01/03/2015 10:15 GMT+7

​Thiếu nhi mong được học sử kiểu mới

Q.LINH - Q.KHẢI
Q.LINH - Q.KHẢI

TT - “Thiếu nhi với lịch sử dân tộc” là chủ đề của buổi gặp gỡ đầu xuân Ất Mùi 2015 giữa lãnh đạo TP.HCM với thiếu nhi sáng 28-2.

Lãnh đạo TP.HCM trong buổi gặp thiếu nhi sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định

156 học sinh tiểu học, THCS đại diện hàng triệu thiếu nhi TP.HCM cùng có mặt tại buổi gặp. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: Lãnh đạo TP rất muốn các em hãy tự tin, nói thật lòng mình, làm sao để thiếu nhi TP ngày càng yêu thích tìm hiểu lịch sử dân tộc hơn.

“Các em có thể nói cả những băn khoăn trong đời sống thường nhật của mình và bạn bè” - bà khuyến khích.

Nhiều cách để học sử

Nhiều ý kiến cùng băn khoăn khi việc học sử trong nhà trường hiện nay phần lớn vẫn là đọc trên sách giáo khoa, chép và học thuộc lòng. Các bạn đã chỉ ra nhiều cách làm môn sử hấp dẫn hơn.

Bạn Nguyễn Thị Mộng Như (Q.Bình Tân) nói học lịch sử phải được xem phim lịch sử mới nhớ lâu.

Còn bạn Lê Khắc Minh Phương (Q.4) cho rằng hãy chuyển những tiết học sử thành các buổi sân khấu hóa, học sinh được hóa thân thành các nhân vật lịch sử, diễn lại các sự kiện, trận đánh lịch sử chắc chắn sẽ nhớ bài hơn, không thấy lịch sử là môn học nhàm chán.

Bạn Nguyễn Lâm Đông Quang (Q.3) nói học sử từ các bảo tàng rất hay nhưng TP.HCM còn ít bảo tàng quá, đi một vòng là hết nên đề nghị TP xây thêm bảo tàng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Võ Văn Thưởng hỏi lại: “Em đã đi Củ Chi, rừng Sác chưa? Đi và cảm nhận thế nào, em có muốn quay lại không?”.

Quang thưa đã đi hết, có khi cùng gia đình, có lúc cùng bạn bè và muốn trở lại vì mỗi lần đều học thêm những điều mới. Trong khi bạn Quỳnh Hương (Q.3) đề xuất cần có nhiều chuyến đi hơn nữa chứ nếu thêm bảo tàng mà học sinh không đến được cũng đáng tiếc.

Đại diện một số bảo tàng cho biết họ luôn hỗ trợ hết mình, miễn vé hoàn toàn cho học sinh tham quan.

Lãnh đạo các bảo tàng nói có trường đưa học sinh đến chỉ để có phong trào, đóng dấu báo cáo chứ học sinh không học được gì vì không có nhiều thời gian.

Và cách mà nhiều bảo tàng đang làm là chuẩn bị hình ảnh, tư liệu lịch sử thành các bộ triển lãm lưu động đến các trường và sẽ mở rộng việc này sắp tới.

Trao đổi thêm, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP Lê Hồng Sơn nói các trường, tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn sử sẽ phối hợp giúp học sinh học tốt hơn lịch sử.

Theo ông Sơn, ngoài bảo tàng còn có các di tích, đền tưởng niệm mà học sinh hoàn toàn có thể tìm được những bài học lịch sử tại đây.

“Ngành giáo dục và các bảo tàng sẽ phối hợp chặt để vừa đưa học sinh đến bảo tàng vừa đưa bảo tàng đến với các trường, xem đây là tiết học lịch sử và học một cách hiệu quả” - ông Sơn hứa.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải đề nghị các bảo tàng xem lại, cần bổ sung, điều chỉnh, quy hoạch gì để có thể phục vụ tốt hơn nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sắp tới thì tính toán để làm luôn trong dịp này.

“Thành đoàn làm đầu mối, làm sao để thiếu nhi TP, nhất là các cháu ít có điều kiện, ở vùng sâu vùng xa hiểu ngày càng đầy đủ, đúng về lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của ông cha đi trước.

Hiểu để tự hào, để ra sức thương yêu, giữ gìn và viết tiếp lịch sử dân tộc. Ngoài lịch sử dân tộc, các em còn phải hiểu lịch sử địa phương nơi mình sinh sống nên Đoàn xin ý kiến cấp ủy làm việc này” - ông Hải giao nhiệm vụ.

Em Trúc Hà, học sinh Trường THCS Bình Thọ, Q.Thủ Đức, đóng góp ý kiến trong buổi gặp gỡ sáng 28-2 - Ảnh: Quang Định

Nghĩ lớn từ việc nhỏ

Ngoài chủ đề lịch sử, nhiều phát biểu còn trăn trở trước nhiều câu chuyện thời sự của cuộc sống bằng góc nhìn của thiếu nhi. Bạn Đông Quang (Q.3) lo ngại khi nhiều học sinh tác phong chưa nghiêm, nhuộm tóc, coi thường chiếc khăn quàng.

Có ý kiến mong muốn “hạn chế những tiệm game gần trường học vì làm các bạn mê muội, học tập sa sút”.

Trong khi đó bạn Trần Quang Thi (Q.11) cho rằng “muốn học làm người tốt thì không thể xem nhẹ môn giáo dục công dân, nhưng hiện việc học môn này chỉ thiên về lý thuyết nên học sinh rất “khó nuốt”, cần có cách dạy sinh động, thu hút hơn”.

Bạn Kim Như (Q.Tân Phú) đề nghị nhà trường cần giáo dục cho học sinh biết xếp hàng từ nhỏ để dần hình thành thói quen khi lớn vì thực tế nhiều người rất thiếu ý thức về việc xếp hàng.

Bạn Minh Ngọc (Q.5) lại cho rằng người lớn cũng cần được tuyên truyền thực hiện văn hóa xếp hàng vì “không ít người lớn cứ đẩy con mình chen ngang lên trước mà không tự giác xếp hàng theo thứ tự”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Võ Thị Dung nói bà tâm đắc khi các bạn nhỏ phát biểu đầy trách nhiệm.

Một số ý kiến khác mong TP phát triển xe buýt tốt hơn, có giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông để học sinh an tâm mỗi ngày đến trường.

Bạn Nguyễn Trương Thế Thanh (huyện Bình Chánh) nói dù nhiều bạn được vui vầy bên gia đình trong cái tết đã qua nhưng vẫn còn nhiều bạn khó khăn ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đón tết, học tập, vui chơi.

“Mong các cô chú lãnh đạo tạo điều kiện để bạn nào cũng được tiếp cận điều kiện học tập đủ đầy như bạn bè mình” - Thanh mong mỏi.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải nói sau mỗi lần gặp lại thấy vui hơn, tự hào hơn và tin tưởng hơn vào sự trưởng thành của thiếu nhi TP.

Theo ông Hải, lãnh đạo TP thấy được động viên không chỉ bởi kết quả học tập, rèn luyện, hoạt động phong trào mà còn bởi suy nghĩ, những đề xuất của thiếu nhi đều chính đáng, xuất phát từ tình yêu thương quê hương, đất nước.

“Phát biểu của các cháu đã nhắc nhở cô chú và thông qua đó cũng nhắc nhở người lớn về những điều chưa hay. Các quận huyện cũng cần tính để có những buổi gặp gỡ thế này nhằm lắng nghe tiếng nói của thiếu nhi nhiều hơn” - ông Hải lưu ý.

Nhiều lời hứa đã thực hiện

Đây là năm thứ bảy chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi đầu xuân được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Thành đoàn TP tổ chức (bắt đầu từ năm 2009).

Không chỉ là dịp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thiếu nhi, cuộc gặp còn là cơ hội để lãnh đạo TP chia sẻ với các bạn nhỏ, người dân TP về các chính sách, chương trình TP ưu tiên dành cho sự phát triển toàn diện của thiếu nhi TP.

Các cuộc gặp những năm trước đây, từ đề xuất của thiếu nhi, TP đã chỉ đạo các quận huyện xây dựng phòng chiếu phim 3D phục vụ miễn phí khách hàng nhí.

Trong đó, TP ưu tiên dành kinh phí tặng năm huyện ngoại thành, các quận nội thành ưu tiên bố trí vốn ngân sách và đến nay hầu hết các quận huyện toàn TP đều có phòng chiếu phim 3D cho thiếu nhi.

Cũng vậy, sau kiến nghị của thiếu nhi về việc thiếu sân chơi, TP quyết định đầu tư 10 sân chơi và đến nay đã là 11 sân chơi với nhiều thiết bị vui chơi an toàn, giúp trẻ rèn luyện sức khỏe được bố trí tại nhiều quận huyện.

Chủ đề cuộc gặp đầu xuân năm tới sẽ là “Thiếu nhi học tập tốt” do Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải gợi ý với “đặt hàng” nơi nào thiếu nhi TP đã học tập tốt sẽ học tốt hơn, phấn đấu rèn luyện tốt hơn.

Nơi nào chưa tốt thì các cơ quan xem xét tạo điều kiện để hỗ trợ học sinh học tốt lên.

Thạc sĩ NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (giáo viên lịch sử Trung tâm GDTX Tân Bình, TP.HCM):

Cần được học qua ngoại khóa, tư liệu, phim ảnh...

Mười sáu năm dạy lịch sử, tôi thấy dù là HS tiểu học hay trung học, muốn học trò hứng thú với lịch sử, giáo viên phải nỗ lực rất nhiều.

Xã hội hiện nay ít coi trọng môn lịch sử, nền kinh tế thị trường, chính sách giáo dục... khiến HS thường tập trung vào một số môn học “có tương lai” mà hờ hững với lịch sử.

Muốn thay đổi cách nhìn của học trò về môn sử, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, tìm nhiều cách khác nhau để học trò có cảm hứng và cảm xúc với môn sử.

Dạy bằng phương pháp trực quan, sử dụng hình ảnh, phim tư liệu, tổ chức ngoại khóa, tham quan di tích, nhân vật lịch sử, thi kể chuyện, đóng kịch lịch sử, cho HS tự vẽ sơ đồ, lược đồ, làm mô hình... để HS hứng thú hơn với môn học này.

Không chỉ học sử trong nhà trường, HS cần những môi trường khác nữa để học và yêu thích lịch sử.

Phim lịch sử VN hiện nay sản xuất khá nhiều, đó cũng là một kênh để các em học sử, tuy nhiên phải nói là phim chúng ta làm chưa thật sự hấp dẫn, thiếu phim dành riêng cho đối tượng HS.

Việc tham quan, ngoại khóa môn lịch sử còn hạn chế bởi với điều kiện hiện nay, các trường chỉ có thể đưa HS đi tham quan những di tích ở gần, chưa thể đưa HS đi tham quan những di tích lớn, quan trọng...

Việc này chỉ có thể làm được nếu các ban, ngành, các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư cho con em.

Và một vai trò quan trọng nữa là giáo viên. Không phải giáo viên nào cũng chịu đầu tư cho bộ môn, cũng có người vẫn chọn cách dạy đọc - chép dù nhu cầu của HS ngày càng khác trước.

L.TRANG ghi

Công dân trẻ Nguyễn Dương Kim Hảo nói cần có nhiều hội thi về lịch sử để học sử hấp dẫn hơn - Ảnh: Quang Định

Hai kiến nghị của công dân trẻ tiêu biểu

Trao đổi tại buổi gặp, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Nguyễn Dương Kim Hảo (Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) kiến nghị hai việc.

Đó là thêm các buổi ngoại khóa chứ không chỉ lý thuyết cho môn học giáo dục công dân để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và có nhiều cuộc thi như “Tự hào sử Việt” mà Thành đoàn từng tổ chức.

“Tham gia cuộc thi, em sáng tạo đồ dùng phục vụ việc học sử dễ dàng hơn và học sinh cần những hội thi như vậy để thấy lịch sử thật dễ nhớ” - Kim Hảo nói.

Nhiều bạn khác cũng có cùng mong ước về hội thi tìm hiểu lịch sử, giáo dục kỹ năng sống như Kim Hảo. Chia sẻ, Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường nói những góp ý tại buổi gặp sẽ được tiếp thu, chuyển thành chương trình hành động của Đội.

“Hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội đã làm nhiều nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu, nên sắp tới ngoài tuyên truyền còn tăng thêm nhiều hoạt động để đáp ứng đa dạng nhu cầu của học sinh hơn nữa” - anh Cường cho biết.

Q.LINH - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên