Một nạn nhân được giải cứu từ vụ buôn bán người, trên tay cô cầm quả bóng tuyên truyền về chống nạn buôn bán người - Ảnh: HÀ THANH
Em muốn sau này theo ngành luật. Em muốn học luật để sau này đòi lại công bằng cho tất cả mọi người, giống như em.
GIÀNG THỊ MIÊN (17 tuổi)
Lời đe dọa với con dao kề cổ là ký ức kinh hoàng nhất trong cuộc đời của thiếu nữ Giàng Thị Miên (tên nhân vật đã được thay đổi, ở huyện Bắc Hà, Lào Cai).
"Một là đi, hai là chết!"
Cô nhớ rất rõ dấu mốc ngày 4-5-2018, cô bị chính người yêu lừa bán trong ngày sinh nhật.
Miên có vẻ ngoài cuốn hút, tóc dài đến thắt lưng. Miên học giỏi lắm, là người con gái đầu tiên trong bản người Mông được xuống học trường huyện. Năm Miên 16 tuổi, cha mẹ đồng ý cho cô yêu cậu bạn trai cùng họ Giàng.
"Nó (người yêu lúc đó - PV) họ Giàng, em cũng họ Giàng nên quen. Bố mẹ hai bên đều biết nhau" - cô thiếu nữ đau buồn nhớ lại.
Sinh nhật Miên 17 tuổi, người yêu rủ Miên cùng hai người bạn qua thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương chơi. Họ rủ cô "qua con sông bên kia ăn một bữa cơm rồi mình về thôi".
"Vừa đi qua biên giới một tí, thấy bên đó trồng cây cao su, em biết là đất Trung Quốc rồi thì quay lại ngay, nhưng khi đó dao đã kề cổ" - Miên kể trong giàn giụa nước mắt. Có một chiếc ôtô đợi sẵn, cô bị đưa đi. Người ta lấy dao kẹp cổ Miên, gằn giọng: "Một là đi, hai là chết!".
Trong phút tuyệt vọng, Miên nghĩ đời mình còn trẻ nên bình tĩnh lại.
"Em chọn cứ đi trước đã, sau đó sẽ tính tiếp. Họ đưa em đi quá xa, vào tận sâu bên trong Trung Quốc. Nghĩ đến chuyện bắt người lấy nội tạng, em bắt đầu nhảy ra khỏi xe nhưng họ giữ lại, đánh đập, lấy dao cắt vào cổ em chảy máu".
Bị giam lỏng 4 ngày, Miên không ăn cơm thì bị đánh, bị túm tóc, nắm cổ lôi đi, thậm chí lấy dao kẹp cổ và đổ cơm vào miệng. Họ ép Miên đi lấy chồng.
Chồng Miên 27 tuổi, ở tận Bắc Kinh. Đám cưới diễn ra ở khách sạn, gia đình chồng hứa hẹn nếu có 1-2 con sẽ cho Miên về thăm Việt Nam.
Miên ngày nào cũng khóc. Nhưng bình tĩnh lại, Miên nghĩ khóc cũng chẳng được gì, chi bằng giả vờ ngoan ngoãn rồi năn nỉ chồng mua điện thoại.
"Nó bảo mua cũng được, nhưng mua điện thoại, không mua sim. Ở nhà có mạng WiFi, em tạo được WeChat, chồng về thì gỡ WeChat để nó không biết. Có điện thoại, có số của người chú sang Trung Quốc làm thuê, em gửi vị trí cho chú" - Miên kể.
Một tuần sau đó, công an Trung Quốc đến tận nhà đưa Miên đi. Lúc đi 50kg, lúc về Miên còn 39kg, mất hai tuần mới về đến cửa khẩu. Gã người yêu bán cô bị tù 3 năm. Còn cú sốc của Miên chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai.
"Giờ vẫn chưa cân bằng được cuộc sống đâu. Em bây giờ mất hết niềm tin vào con người, vào tình yêu, chắc không lấy chồng luôn" - Miên trải lòng qua những giọt nước mắt.
Gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt - Trung liên tục tăng.
Trong năm 2018, các lực lượng chức năng của Việt Nam - Trung Quốc đã bắt giữ 48 vụ mua bán người, bắt 9 đối tượng và giải cứu 63 nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15-26 ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, học sinh tại các trường học.
Lào Cai là điểm nóng về nạn mua bán người qua biên giới Trung Quốc. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, tình hình tội phạm này ngày càng phức tạp.
Nhìn thấu nỗi đau của nạn nhân
Miên là một trong số 63 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc được Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai giải cứu trong năm 2018.
Hơn 22 năm trực tiếp đấu tranh với tội phạm , trung tá Nguyễn Thế Bằng (41 tuổi, phó đồn trưởng đồn cửa khẩu quốc tế Lào Cai) cho biết bản thân anh và đồng đội gặp vô vàn khó khăn, thậm chí đổ máu.
Thế nhưng, nhìn thấu nỗi đau của nạn nhân, mất mát của gia đình nạn nhân là động lực để những người lính nỗ lực đấu tranh với các đối tượng buôn bán người.
"Buôn bán người còn độc ác hơn cả tội phạm ma túy. Đó là tội ác. Tội phạm xem nạn nhân như một món hàng hóa, như rau cỏ ngoài chợ mua đi bán lại. Nạn nhân chủ yếu là chị em phụ nữ, hậu quả để lại đeo bám cả cuộc đời.
Có những ông bố, bà mẹ lên đây khóc hết nước mắt, chỉ mong một lần được gặp lại con" - ánh mắt người lính vốn bản lĩnh đối mặt với đủ loại tội phạm lúc này rưng rưng xúc động.
Càng ngày, đối tượng mua bán người càng tinh ranh, chúng lợi dụng các thiếu nữ đến tuổi yêu, gả chồng, dùng mạng xã hội kết bạn, rủ đi chơi rồi lừa bán. Trong đó, nhiều đối tượng lấy ảnh đại diện hay hẹn gặp đều mặc quân phục công an, quân đội để tạo lòng tin.
"Trải qua quá trình bị buôn bán, bị ép làm vợ, bị lạm dụng tình dục, bị hành hạ... khi được cứu trở về, tâm lý nạn nhân hoang mang, không biết phải tin ai. Nhiều cháu được bộ đội biên phòng cứu, nhìn thấy quân phục lại sợ hãi vì tưởng các đối tượng đã lừa trước đó" - trung tá Bằng kể lại.
Trung tá Nguyễn Thế Bằng đưa ra lời khuyên với các gia đình nạn nhân, nếu nhận được thông tin của con cái mình hãy bình tĩnh tìm đến cơ quan chức năng.
Ngoài ra, hãy cố gắng lưu giữ thông tin của các con và mang đến cơ quan chức năng, tuyệt đối không được liên lạc lại với các cháu.
"Hãy chờ các cháu liên lạc về. Các cháu đang trốn ra ngoài gọi điện, nếu đối tượng phát hiện sẽ thu điện thoại, tăng cường cảnh giác hoặc bán đi chỗ khác thì không bao giờ còn đường về. Hãy bình tĩnh, tìm đến cơ quan chức năng hoặc tổ chức phi chính phủ" - trung tá Bằng hướng dẫn.
Ngôi nhà nhân ái
Giàng Thị Miên hiện đang nương nhờ ở Ngôi nhà nhân ái tại TP Lào Cai và tiếp tục đi học lớp 12.
Ngôi nhà nhân ái do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Lào Cai phối hợp Tổ chức Vòng tay thái bình (Pacific Links Foundation) thành lập, chuyên tiếp nhận, nuôi dưỡng, dạy nghề và chữa trị tâm lý cho các nạn nhân bị lừa bán qua Trung Quốc trở về.
5 năm: 661 nạn nhân
Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai tiếp nhận nạn nhân từ công an biên phòng Trung Quốc - Ảnh: TRUNG DŨNG
Trong 5 năm qua, tỉnh Lào Cai có 661 nạn nhân buôn bán người được tiếp nhận trở về và được hỗ trợ nhiều mặt để hòa nhập cộng đồng. Riêng năm 2018, tiếp nhận hỗ trợ 93 nạn nhân, trong đó 25% là trẻ em.
Sau khi tiếp nhận, hỗ trợ, các nạn nhân được kết nối để đưa trở về nơi cư trú.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thường xuyên kết nối với địa phương - nơi có các nạn nhân cư trú - để tiếp tục hỗ trợ trong quá trình nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận