Theo UBND các tỉnh Tây Nguyên, một thực trạng đáng buồn là thiếu giáo viên trầm trọng nhưng không thể tuyển dụng, nhất là vùng sâu vùng xa.
Vùng sâu thiếu giáo viên trầm trọng
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - nêu thực trạng tăng dân số cơ học quá nhanh thời gian qua ở tỉnh này do tình trạng di dân tự do.
"Đã không đủ giáo viên để bố trí còn bị cắt giảm 10% chỉ tiêu hằng năm khiến địa phương rất khó khăn. Tỉnh thiếu hơn 600 biên chế để choàng gánh công việc hiện tại nhưng năm rồi trung ương chỉ cho 115 chỉ tiêu, không đủ để bố trí", bà Hạnh nêu.
Trong khi đó, bà Y Ngọc - phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho rằng ở thành phố có thể một lớp bố trí 40 em nhưng ở vùng sâu mỗi lớp có 10 - 20 em cũng phải dạy.
Nghịch lý ở chỗ là dù thiếu giáo viên như vậy nhưng tuyển dụng lại không dễ. Có những nơi như huyện Tu Mơ Rông, xét tuyển 200 chỉ tiêu nhưng chỉ có 20 - 30 hồ sơ đăng ký.
"Đáng buồn là có những người trúng tuyển sau đó tìm cách về miền xuôi hoặc nghỉ việc vì điều kiện làm việc khắc nghiệt, đãi ngộ quá thấp", bà Ngọc nói.
Cần cơ chế đặc thù
Cùng chia sẻ thực trạng đã thiếu giáo viên còn bị cắt giảm, ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk - cho rằng cần tăng nguồn đầu tư cho phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng khó khăn.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định vùng Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn, thầy cô phải hy sinh nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người.
Theo ông, một trong những nguyên tắc là ở đâu có học trò, ở đó phải có trường lớp, giáo viên. Tuy nhiên, việc giảm người hưởng lương ngân sách là chính sách chung, đúng đắn của trung ương, việc đó là việc riêng. Mỗi địa phương cần có những cân nhắc, tính toán, kiến nghị cho phù hợp đối với việc giao chỉ tiêu và tính toán trong bộ máy.
"Bộ ủng hộ việc phải đủ cả về số lượng và chất lượng cho giáo dục. Việc đề xuất thêm chỉ tiêu biên chế (vì thiếu giáo viên) lên Chính phủ thì các địa phương cần có những thuyết minh riêng để được xem xét", ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận