Các sư thầy chùa Thiếu Lâm biểu diễn võ thuật ở Senegal - Ảnh:AFP |
Báo South China Morning Post hôm 25-9 dẫn lời một quan chức giấu tên của tỉnh Hà Nam cho rằng chùa Thiếu Lâm không cần sử dụng nhiều tiền nên không được quản lý doanh thu khổng lồ hiện nay. Ban quản trị chùa Thiếu Lâm lại cho rằng chính quyền tỉnh đã vi phạm “thỏa thuận chia thu nhập” mà hai bên đã ký kết.
Chùa Thiếu Lâm hồi tháng 11-2013 bắt đầu đệ đơn kiện Ủy ban quản lý khu cảnh vật Tùng Sơn, cơ quan quản lý chùa Thiếu Lâm về quyền sở hữu 50 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,1 triệu USD) theo thỏa thuận phân chia doanh thu mà hai bên đã ký kết từ cuối năm 2009.
Chùa Thiếu Lâm khẳng định chính quyền cam kết sẽ chia cho chùa theo tỷ lệ 3-7 trên 100 nhân dân tệ, vốn là giá vé vào cửa tham quan khu thắng cảnh của chùa. Ủy ban quản lý khu cảnh vật Tùng Sơn phải chia số tiền này cho chùa mỗi tháng.
Song, Ủy ban trên đã nuốt lời hứa. “Một ngôi chùa thì làm gì mà cần nhiều tiền đến thế. Các sư thầy có thể xài bao nhiêu? Họ có khi nào bị kiểm toán số tiền mà bá tánh cúng dường đâu?” – Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức của Ủy ban trên tranh cãi.
Người phát ngôn của Hòa thượng trụ trì chùa Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín khẳng định thỏa thuận chia doanh thu là nguồn thu nhập chủ yếu để chùa trùng tu các ngôi “cổ tự” có tuổi đời hàng nghìn năm, đó là nguồn chi phí phục vụ cho việc phát triển văn hóa của Thiếu Lâm ở Trung quốc và ở nước ngoài cũng chính là nguồn tiền để nuôi sống các sư thầy.
Tòa án tỉnh Hà Nam cho biết sẽ sớm đưa ra xét xử vụ kiện này khi cả Ủy ban quản lý khu cảnh vật Tùng Sơn và chùa Thiếu Lâm đều từ chối đề nghị làm trung gian hòa giải của tòa. Chùa Thiếu Lâm đã được công nhận là di sản thế giới từ năm 2010, vốn bị chỉ trích đem di tích tôn giáo phục vụ chủ nghĩa thương mại quá mức trong những năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận