Phóng to |
Đầu bếp Thái Lan làm món ăn từ ấu trùng tại một nhà hàng ở Bangkok |
Đó là đề tài đang được thảo luận một cách nghiêm túc trong cuộc hội thảo LHQ kéo dài ba ngày từ 19-2 tại Chiang Mai, Thái Lan. Cho dù nhiều người sẽ rùng mình khi tưởng tượng cảnh phải nhai côn trùng, thì tại hội thảo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho biết có tới 1.400 loại côn trùng đang trở thành thức ăn hằng ngày ở nhiều nước tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ, thậm chí còn là đặc sản.
Theo trang web thông tin thực phẩm Newsfood.com, trong số hàng ngàn loại côn trùng có thể trở thành thực phẩm, có bốn nhóm được biết đến nhiều nhất. Một là bọ cánh cứng, hai là kiến và ong, ba là châu chấu và dế, bốn là bướm.
Nguồn protein, vitamin, khoáng chất
Hãng tin AFP dẫn lời các chuyên gia FAO khẳng định côn trùng là nguồn thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Một số loài côn trùng chứa lượng protein ngang ngửa với ở thịt và cá. Ở dạng sấy khô, côn trùng có lượng protein cao gấp đôi thịt và cá tươi. Những loài khác, đặc biệt khi ở dạng ấu trùng, rất giàu chất béo và chứa nhiều loại vitamin cũng như khoáng chất quan trọng.
FAO cho biết tại một số khu vực, côn trùng chỉ là nguồn thực phẩm "khẩn cấp" để chống đói. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, chúng lại là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Ví dụ như ngay tại Thái Lan, người dân thường ăn khoảng 200 loại côn trùng. Người bán đồ ăn làm từ côn trùng rong trên đường phố là một hình ảnh thường gặp ở thủ đô Bangkok.
Theo Newsfood.com, phần lớn côn trùng có thể ăn được thường được thu hoạch từ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, dù côn trùng chiếm tỉ lệ lớn của hệ sinh thái rừng thì các nghiên cứu về chúng từ trước đến nay rất ít ỏi. "Đáng ngạc nhiên là chúng ta hầu như chưa biết gì về vòng đời, mật độ và tiềm năng thương mại của các loài côn trùng có thể ăn được" - ông Patrick Durst, chuyên gia nghiên cứu rừng của FAO, nhận định.
Tiềm năng thương mại
Ông Durst cho rằng các nhà quản lý rừng cũng chưa có kiến thức hoặc hiểu biết gì về tiềm năng quản lý và thu hoạch các loài côn trùng một cách bền vững để chúng trở thành nguồn cung thực phẩm đáng tin cậy.
Các chuyên gia FAO nhận định bên cạnh giá trị dinh dưỡng, côn trùng mở ra khả năng cung cấp thu nhập, việc làm cho nông dân tham gia công việc thu hoạch, nuôi trồng, xử lý, vận chuyển và bán thực phẩm từ côn trùng. Tiềm năng này còn có thể được tăng cường thông qua việc áp dụng công nghệ thực phẩm hiện đại.
"Cơ hội đang mở ra đối với hoạt động tiếp thị và đóng gói nhằm nâng cao tính hấp dẫn của thực phẩm từ côn trùng đối với các khách hàng truyền thống, cũng như việc mở rộng thị trường thu hút đối tượng người tiêu dùng mới, đặc biệt ở khu vực thành thị” - ông Durst khẳng định. Tuy nhiên, Newsfood.com cũng cảnh báo các chuyên gia cần nghiên cứu để đảm bảo rằng các loài côn trùng ăn được là vệ sinh, an toàn đối với con người và không chứa dư lượng hóa chất như thuốc trừ sâu quá mức.
Đối phó với tình trạng thiếu lương thực Nhiều quốc gia đã có những bước đi cụ thể trước nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu và giá cả thực phẩm tăng vọt. Hãng tin Bloomberg cho biết Malaysia sẽ tích trữ dầu ăn, gạo và các mặt hàng thiết yếu. Chính quyền cũng đã thành lập Cơ quan Dự trữ quốc gia để thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi đó, nhiều nước khác đang dự trữ các loại ngũ cốc chiến lược. Báo Asia Times cho biết Ấn Độ đang giảm lượng xuất khẩu gạo, trong khi Argentina và Nga ngưng xuất khẩu bột mì và tăng thuế nhằm bảo vệ nguồn cung đang giảm sút. Mới đây, Hiệp hội Sản xuất bánh mì Mỹ cũng kêu gọi chính phủ bắt đầu tích trữ ngũ cốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận