Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) mới chỉ đấu thầu được 50% trang thiết bị, vật tư y tế do không có đủ ba nhà thầu. Bệnh viện Bạch Mai trong đợt đấu thầu mới nhất có 30% mặt hàng không có nhà cung cấp gửi báo giá.
Thiếu đủ thứ, bệnh nhân chịu thiệt
Đau răng từ mấy tuần trước, chị Hoàng Thu (Đà Nẵng) đã đến hai bệnh viện khám. Cả hai đều thông báo thuốc gây tê "đứt hàng" khá lâu. Thay vì can thiệp, bác sĩ đã cho chị Thu thuốc giảm đau cầm cự. "Bác sĩ nói nếu có thuốc gây tê sẽ xử lý cho tôi nhưng chưa biết đến khi nào, thỉnh thoảng tôi phải chịu những cơn đau buốt" - chị Thu nói.
Không gặp khó khăn máy móc nhưng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng lại gặp khó khăn về các loại thuốc đặc thù và hóa chất xét nghiệm. Gia đình nhiều bệnh nhi ung thư cho biết một số chẩn đoán không thực hiện được do thiếu hóa chất, bác sĩ của bệnh viện khuyến cáo gia đình đi bệnh viện khác để thực hiện, cầm kết quả xét nghiệm trở về lại bệnh viện.
Ở TP.HCM, đã hơn 9h sáng 2-3, bà P.T.Y. (72 tuổi, tỉnh Tây Ninh) vẫn còn nằm băng ca hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy chờ kết quả nội soi. Đây là buổi bà Y. được nội soi sau một tuần bác sĩ báo hoãn vì bệnh nhân đông mà bệnh viện không đủ máy móc.
Anh D. (con trai bà Y.) cho biết mẹ anh ngã gãy chân tuần trước. Gia đình đưa bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Sau thời gian thăm khám, các bác sĩ thông báo bà Y. cần thực hiện chụp MRI, CT-Scan, nội soi...
Tuy nhiên, bệnh viện phải chuyển bà Y. sang một bệnh viện tư nhân ở Tân Phú để chụp MRI và CT-Scan, còn nội soi thực hiện tại bệnh viện nhưng phải chờ sau một tuần.
"Mẹ tôi phải chuyển đến bệnh viện tư nhân khác. Ở đây họ chụp MRI, CT cho mẹ lúc giữa đêm. Không chỉ mẹ tôi mà còn có rất nhiều bệnh nhân khác cũng được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đi", anh D. nói.
Bệnh viện nói gì?
Vướng mắc hiện nay là hầu hết thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu... đều không có đủ ba báo giá theo quy định trong thông tư 68/2022 để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - chia sẻ bệnh viện "bế tắc" khi không đủ màng trao đổi oxy trong hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo), tác động trực tiếp đến quá trình điều trị bệnh nhi nặng.
"Các cơ quan trung ương hỗ trợ ngành y tế tháo gỡ những vướng mắc này. Đây là khó khăn khiến nhiều bệnh viện sợ. Chẳng hạn theo quy định là ba báo giá mà mặt hàng chỉ có một công ty cung cấp thì bệnh viện làm sao để kiếm thêm hai công ty nữa", bác sĩ Tiến đặt vấn đề.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết đang gặp khó khăn về các loại thuốc đặc trị cho nhóm bệnh nhi ung thư. Tại Bệnh viện Đà Nẵng nhiều tháng nay đã phải dừng mổ phiên đối với một số loại bệnh để dành vật tư y tế cho các ca mổ cấp cứu, bệnh nhân nguy kịch. Vừa rồi máy CT bị cháy bóng chụp đã gây ra cảnh ùn ứ tại khu vực chụp CT do bệnh viện chỉ còn 1-2 máy hoạt động.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, một số nhà hảo tâm đã phải hỗ trợ thay một phần các bóng cháy, tuy nhiên sự giúp đỡ này cũng chỉ là giải pháp mang tính "chữa cháy" tạm thời. Một số máy móc vẫn đang "đắp chiếu" chờ đợi sự gỡ rối chung trên cả nước.
Ông Trương Văn Trình, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng khảo sát nhận thấy thiếu hóa chất, vật tư trang thiết bị mới ở mức cục bộ, chưa trầm trọng như các nơi. Ngành y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện chấp nhận các phương án chuyển bệnh, gửi các cơ sở y tế khác để thực hiện xét nghiệm.
"Hiện chúng tôi chưa thiếu trầm trọng nhưng tương lai cứ thế này sẽ rất khó khăn. Có tình trạng các hãng không mặn mà với việc cung cấp trang thiết bị cho hệ thống y tế công lập vì hàng y tế khá đặc thù, chúng tôi chờ đợi sự gỡ rối chung trên cả nước" - ông Trình nói.
Theo giám đốc một bệnh viện tại Hà Nội, khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, đấu thầu là khó khăn chung của hầu hết các bệnh viện. Vị này cho biết nhiều xét nghiệm như xét nghiệm đông máu có thể không thể tiếp tục thực hiện được thời gian tới do máy xét nghiệm đông máu là máy mượn, nghị quyết 144 hướng dẫn cho phép sử dụng những hợp đồng từ trước ngày 5-11-2022, thời gian tới không giải quyết được vướng mắc này thì bệnh viện không thể thực hiện xét nghiệm này.
Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết mới chỉ đấu thầu được khoảng 50% có đủ ba báo giá, còn lại vẫn đang đợi... báo giá. Nếu khó khăn kéo dài, lãnh đạo bệnh viện cũng không biết "cầm cự" được đến khi nào!
Bệnh viện vẫn phải chờ
Trong cuộc họp cuối tuần trước với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bệnh viện, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu "đến 3-3 phải xong các vấn đề quan trọng và trong tháng 3 phải cơ bản giải quyết các vướng mắc của ngành y tế".
Tuy nhiên hôm nay là 3-3, các vấn đề quan trọng và bức thiết nhất của ngành (thiếu vật tư, thiết bị, thiếu thuốc...) vẫn đang chờ được giải quyết. Từ 1-3, Bệnh viện Việt Đức đã tạm ngưng mổ phiên, có khoa trên lịch mổ gần 20 ca nhưng chỉ 6 ca được duyệt.
Bệnh viện Bạch Mai hai năm nay phải đắp chiếu máy chụp PET, thiết bị xạ phẫu, hai robot phẫu thuật... vì chưa có chính sách để sử dụng.
HỒNG HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận