25/10/2022 11:39 GMT+7

Thiếu nhân sự chất lượng để thực hiện đề án y tế thông minh

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh viện có 12 nhân sự công nghệ thông tin nhưng phải quản lý gần 700 máy tính, đây là một thách thức khi triển khai đề án y tế thông minh.

Thiếu nhân sự chất lượng để thực hiện đề án y tế thông minh - Ảnh 1.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM tại buổi giám sát đề án y tế thông minh Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: THU HIẾN

Sáng 25-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về tình hình triển khai thực hiện Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết đến nay bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người bệnh, giúp ích cho bệnh viện.

Cụ thể, khu vực ngoại trú đã triển khai số hóa các chứng từ, lấy số thứ tự đăng ký khám bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt… Đặc biệt, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong sử dụng thuốc kê đơn, phần mềm cảnh báo khi nghe tên thuốc giống nhau (ví dụ Hapacol và Haloperidol) hoặc thuốc không phù hợp với phác đồ điều trị…

Khu vực nội trú đã số hóa các tờ điều trị hướng tới bệnh án điện tử, phần mềm duyệt thuốc online, phần mềm giám sát sử dụng kháng sinh, phầm mềm đấu thầu thuốc, quản lý giường bệnh…

Tuy vậy, theo bác sĩ Minh, bệnh viện cũng đối mặt với thách thức về nguồn lực công nghệ thông tin, đội ngũ này của bệnh viện chỉ có 12 nhân sự nhưng quản lý gần 700 máy tính, đây là thách thức lớn khi thực hiện đề án y tế thông minh.

"Bệnh viện trăn trở rất nhiều về việc làm sao để đội ngũ công nghệ thông tin không ngừng phát triển, bên cạnh đó bệnh viện còn gặp khó khăn trong công tác mua sắm các máy tính. Làm sao để giữ được nguồn công nghệ thông tin, trong khi cơ chế của bệnh viện nhà nước, đặc biệt là cơ chế về lương không nhất quán. Một kỹ sư của bệnh viện nếu ra ngoài làm mức lương có thể lên đến vài nghìn đô la một tháng, bệnh viện không thể nào trả được như vậy", bác sĩ Minh nói.

Đại diện Sở Tài chính cho hay đề án này sẽ thực hiện đến năm 2030 và có nhiều nguồn kinh phí để thực hiện. Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm hơn 1.000 tỉ đồng và phân theo giai đoạn. Giai đoạn từ 2022-2023, tổng kinh phí là gần 100 tỉ đồng, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo nhu cầu.

Về việc máy tính không mua sắm kịp thời, bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên, nếu sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp không bắt buộc bệnh viện mua sắm tập trung.

Về cơ chế thu hút đội ngũ công nghệ thông tin, Sở Tài chính cho biết bệnh viện là đơn vị sự nghiệp có khoản thu nhập tăng thêm theo cơ chế tự chủ, trong phạm vi tài chính mình có, bệnh viện có thể tự chủ động trong vấn đề này.

Không để bác sĩ làm việc không tên

Ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM - cho biết mục tiêu của đề án y tế thông minh hướng đến ngành y tế có trung tâm điều hành chung, bệnh nhân thuận lợi khi thực hiện dịch vụ. Làm sao để bác sĩ không làm những công việc không tên, tập trung chăm lo người bệnh và thời gian chuyên môn.

TP.HCM là nơi đầu tàu về mọi mặt, trong đó có y tế, các bác sĩ có thể sánh vai các nước trên thế giới nhưng môi trường để bác sĩ thực hành nâng cao tay nghề rất quan trọng. Mong muốn bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò của công nghệ thông tin, tích hợp các thẻ dùng chung thông minh với các tiện ích khác, sự liên thông giữa các phòng khoa...

TP.HCM: Vinh danh 20 đơn vị TP.HCM: Vinh danh 20 đơn vị 'sáng chế' sản phẩm y tế thông minh xuất sắc

TTO - Với 94 sản phẩm của 38 đơn vị tham gia bình chọn giải thưởng 'Y tế thông minh', chiều 14-12 hội đồng bình chọn đã công bố và trao giải thưởng cho 20 sản phẩm đạt điểm cao và xuất sắc năm 2019.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên