìa giấy hay vật liệu PET vẫn được sử dụng bình thường sau ngày 1-1-2025, không bắt buộc phải đổi sang phân hạng giấy phép lái xe mới.
"Dù không có quy định bắt buộc nhưng nhiều người chủ động đổi giấy phép lái xe A1 bằng bìa giấy sang vật liệu PET để có thể hiển thị trên ứng dụng VNeID. Đây là nguyên nhân chính khiến nhu cầu đổi giấy phép lái xe tăng đột biến", Cục Đường bộ lý giải.
Chưa có quy định loại giấy thay thế bằng lái xe
Luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông phải đảm bảo đủ độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Hiện nay chưa có quy định pháp luật nào về loại giấy tờ có thể thay thế giấy phép lái xe, do đó kết quả sát hạch đậu kỳ thi lái xe hoặc giấy hẹn cấp/cấp lại bằng lái xe không được xem là giấy tờ có giá trị tương đương, thay thế giấy phép lái xe khi tham gia giao thông.
Chỉ ưu tiên cấp một số trường hợp
Trong khi chờ Cục Đường bộ Việt Nam bổ sung phôi, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết chỉ ưu tiên cấp giấy phép lái xe do bị mất; giấy phép lái xe do bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng; giấy phép lái xe đã đến thời hạn phải đổi, còn giá trị sử dụng 10 ngày trước ngày hết hạn.
Đối với các trường hợp không thuộc đối tượng ưu tiên được nêu trên sẽ tạm dừng việc tiếp nhận bắt đầu từ ngày 28-10 cho đến lúc có thông báo lại.
Theo một cán bộ trường lái, các trường hợp không ưu tiên được hiểu là giấy phép lái xe còn thời hạn dài hoặc trường hợp thi xong chưa có bằng phải chờ lần lượt in bằng theo số lượng phôi được Cục Đường bộ đưa về.
Hiện đã có khoảng 9.000 phôi được đưa về Đồng Nai để giảm tải việc thiếu hụt phôi.
Trong khi đó phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở Giao thông vận tải Cần Thơ cho biết đến thời điểm hiện tại Cần Thơ còn thiếu 14.000 phôi bằng lái xe và màng bảo mật chống giả.
Đơn vị đã có công văn gửi Cục Đường bộ xin cung cấp phôi để in giấy phép lái xe kịp thời cho người dân.
"Tuy nhiên chỉ nhận được 3.000 phôi nên sẽ in giấy phép ô tô đến hết ngày 15-9, giấy phép mô tô hết tháng 8-2024", vị này nói và cho biết sẽ ưu tiên giải quyết cho những trường hợp thi nâng hạng hoặc cấp đổi bằng lái.
Quy trình lòng vòng mất thời gian, tốn chi phí
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù địa phương là nơi có trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch bằng lái xe nhưng chỉ chủ động vật liệu như mực và phim để in bằng. Còn phôi, màng bảo an mặt trước và mặt sau phải đặt hàng từ Cục Đường bộ Việt Nam.
Vật liệu sản xuất phôi phải nhập khẩu
Thông thường, định kỳ tháng 7 hằng năm, các tỉnh thành sẽ tổng hợp nhu cầu về số lượng phôi bằng lái cần dùng cho năm sau để trình Cục Đường bộ Việt Nam.
Trên cơ sở nhu cầu, Cục Đường bộ sẽ đấu thầu chọn nhà thầu cung cấp phôi và cấp phát về cho các địa phương để in, trả giấy phép lái xe cho người dân. Thời gian trả giấy phép lái xe theo quy định là 10 ngày làm việc kể từ khi trúng tuyển kỳ sát hạch.
Trong văn bản vào tháng 9-2024, Cục Đường bộ cho biết đã kịp thời cung cấp phôi ấn chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng và theo hợp đồng đã ký với các sở giao thông vận tải.
Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng phôi tăng cao, từ tháng 8-2024, một số địa phương đã đề xuất ký phụ lục hợp đồng năm 2024 để điều chỉnh tăng số lượng.
Sau khi nhận được đề xuất, Cục Đường bộ đã làm việc với đơn vị cung cấp. Tuy nhiên do một số nguyên vật liệu của phôi bằng lái chưa sản xuất được trong nước, phải nhập khẩu nên sau thời gian khoảng 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mới cung cấp được số lượng phát sinh.
Để không làm gián đoạn cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe trong 4 tháng cuối năm 2024, Cục Đường bộ đề nghị các sở phối hợp điều chỉnh tiến độ cung cấp phôi khi chưa có nhu cầu sử dụng ngay để tạo điều kiện cấp cho các địa phương có nhu cầu bổ sung.
Các địa phương rà soát số lượng phôi ấn chỉ được cấp theo hợp đồng đã ký, dự báo số giấy phép lái xe đến thời hạn đổi. Đồng thời dự kiến số cấp mới, cấp lại trong thời gian 6 tháng tiếp theo để kịp thời điều chỉnh tiến độ cung cấp...
Cục Đường bộ cũng khuyến nghị các địa phương chủ động lập kế hoạch, ưu tiên sử dụng phôi bằng lái cấp trước cho các cá nhân thực sự có nhu cầu đổi và cấp mới giấy phép lái xe.
Do thời hạn cung cấp phôi ấn chỉ theo hợp đồng bổ sung của nhà cung cấp kéo dài, có thể đến cuối tháng 12-2024 hoặc đầu tháng 1-2025, Cục Đường bộ đề nghị các địa phương nghiên cứu các quy định hiện hành để lập kế hoạch bố trí nguồn kinh phí và phương án chi trả cho việc cung cấp bổ sung số lượng phôi ấn chỉ theo hợp đồng đã ký.
Nên phân cấp cho địa phương
Đánh giá về việc này, ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP.HCM - nói rằng việc chậm cấp bằng lái do thiếu phôi đã kéo dài suốt mấy tháng qua và lan ra nhiều tỉnh thành làm đảo lộn cuộc sống người dân. Cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Góp ý thêm về quy trình, ông Tính nói rằng Cục Đường bộ khi tiếp nhận nhu cầu phôi bằng lái từ các địa phương cũng phải tiến hành đấu thầu chọn nhà cung cấp. Như vậy vô hình trung quy trình đi lòng vòng mất thời gian, tốn chi phí vận chuyển.
"Tôi cho rằng đã đến lúc cần phải đẩy mạnh phân cấp về cho địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, nơi có số lượng người thi, cấp đổi bằng lớn. Khi được giao chịu trách nhiệm, địa phương nào có nhu cầu có thể chủ động đấu thầu bổ sung phôi thay vì chờ Cục Đường bộ tổng hợp", ông Tính đề xuất.
Theo ông, để làm được việc này các bộ ngành cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã... nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất chung trên cả nước. Và phân cấp cũng là một trong những việc nên làm để chống lãng phí trong mô hình quản lý.
Xác thực không yêu cầu đã in bằng lái
Đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết nguyên tắc khi người dân có yêu cầu tích hợp giấy tờ như bằng lái xe thì hệ thống định danh và xác thực điện tử sẽ thực hiện tra cứu xác thực với cơ sở dữ liệu do Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng.
Trường hợp thông tin trả về trùng khớp với thông tin người dân đã nhập thì sẽ được phê duyệt tích hợp thành công và hiển thị thông tin đầy đủ trên ứng dụng VNeID của người dân.
"Việc tích hợp các giấy tờ như bằng lái xe trên ứng dụng VNeID dựa trên thông tin dữ liệu của người dân cung cấp không yêu cầu xác nhận đã in thẻ bằng lái xe hay chưa in thẻ", đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận