05/06/2013 04:00 GMT+7

Thiếu pháo, cuộc sống không tẻ nhạt

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - Tôi bàng hoàng khi nghe tin một cơ quan chức năng đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không tiếng nổ.

Cười vui, hể hả, khoái chí vì tiếng pháo ba ngày tết; hể hả sung sướng vì tiếng nổ giòn tan ngày cưới hỏi, thôi nôi, mừng nhà mới mà không ai nghĩ có bao trái tim tan nát, bao phận người lâm vào cảnh bất hạnh vì pháo. Pháo nổ tét tay, pháo làm điếc tai, cơ sở sản xuất pháo làm cháy nổ sập nhà, xe vận chuyển pháo nổ trên đường gây ra cái chết cho người vô tội...

Nếu làm mẹ, tôi chắc bạn sẽ đắng lòng khi đứa con mình đêm giao thừa giấc ngủ bị cắt vụn vì pháo. Là người mẹ, tôi chắc tim bạn sẽ nát tan khi đường thở của con nghẹt vì mùi pháo, thứ hóa chất độc hại, khi thành phố đã quá ô nhiễm rồi. Không khí trong lành cho những đứa trẻ ở đâu?! Và bất cứ ai đều mong mỏi có được bầu không khí trong lành - một mơ ước chính đáng đã trở nên viển vông cho cư dân thành phố.

Tại sao chúng ta không cố gắng thay đổi những thói quen, sở thích cho sự thay đổi lớn của môi trường. Pháo dù là không tiếng nổ nhưng đâu phải không lãng phí, độc hại?! Không có pháo đâu phải là vô vị, là không có tết?! Đêm giao thừa, pha bình trà, cúng trời đất, tổ tiên. Cả nhà quây quần kể nhau nghe những chuyện buồn vui, tôi đoan chắc bạn sẽ hạnh phúc biết bao, khi nghe con trẻ bày tỏ những ước mơ, bao điều thầm kín. Tết trồng cây của Bác Hồ giờ còn mấy ai làm?!

Thay vì đốt pháo, xin hãy trồng một cây xanh, đặt ngoài hiên nhà, góp một mảng xanh vốn hiếm hoi cho thành phố. Đêm giao thừa, mở một tờ báo xuân, nghe một bản nhạc hay... Tập một thói quen tốt thoạt đầu không dễ làm nhưng khi thói quen ấy đi vào cuộc sống, chúng ta đã góp thêm bao điều tốt đẹp, kỳ diệu. Nhà nước đang kêu gọi tiết kiệm. Chúng tôi, những người mẹ, mỗi ngày đau đầu với bài toán giá cả để chăm lo bữa ăn cho gia đình, chợt lạnh người khi nghe có người đề xuất được đốt pháo. Không có pháo ngày tết, tôi thấy rất hạnh phúc. Cuộc sống này không vì thiếu pháo mà tẻ nhạt.

Và cần hỏi, ai sẽ được hưởng lợi khi được đốt pháo?!

Tôi không luyến tiếc

Ngày đám cưới của tôi, cả hai bên nhà trai và nhà gái đều có pháo nổ, đó là một kỷ niệm rất đẹp. Họ hàng hai họ đứng chờ những tiếng pháo nổ giòn trước cổng vào nhà cho dứt để hai chúng tôi - cô dâu, chú rể - đi trước bước vào nhà và tiếp theo sau đó là họ hàng hai bên. Xác pháo là những mảnh giấy đỏ đỏ, xám xám, hồng hồng rơi tung tóe văng đầy cả một vòng trước cổng. Giờ mở album xem lại những bức ảnh ngày cưới ấy chúng tôi vẫn thấy đẹp và lãng mạn làm sao! Ngày cưới năm đó - năm 1994 - của chúng tôi cũng là năm cuối cùng mà mọi người còn được đốt pháo vào những dịp tết đến xuân về, tiệc tùng, khai trương, cưới hỏi...

Tác hại của việc pháo nổ không cần phải bàn bạc nhiều nữa, hễ cứ nói đến việc đốt pháo dù là vào dịp gì, đặc biệt là dịp tết, thì một điệp khúc nghe đến quen thuộc: nguy hiểm, không an toàn, tốn tiền, lãng phí... Bởi vậy, khi Chính phủ ra lệnh cấm đốt pháo, dù đây là một quyết định khó khăn nhưng khi đó mọi người đã hồ hởi, phấn khởi và đồng tình hưởng ứng.

Con tôi năm nay tròn 18 tuổi, cháu không hề biết đến pháo là gì, hồi còn nhỏ cũng nhiều lần cháu thắc mắc những hình ảnh pháo nổ trong những bức ảnh cưới của chúng tôi hay trong bài hát, báo chí, tư liệu, phim ảnh... Tôi cũng đã giải thích cho cháu hiểu rõ điều đó về việc đốt pháo cũng như về việc cấm đốt pháo. Cháu nghe và không hề có chút luyến tiếc gì. Với riêng tôi, hình ảnh ngày cưới ngập tràn tiếng pháo, giăng đầy xác pháo ấy vẫn là một kỷ niệm đẹp, nhưng tôi không hề cảm thấy luyến tiếc về việc đám cưới, ngày tết...mà không có tiếng pháo!

Nguyễn Thanh Hùng Hai (Long An)

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên