Chính sách này áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021 nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa "mặn mà".
Chỉ vài địa phương phản hồi
Trong khi các trường sư phạm sẵn sàng đón nhận, chờ "đơn đặt hàng" nhưng phần lớn địa phương vẫn không màng tới việc này.
Theo Bộ GD-ĐT, trong số 30.807 sinh viên sư phạm tuyển sinh năm 2021 được hưởng chính sách hỗ trợ của nghị định 116, chỉ có 24,3% được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ (1.928 đặt hàng và 5.563 giao nhiệm vụ). Như vậy, số sinh viên diện đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với tổng số sinh viên sư phạm nhập học khóa tuyển sinh năm 2021.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường tuyển sinh và đào tạo các ngành sư phạm theo chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu dự báo của các địa phương. Sau khi sinh viên nhập học, phân ngành và xét địa phương, trường đều có liên hệ các tỉnh thành để hỏi về nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên theo nghị định 116, nhưng rất ít địa phương phản hồi.
Năm 2021, chỉ có hai tỉnh đặt hàng đào tạo giáo viên là Long An (đặt hàng 53 chỉ tiêu) và Ninh Thuận (8 chỉ tiêu). Năm 2022, chỉ có duy nhất tỉnh Long An đặt hàng trường đào tạo 27 giáo viên.
Tại Trường ĐH Sài Gòn cũng chỉ có hai tỉnh Long An và Ninh Thuận đặt hàng trường đào tạo 34 sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh 2021. Đại diện nhà trường cho biết năm 2022, trường đã liên hệ với tất cả các tỉnh thành có sinh viên đang theo học các ngành sư phạm tại trường nhưng chỉ có vài địa phương phản hồi. Trong đó, một số địa phương trả lời không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên.
ThS Nguyễn Hứa Duy Khang - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: "Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm của trường được Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu của các địa phương. Năm 2021, trường này nhận được đặt hàng đào tạo giáo viên của hai tỉnh Long An và Vĩnh Long.
Trong đó, Long An đặt hàng đào tạo 159 chỉ tiêu. Sau khi nhập học có 154 sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ của Long An, nhưng cuối cùng tỉnh này chỉ ký hợp đồng với 11 sinh viên có hộ khẩu ở địa phương này, không chấp nhận sinh viên có hộ khẩu tỉnh khác. Trong khi tỉnh Vĩnh Long đặt hàng 240 chỉ tiêu và đã có 203 sinh viên đăng ký. Nhưng cuối cùng Vĩnh Long lại không ký hợp đồng với bất kỳ sinh viên nào".
Nhiều vướng mắc
Năm 2022, giải thích về việc không đặt hàng đào tạo giáo viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết: "Do điều kiện về kinh phí và một số khó khăn khác khi thực hiện nghị định 116 của Chính phủ nên tỉnh không đặt hàng đào tạo với sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh 2021 với Trường ĐH Cần Thơ".
Lãnh đạo UBND nhiều tỉnh thành cho biết dù nhu cầu tuyển dụng giáo viên của địa phương là khá lớn nhưng vị trí việc làm giao cho tỉnh thấp nên vướng mắc. Trước khi thực hiện nghị định 116, các địa phương đánh giá thực trạng sử dụng nguồn nhân lực ngành giáo dục, nhưng có một thực tế là quy mô trường lớp hằng năm tăng trong khi Bộ Nội vụ hằng năm lại cắt biên chế. Công tác đấu thầu trong hướng dẫn thực hiện nghị định 116 của Bộ GD-ĐT chưa rõ.
"Cơ chế đặt hàng, đấu thầu thì quá phức tạp do có sự tham gia của nhiều bên liên quan khiến các địa phương khó có thể thực hiện được đúng thời gian, quy trình, thủ tục. Trách nhiệm thu hồi kinh phí đào tạo từ người học nếu vi phạm giao cho địa phương rất vướng vì hiện không có chế tài xử lý nên không thu hồi được.
Bên cạnh đó, sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường, vì vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục", lãnh đạo một sở GD-ĐT nói.
Tháo gỡ ra sao?
Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2-2023, Bộ GD-ĐT cho biết quy trình triển khai gặp khó khăn "do đan xen nhiều chủ thể: nhu cầu về giáo viên do địa phương, bộ, ngành đề xuất trên tình hình thực tiễn, chỉ tiêu biên chế do ngành nội vụ giao và phân bổ, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo do Bộ GD-ĐT xác định, kinh phí từ Bộ Tài chính".
Nhận định về những vướng mắc khi thực hiện nghị định 116 hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nói: "Việc này có chồng lấn nhiệm vụ giữa sở nội vụ là nơi tuyển dụng viên chức và sở GD-ĐT là nơi cần sử dụng giáo viên. Việc đặt hàng đào tạo giáo viên cần có sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với các địa phương và các trường đại học.
Hằng năm các địa phương phải báo nhu cầu số giáo viên tuyển dụng với Bộ GD-ĐT để xem xét phân bổ chỉ tiêu và trực tiếp đặt hàng các trường đào tạo. Sau khi sinh viên ra trường có thể đăng ký nguyện vọng về các địa phương làm việc, để Bộ GD-ĐT xét duyệt phân công đến những tỉnh thành có nhu cầu".
Để giải quyết những khó khăn trước mắt về tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng cần đặt cụ thể vào bối cảnh, điều kiện của từng tỉnh thành và từng cơ sở giáo dục.
"Có nhiều dự báo giáo viên một số môn không đủ giờ, trong khi việc quản lý giáo viên là phòng giáo dục, tại sao các trường không "dùng chung" giáo viên?", ông Sơn đặt vấn đề.
Dạy liên trường
Ông Nguyễn Minh Chí, phó trưởng phòng phụ trách phòng giáo dục trung học - giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Bến Tre, cũng đánh giá cao giải pháp "dùng chung" giáo viên để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình mới.
"Ở Bến Tre đã thực hiện việc này đối với giáo viên THCS. Theo đó giáo viên một số môn được phân công dạy liên trường để phát huy hết nguồn nhân lực hiện có", ông Chí chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận