150 đại biểu thiếu nhi tham dự chương trình gồm nhiều nhóm đội viên, học sinh tiêu biểu của tuổi nhỏ thành phố Bác Hồ.
Thiếu nhi bàn từ giáo dục, môi trường đến công dân toàn cầu
Phần đầu chương trình là phiên giả định kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. 150 bạn nhỏ "vào vai" đại biểu Hội đồng nhân dân cùng trao đổi, đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cùng các vấn đề thiếu nhi quan tâm.
Đề xuất cần tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận ngoại ngữ thật tốt để trở thành công dân toàn cầu, theo bạn Nguyễn Ngọc Ngân (quận 5), điều này không còn xa lạ mà là mục tiêu hướng đến của nhiều học sinh.
"Hiện các trường đã tăng tiết ngoại ngữ, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Bản thân em chủ động tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm để học tập cùng nhau. Vậy TP có giải pháp, định hướng cụ thể nào cho thiếu nhi phát triển hơn nữa năng lực ngoại ngữ của một công dân toàn cầu?", Ngọc Ngân đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Lâm Thiện Phúc (quận 3) nói yếu tố khác giúp trở thành công dân toàn cầu là nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
"Chúng em có nguyện vọng được tham gia nhiều hơn các sân chơi rèn luyện sức khỏe, tiếp cận các sân chơi văn hóa, tinh thần phù hợp lứa tuổi", Phúc nói.
Đề cập việc tăng mảng xanh cho TP bởi số lượng cây xanh nhiều nơi còn rất ít, ảnh hưởng chất lượng không khí, Trần Huỳnh Như (quận Tân Bình) hiến kế: "Cần phát động tất cả đội viên, học sinh cùng gia đình trồng cây xanh ở nhà, nơi học tập, làm việc. Các địa phương cũng hướng dẫn trồng cây lâu năm tại nơi công cộng, khu đất trống".
Nhiều chủ đề khác cũng được các đại biểu nhỏ tuổi nêu ra như vấn nạn thuốc lá điện tử, bạo lực học đường, thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội nên không phân biệt được các nguồn tin độc hại, sai lệch, thậm chí cả việc học sinh cá độ bóng đá, cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo thành phố tin tưởng và tự hào về thế hệ trẻ
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kỳ vọng thiếu nhi tiếp tục cố gắng để trở thành thế hệ kế thừa tương lai.
Ông Mãi nói làm thế nào để chuyển hóa các kết quả của kỳ họp Hội đồng nhân dân giả định thành các hành động cụ thể. Qua đó giúp thành phố phát triển hơn, đồng thời thể hiện sự lắng nghe của thành phố với ý kiến đóng góp của trẻ em.
"Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng với Hội đồng Đội thành phố và các sở, ban, ngành xác định các việc cần làm từ đây đến 1-6 năm sau, để khi gặp lại chúng ta báo cáo với các em", ông Mãi nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định các ý kiến của đại biểu thiếu nhi rất hay, chân thật và sát với thực tiễn cuộc sống về nhiều vấn đề đáng quan tâm.
"Không chỉ nêu vấn đề, nhiều cháu đề xuất giải pháp mà các cô chú có thể nghiên cứu để thực hiện trong thời gian tới. Qua những suy nghĩ, tình cảm của các cháu, các cô chú rất tin tưởng, tự hào về thế hệ măng non thành phố chúng ta", bà Lệ nói.
Hơn 14.441 cử tri trẻ em cho ý kiến
Để chuẩn bị kỳ họp giả định HĐND TP, đoàn chủ tịch đã phối hợp Thành Đoàn, Hội đồng Đội TP.HCM khảo sát, lấy ý kiến của 14.441 cử tri trẻ em, đồng thời lắng nghe ý kiến phát biểu trực tiếp của 26 đại biểu và tiếp nhận 58 ý kiến gửi giấy.
Đại biểu Hội đồng Trẻ em đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề. Trong đó có vấn đề công dân toàn cầu, việc học tập và giảng dạy trong trường học, rèn luyện sức khỏe, phát triển năng khiếu và xây dựng các thiết chế văn hóa.
Các bạn nhỏ TP.HCM cũng rất quan tâm đến chuyển đổi số trong học tập, vấn đề bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý học đường, bảo vệ môi trường và tăng mảng xanh cho thành phố…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận