TTCT - Thiếu máu, thiếu vật tư y tế, máy móc và thiếu cả thuốc vì các bệnh viện làm thủ tục đấu thầu chậm? Tháng 10 vừa qua, lần thứ 2, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gửi công văn cầu cứu vì cạn nguồn máu điều trị cho cả TP Cần Thơ và miền Tây. Nguyên nhân là do bệnh viện này… thiếu túi đựng máu và hóa chất do chưa thể đấu thầu mua thiết bị y tế.Thiếu từ túi đựng máu đến bông gòn, băng keoBệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho hay số lượng máu và chế phẩm mà các bệnh viện khu vực Tây Nam Bộ cần mỗi tuần từ 2.800 - 3.000 đơn vị khối hồng cầu và 300 - 400 đơn vị tiểu cầu. Thời gian gần đây, kho máu của bệnh viện luôn trong tình trạng "cháy hàng", có ngày chỉ còn 5 đơn vị máu B, 3 đơn vị khối tiểu cầu…Bệnh nhân cần truyền máu ở khoa thận - thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ. Ảnh: THÁI LŨYBệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ tiếp nhận, sàng lọc và sản xuất máu để cung cấp cho 74 bệnh viện 11 tỉnh miền Tây. Gần 1 năm nay, do chậm đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư, bệnh viện này không còn túi lấy máu, cạn hóa chất, hết vật tư xét nghiệm máu nên không thể tổ chức lấy máu và sàng lọc được. Việc thiếu máu kéo dài từ tháng 3-2023 đến nay. "Bệnh viện đã đi vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ" - bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, giám đốc bệnh viện, cho biết.Tháng 6-2023, bệnh viện này đã có công văn khẩn về tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu. Nhiều tháng nay, bệnh viện nhận chi viện nguồn máu, chế phẩm máu từ Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Truyền máu khu vực ở Huế và TP.HCM.Sau nhiều lần làm thủ tục đấu thầu, theo Sở Y tế TP Cần Thơ, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ được trình cho UBND TP Cần Thơ vào ngày 21-7 nhưng đến nay, thủ tục đấu thầu vẫn chưa xong. Trong khi đó, các bệnh viện và trung tâm truyền máu khác thông báo sẽ giảm nguồn cung cấp hỗ trợ máu, chế phẩm máu cho Cần Thơ khiến bệnh viện này phải gửi công văn cầu cứu lần thứ 2.Không chỉ ở Cần Thơ, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu thiết bị, vật tư. Cuối tháng 9-2023, cả hai máy chụp MRI của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM "lâm bệnh" cùng lúc. Người bệnh phải qua Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Hồng Đức để chụp. Một bệnh viện khác tại TP.HCM cũng thiếu máy chụp MRI, người bệnh phải chờ cả tháng mới được chụp MRI, nhân viên bệnh viện phải làm ngoài giờ để giảm bớt số lượng bệnh nhân phải chờ đợi.Từ tháng 9-2023 Bệnh viện Mắt trung ương chỉ mổ được dưới 20 ca/ngày (so với 300 ca/ngày trước đó) do thiếu nhiều vật tư. Các năm trước, bệnh viện nhận 100 giác mạc hiến tặng nhưng 9 tháng đầu 2023 chỉ có thể tiếp nhận 2 giác mạc do thiếu dung dịch bảo quản. Mặc dù số người chờ ghép giác mạc nhiều nhưng bệnh viện phải từ chối tiếp nhận giác mạc do thân nhân người chết hiến tặng.Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cũng thiếu thuốc và thiết bị y tế đến nỗi người nhà bệnh nhân phải mua gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp... từ bên ngoài để cung cấp cho ê kíp phẫu thuật. Lãnh đạo bệnh viện xác nhận do chậm đấu thầu nên bệnh viện mới thiếu những vật tư trên và yêu cầu bệnh nhân mua bên ngoài để phục vụ điều trị. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cũng thiếu vật tư y tế do đấu thầu chậm khiến bệnh nhân phải tự mua găng tay phẫu thuật, gạc vô khuẩn, bơm kim tiêm, băng keo, dây truyền dịch, ống hút phẫu thuật, bông gòn, ống sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản, drap trải giường phẫu thuật... khi phẫu thuật điều trị tại đây.Đấu thầu từ năm này qua năm khácÔng Nguyễn Xuân Việt, giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Cần Thơ, cho biết trước đây Sở Y tế đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế tiêu hao… theo nhu cầu bệnh viện. Từ 2022 sở giao bệnh viện tự tổ chức đấu thầu."Chúng tôi đã chuẩn bị từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 bệnh viện trình Sở Y tế phê duyệt các gói thầu thiết bị sử dụng trong năm nhưng sở phê duyệt chậm, kéo theo chậm ở những khâu sau. Sau đó, gói thầu năm 2022 đổi thành gói thầu vật tư hóa chất cho năm 2023-2024 và kéo dài đến nay. Gói thầu này có tổng cộng 394 mặt hàng, trong thời gian làm thủ tục thì có nhiều mặt hàng thay đổi giá, phải bổ sung nhiều lần. Gói thầu cuối cùng có 47 mặt hàng được phê duyệt ngày 18-10 vừa qua. Hiện bệnh viện đang tổ chức đấu thầu, quyết tâm đến tháng 12-2023 sẽ có túi máu và hóa chất để đi lấy máu sàng lọc và cung ứng cho các đơn vị", ông Việt nói.Theo ông Việt, "trình tự đấu thầu phải thực hiện 3 vòng: trình quyết định mua sắm (bệnh viện đã trình lần đầu từ đầu năm 2022), quyết định dự toán và quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Phải có thời gian cho từng công đoạn theo Luật Đấu thầu, không thể làm tắt được". Còn lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết đang hối thúc bệnh viện, các đơn vị phối hợp đẩy nhanh tốc độ để hoàn thành đấu thầu trong tháng 11-2023. Ông Nguyễn Thanh Dũng, giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia (thuộc Bộ Y tế), cho hay các gói thầu và danh mục thuốc mua sắm thuộc trách nhiệm của trung tâm đã được đàm phán xong và có hiệu lực cuối 2024. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các bệnh viện và chính quyền địa phương.■ 85 giám đốc bệnh viện công ở TP.HCM học về đấu thầuÔng Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết sở này đã cử 85 bác sĩ là giám đốc các bệnh viện, giám đốc trung tâm y tế quận, huyện công lập đi học lớp bồi dưỡng các quy định và nghiệp vụ về đấu thầu từ cuối tháng 8-2023. Lớp học do các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp hướng dẫn, trong đó các giám đốc bệnh viện nghiên cứu Luật Đấu thầu với các quy định mới trong lĩnh vực y tế, những nội dung cơ bản trong đấu thầu tại các cơ sở y tế, những bài học từ thực tiễn trong đấu thầu của các cơ sở y tế tại TP.HCM…Một chuyên gia về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư cho bệnh viện cho biết hiện tất cả các gói thầu đều triển khai đấu thầu qua mạng, chỉ cần sai sót một chi tiết đã là phạm quy, nhà thầu đó sẽ bị loại. Vì vậy thời gian chuẩn bị gói thầu kéo dài hơn trước. Ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cũng khẳng định các cơ sở có tâm lý ngại, sợ sai trong quá trình đấu thầu mua sắm thuốc và các thiết bị, vật tư y tế.Ông Hùng cho rằng tâm lý này khiến cán bộ đấu thầu cẩn trọng hơn nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ mua sắm vật tư, thiết bị cho bệnh viện. Hiện nhiều tỉnh thành không dám triển khai mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng, gây ra tình trạng thiếu vắc xin kéo dài và hiện phải chuyển về trung ương đấu thầu. Miền Tây vẫn thiếu máuNgày 7-11, giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt cho biết sau chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo nguồn cung cấp máu, chế phẩm máu cho các tỉnh miền Tây thì nguồn máu đã được cải thiện. Kho máu đã có máu dự trữ cho cấp cứu với trên 200 đơn vị hồng cầu, tiểu cầu thì hiếm hơn.Nguồn máu chính vẫn do Viện Huyết học Truyền máu trung ương, Trung tâm Huyết học Truyền máu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp. Các đơn vị này hỗ trợ số lượng tăng lên từ đầu tháng 11 đến nay nên nguồn cung cấp hồng cầu đã đảm bảo cho bệnh nhân cấp cứu. Tuy nhiên, lượng máu trên chưa đủ cung cấp cho các bệnh nhân bệnh mãn tính cần truyền máu. Và tiểu cầu cũng không đủ.Gói thầu 394 mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao đang được bệnh viện gấp rút hoàn thành đấu thầu theo từng gói, gói nào thẩm định xong sẽ chuyển ngay qua công đoạn tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ. "Các nhóm, tổ liên quan phục vụ cho đấu thầu bệnh viện chỉ đạo làm xuyên suốt, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Quyết tâm đến tháng 12-2023 phải có túi máu và hóa chất để đi lấy máu sàng lọc và cung ứng cho các đơn vị", ông Việt nói.Trong năm 2023, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản gỡ vướng việc mua sắm vật tư, thuốc, thiết bị y tế: nghị quyết 30 của Chính phủ, thông tư 06 và thông tư 14 của Bộ Y tế. Đáng chú ý nhất là không còn yêu cầu phải có 3 báo giá khi xác định giá gói thầu mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế, bởi đặc thù của ngành y tế có nhiều nhà cung cấp độc quyền.Theo đó, các bệnh viện có thể mua sắm và tham khảo giá theo 3 hình thức: tra cứu giá trên cổng thông tin chính thức, thông qua giá của các đơn vị thẩm định giá hoặc báo giá chính thức của đơn vị cung cấp. Nếu chỉ có 1 báo giá thì xác định giá thông qua giá mua của các đơn vị mua sắm thiết bị cùng loại trước đó. Những nội dung gỡ vướng này đã giúp các bệnh viện mua sắm được thiết bị nhưng khối lượng chưa nhiều.Sang năm 2024, việc đấu thầu phải thực hiện theo Luật Đấu thầu (có hiệu lực ngày 1-1-2024). Nhiều bệnh viện lo lắng việc đấu thầu mua sắm sẽ phải ngưng lại để chờ hướng dẫn bởi các mặt hàng trong ngành y tế là hàng đặc thù, luật hướng dẫn chung chưa đủ nội dung để các đơn vị thực hiện. Tags: Thiếu vật tư y tếThiếu máuTúi đựng máuĐấu thầuThiếu thuốcĐấu thầu chậm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.