Phóng to |
Cư dân ở các tòa nhà cao tầng cần được tập huấn ứng phó các rủi ro có thể xảy ra - Ảnh: Quang Thế |
Hội thảo do Đại học Y tế công cộng và Đại sứ quán Na Uy tại VN tổ chức hai ngày 16 và 17-2 ở Hà Nội.
Lo âu, hoảng loạn
Phần lớn thảm họa là do con người Các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu đều cho thấy VN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, chưa kể những thảm họa do con người gây ra chiếm 30-70%/tổng số thảm họa (thảm họa do thiên nhiên dao động dưới 43%). |
Bà Trần Hồng Điệp, giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý, cho biết sau thảm họa, các tình huống tâm lý tức thời thường gặp ở nạn nhân và người chứng kiến là cảm giác lo âu, sợ hãi, hoảng loạn. Vài tháng sau, cảm giác sợ hãi, hoảng loạn vẫn còn nhưng cấp độ nhẹ hơn. Ở một số trường hợp có hành vi tự tử, có thể không phải ngay sau thảm họa mà ở giai đoạn dài phía sau.
Ông Nguyễn Xuân Mến, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, đến dự hội thảo này với thông tin về vụ việc thời sự: cháy chợ Quảng Ngãi. Theo ông Mến, trong các tiểu thương có quầy hàng ở chợ Quảng Ngãi bị cháy vừa qua, một số trường hợp phải nhập viện do sốc và lo âu. Ngoài ra, phần lớn tiểu thương phải nghỉ tĩnh dưỡng tại nhà do buồn rầu kéo dài. Theo ông Mến, cơ sở y tế mới chú ý đến điều trị vết thương thực thể, chứ chưa chú trọng đến vết thương tâm lý ở những nạn nhân bị ảnh hưởng tinh thần sau thảm họa.
Ứng phó thế nào?
Theo ông Hà Văn Như, một thực tế đáng buồn là người VN chưa được chuẩn bị để ứng phó, thậm chí chung sống với thảm họa, trong khi VN là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là các sự cố bão, lũ, nước biển dâng...
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo ngày 16-2, ông Như cho rằng khi xây dựng và đưa vào vận hành một tòa chung cư mới, rất nên huấn luyện cho cư dân của tòa nhà biết ứng phó khi có cháy, nổ, động đất. Tuy nhiên VN chưa làm được điều này. Vì thế đã có nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra như năm 2010 có trường hợp hai mẹ con tử vong do cháy ở chung cư cao tầng. Hay năm 2008 có tới 20 người chết đuối trên đường phố Hà Nội trong trận lụt lịch sử, nhiều trường hợp hoàn toàn có thể phòng tránh được.
“Khi xảy ra cháy ở tòa nhà cao tầng, ít người biết là nếu muốn thoát khỏi tòa nhà thì nên đi bằng cầu thang bộ, đi thấp người, thập chí bò sát mặt đất, dùng chăn và khăn ướt che để tránh ngạt khói. Một yêu cầu nữa là phải hết sức bình tĩnh ứng phó, nếu không, có những bài tập ứng phó với thảm họa mình đã nhuần nhuyễn rồi nhưng khi mất bình tĩnh sẽ không thực hiện được. Trường hợp khó chạy ra khỏi tòa nhà nên ở trong nhà, dùng khăn ướt tránh ngạt khói, che kín các ô thoáng tránh khói bay vào nhà, không chạy và chen lấn, khói sẽ bay thẳng vào mặt”- bà Điệp hướng dẫn.
Một vấn đề khiến nhiều người tiếc nuối trong vụ cháy chợ ở Quảng Ngãi, và trước đó là ở Hà Nội và nhiều nơi khác là bà con để quá nhiều tiền và tài sản quý ở chợ, không biết phân tán, để ít nhất khi có vụ việc không may xảy ra thì không phải lệ thuộc nhiều vào một nguồn sống nhất định. Ông Hà Văn Như thì tiếc tình trạng thiếu chuẩn bị để ứng phó, chữa cháy khi tình huống cháy chợ xảy ra, mặc dù quy định đã có từ lâu.
Ông Lê Hữu Thọ, phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, người lớn lên ở Khánh Hòa, thừa nhận so với trước các vụ thiên tai, thảm họa như bão, lũ, lở đất... xuất hiện nhiều hơn.
Ông Thái Phúc Thành, phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, nói ở hội thảo rằng số người VN bị thiếu ăn do thiên tai ngày càng tăng, từ mức 1,49 triệu người năm 2007 lên trên 2,4 triệu người năm 2011. Trong ba năm 2007-2009, mỗi năm VN có trên 400 người chết do thiên tai, hai năm 2010-2011 số người chết có giảm xuống 200-250 người do thiên tai/năm, nhưng tổng số thiệt hại về người vẫn còn rất lớn. Ứng phó, thậm chí chung sống với thảm họa như thế nào không phải là chuyện ở nơi nào xa xôi mà là chuyện của mỗi nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận