Chiều 10-12, tại kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa 13, hàng loạt câu hỏi liên quan đến nơi chôn cất người quá cố, an toàn thực phẩm được đại biểu chất vấn.
Nghĩa địa tự phát khắp nơi
Đại biểu Trần Văn Luật nói nhiều nghĩa trang, nghĩa địa tự phát khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường. Công tác quy hoạch nghĩa trang nhân dân còn nhiều bất cập trên thực địa, dẫn đến người qua đời không tìm được nơi chôn cất. Hướng xử lý thế nào để chấm dứt thực trạng?
Nhiều đại biểu cũng cho rằng tiếp xúc cử tri, người dân rất quan tâm vấn đề chôn cất. Đây là việc cần giải quyết, đáp ứng nhu cầu thực tế. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi đến nay vẫn chưa có nhà hỏa táng, nhiều người phải đưa thi thể thân nhân ra Đà Nẵng hỏa táng…
Ông Nguyễn Hữu Hồng, phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Quảng Ngãi, thừa nhận những ý kiến đại biểu chất vấn phản ánh đúng thực trạng. Để giải quyết vấn đề nghĩa trang không có trong quy hoạch, ông Hồng nói cần phải rà soát, đóng cửa đối với nghĩa trang không đảm bảo khoảng cách và không xử lý được vấn đề môi trường.
Thông tin tại kỳ họp, ông Hồng cho biết đã di dời, đóng cửa 33 nghĩa trang nhỏ lẻ, phần đất này được sử dụng vào đầu tư đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công viên…
Con số này quá ít và sở tham mưu tiếp tục di dời. Nhưng cần thực hiện từng bước, có lộ trình mới xóa bỏ, cũng như đầu tư xây dựng mới nghĩa trang.
Còn việc cả tỉnh chưa có nhà hỏa táng, trong quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa quy hoạch xây dựng các dự án nghĩa trang sinh thái gắn với kết hợp lò hỏa táng tại tỉnh.
Hiện đã có nhà đầu tư đề xuất xây dựng công viên nghĩa trang kết hợp nhà hỏa táng, sắp đến sẽ làm việc.
"Tỉnh đã có quy hoạch kêu gọi đầu tư 6 nhà hỏa táng và nghĩa trang với diện tích hơn 290ha. Song dự án này ít thu hút nhà đầu tư vì chi phí lớn, trong khi phong tục tập quán người dân là chôn cất. Từ đó, nhà đầu tư lo chậm thu hồi vốn đầu tư. Thủ tục pháp lý đầu tư loại hình này còn phức tạp, đúng ra cần có cơ chế đặc thù để thu hút", ông Hồng nói.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng không cần cùng lúc kêu gọi đầu tư 6 nhà hỏa táng. Bước đầu chỉ cần một là đủ đáp ứng nhu cầu hỏa táng người thân của bà con trong tỉnh.
"Hiện nhà đầu tư quan tâm nhiều đến quỹ đất lập nghĩa trang, nghĩa địa... Do đó, các sở ngành cần gắn kết cấp đất lập nghĩa địa đi cùng với lò hỏa táng. Hỗ trợ nhà đầu tư trong thủ tục tiếp cận đất đai, môi trường; nghiên cứu xây dựng quy định hỗ trợ nhà đầu tư", bà Vân gợi ý.
Nhiều ca ngộ độc thực phẩm, có ca tử vong: Giải pháp nào giảm thiểu?
Đối với nhóm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các đại biểu cho rằng tình hình ngộ độc thực phẩm ở Quảng Ngãi còn nhiều, trong đó có vụ việc gây chết người. Cụ thể từ năm 2019 đến năm 2024 toàn tỉnh có 17 vụ ngộ độc thực phẩm, với 231 người mắc, làm 6 người chết.
Vậy nguyên nhân và giải pháp để giảm số vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề trên, ông Bùi Văn Tiến - phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi - cho biết nguyên nhân các vụ ngộ độc tại tỉnh trong những năm qua liên quan đến sản phẩm thực phẩm từ thịt (chả, chà bông), rau củ quả, sản phẩm bao gói chưa bảo đảm an toàn...
Đối với ngành y tế, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngành chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc, điều tra nguyên nhân gây ngộ độc để cảnh báo cho cộng đồng.
Các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan đến nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực quản lý; cử cán bộ phối hợp với ngành y tế điều tra nguyên nhân, tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc.
Giải pháp giảm ngộ độc thực phẩm, ông Tiến cho rằng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh và người dân để thay đổi hành vi mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phối hợp các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ, không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể; xử lý vi phạm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền vừa có tính chất răn đe…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận