Đồng thời bệnh viện cũng gửi công văn thông báo đến 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi bệnh viện được giao cung cấp máu và chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị, thông báo tình hình hạn chế máu và không còn máu cung cấp.
Theo đó, công văn của bệnh viện cho hay phải cung cấp máu mỗi tuần cho các bệnh viện khu vực Tây Nam Bộ từ 2.800 đến 3.000 đơn vị khối hồng cầu. Mỗi tháng từ 12.000 đến 15.000 đơn vị (4 nhóm máu A, B, O, AB) và từ 80 đến 100 đơn vị tiểu cầu kit/tuần.
Đây không phải lần đầu Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ ra thông báo kêu cứu về cạn kiệt máu ở ngân hàng máu. Việc thiếu máu và các chế phẩm máu trong kho dự trữ máu của bệnh viện đã xảy ra từ đầu năm 2023, tình hình ngày càng thêm căng thẳng trong mấy tháng qua là do khó khăn và chậm tiến độ trong đấu thầu mua sắm. Bệnh viện không còn túi lấy máu cũng như hóa chất, vật tư để xét nghiệm, gạn tách chế phẩm máu.
Do thiếu máu, thiếu tiểu cầu nên hầu hết các bệnh nhân cần truyền máu, tiểu cầu đều phải lay lắt chờ đợi, một số trường hợp chuyển lên tuyến trên điều trị, các bệnh viện hoãn mổ trừ các bệnh cấp cứu.
Đơn cử như mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, một trường hợp sản phụ phải truyền hơn 20 đơn vị máu và chế phẩm máu do băng huyết sau sinh, bệnh viện phải liên hệ chạy vạy mượn khắp nơi từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Kiên Giang… mới có đủ máu. Một trường hợp khác hậu phẫu sau mổ tim cần truyền tiểu cầu khẩn, bệnh viện cũng liên hệ vay mượn từ nhiều nguồn mới có đủ.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết nhiều tháng nay rất khó khăn về nguồn cung cấp máu, do ngân hàng máu ở Cần Thơ luôn trong tình trạng thiếu. Trong khi lượng máu cần cho công tác cấp cứu, điều trị rất lớn do bệnh viện là tuyến cuối của khu vực, hiện nhiều bệnh nhân cần truyền tiểu cầu phải chuyển lên tuyến trên.
Tình trạng thiếu máu, chế phẩm máu từ nhiều tháng qua, các đơn vị như Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy và các nơi trong cả nước cũng đã hỗ trợ cung cấp máu, chế phẩm máu trong thời gian dài. Hiện tại nhiều nơi đã thông báo cắt hỗ trợ do tình hình điều phối gặp khó khăn.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, sở dĩ có việc thiếu máu kéo dài là do chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đấu thầu. Do bệnh viện chưa có kinh nghiệm trong đấu thầu, thủ tục lại khá nhiều nên liên tục bị vướng.
Hiện gói thầu gần 394 mặt hàng, trị giá trên 150 tỉ đồng của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã được phê duyệt, nhưng vẫn còn vướng 47 mặt hàng phải làm lại, nên bệnh viện vẫn chưa thể vận hành dây chuyền lấy máu, sàng lọc, sản xuất chế phẩm máu và người bệnh vẫn phải "mỏi mòn" chờ.
Lý giải về nguyên nhân khiến quá trình đấu thầu hóa chất, vật tư y tế 2023-2024 của các bệnh viện kéo dài, ảnh hưởng đến người bệnh. Sở Y tế TP Cần Thơ cho rằng do Bộ Y tế thay đổi, bãi bỏ thông tư cũ về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế và ra thông tư hướng dẫn mới có hiệu lực từ 1-7-2023.
Vì vậy các bệnh viện ở Cần Thơ đang làm thủ tục đấu thầu, nhưng chưa được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phải thực hiện lại theo thông tư mới và làm lại từ đầu.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, hiện nay các gói thầu tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, nên thời gian nào xong và có máu cung cấp cho các đơn vị là do bệnh viện quyết định. Vì bệnh viện tự tổ chức đấu thầu, không liên quan đến Sở Y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận