06/10/2014 05:45 GMT+7

Thiếu dũng khí nhận thất bại!

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Chiếc HCV đầu tiên của thể thao VN (tính từ khi đất nước thống nhất) tại đấu trường Asiad là của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ vào năm 1994. 20 năm sau, thể thao Việt cũng rời Asiad 2014 với vỏn vẹn một HCV từ wushu!

Trong chuyên mục thể thao của VTV1 phát tối 4-10, người làm chương trình đã “gây sốc” khi ngay sau phần phát biểu của ông Lâm Quang Thành - trưởng đoàn thể thao VN - không thừa nhận thất bại; thì đến phát biểu của vị trưởng đoàn Indonesia cho rằng “chúng tôi đã thất bại vì chỉ tiêu đặt ra 5 HCV nhưng kết quả chỉ có 4 HCV”! Bạn thì thế, còn ta chỉ tiêu 3-4 HCV nhưng chỉ đoạt được 1 HCV song lại dứt khoát không chịu nhận thất bại!

Ta mạnh bề rộng!

Lập luận của ông Lâm Quang Thành cho rằng thể thao VN không thất bại tại Asiad 17 là bởi: 1- VN lần đầu tiên có huy chương ở một số môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic: bơi lội, cử tạ, xe đạp, nhảy xa, chạy 400m (điền kinh), đấu kiếm, quyền anh, thể dục dụng cụ. 2- “Trong khu vực Đông Nam Á, những Malaysia, Singapore hay Indonesia hơn chúng ta về số HCV nhưng nhìn bề rộng, để có một lực lượng VĐV giành đến 36 huy chương ở 13 môn như chúng ta thì các nước không bằng”. 3- Việc đặt ra chỉ tiêu chỉ là để phấn đấu đạt tới.

Quả thật nếu xét về số lượng huy chương nhằm đánh giá về bề rộng của một nền thể thao thì VN xếp hạng 10 trong bảng tổng sắp, ngang với CHDCND Triều Tiên (cùng có 36 huy chương). Tuy nhiên, Asiad là đấu trường đỉnh cao chứ không phải là một sân chơi phong trào để tính đến yếu tố rộng khắp. Quan điểm đó được Hội đồng Olympic châu Á thể hiện rất rõ ràng trong việc xếp hạng bảng tổng sắp huy chương. Như Hong Kong có tổng cộng 42 huy chương nhưng phải đứng sau CHDCND Triều Tiên chỉ có 36 huy chương. Đơn giản vì Hong Kong ít hơn 5 HCV.

Các nhà lãnh đạo thể thao VN rất thường nói đến cụm từ “hội nhập quốc tế”, nhưng về quan điểm đánh giá kết quả tại một kỳ đại hội như Asiad thì chẳng ai đếm xỉa gì đến “quốc tế”, dù ở đây là Hội đồng Olympic châu Á!

Sự thất bại không chỉ xét về số lượng HCV không đạt chỉ tiêu, mà cả ở tính dự báo trong một số nội dung quan trọng. Ví dụ, người ta bảo rằng lực sĩ Thạch Kim Tuấn là niềm hi vọng vàng và chỉ có một đối thủ đáng ngại nhất đến từ Trung Quốc. Nhưng kết quả thì nhà vô địch đến từ... CHDCND Triều Tiên.

Trước giờ khai mạc, người ta “bơm” vào dư luận một niềm hi vọng vàng từ tay bơi Ánh Viên. Nhưng qua diễn biến thi đấu, phải nói rằng 2 HCĐ đã là kỳ tích của cô gái Cần Thơ. Thật sự không biết các nhà quản lý dựa vào đâu để bảo rằng Viên là “hi vọng vàng”? Tương tự, những trận đấu thua tan nát ở karatedo, taekwondo đã cho thấy chúng ta chẳng biết gì về đối thủ khi lãnh đạo đoàn vẫn ngóng vàng từ những môn này.

Rõ ràng sự thất bại đến từ khâu dự báo, nắm thông tin về các đối thủ. Và nữa, phát biểu tại lễ thượng cờ Asiad 2014, ông Thành vẫn cho rằng “chúng tôi tự tin đạt chỉ tiêu”; nhưng bây giờ thì bảo “chỉ tiêu chỉ là để phấn đấu”!

Người xưa có câu rất hay và ai cũng biết: “thất bại là mẹ thành công”. Không đủ dũng khí nhìn nhận thất bại, làm sao có thành công?

Nỗi ám ảnh SEA Games

Trong các nguyên nhân nêu ra nhằm lý giải việc không đạt chỉ tiêu, tiến bộ chậm hơn nhiều nước, ông Lâm Quang Thành có đề cập vấn đề đầu tư cho thể thao ở VN không mạnh. Ở đây, tôi có một suy nghĩ thế này: trong các kỳ SEA Games gần đây, các nhà quản lý thể thao hết sức tự hào về việc đoàn thể thao VN ổn định trong tốp 3, thể hiện một sự thăng tiến rõ rệt nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước. Nhưng cứ đến Asiad và cao hơn nữa là Olympic thì họ cứ ca cẩm chuyện nghèo, thiếu đầu tư là sao?

Về chuyện này, cần quay lại lịch sử. Trong những lần đầu trở lại với đấu trường SEA Games vào cuối thập niên 1980, thành tích của đoàn thể thao VN hết sức nghèo nàn. Chính vì vậy, các nhà quản lý mới đưa ra chiến lược “đi tắt, đón đầu”, tập trung cho những môn võ, những môn mà các nước ít chơi, hoặc chơi chưa đạt trình độ cao. Chính nhờ chiến lược này, thể thao VN đã chiếm được ổn định một vị trí tốp 3 trong bảng xếp hạng huy chương các kỳ SEA Games gần đây.

Nhưng lẽ ra khi đã đạt được mục tiêu ở SEA Games, thể thao VN phải thay đổi chiến lược, không thể cứ ôm wushu, pencak silat, karatedo, lặn, vật... (những sản phẩm của đi tắt, đón đầu) để bước vào Asiad hay Olympic. Đáng tiếc thay, những môn mà người Việt yêu thích như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, bóng bàn... thì mãi giậm chân tại chỗ. Ngay môn cầu lông, chúng ta đang có một Nguyễn Tiến Minh thật đáng tự hào, nhưng sau Minh là ai thì chẳng ai trả lời được! 20 năm trước chúng ta có 1 HCV Asiad nhờ taekwondo thì bây giờ cũng chỉ 1 HCV ở môn võ wushu.

Chiến lược phát triển thể thao phải thoát khỏi nỗi ám ảnh về thành tích ở SEA Games nhằm hướng đến những đấu trường cao hơn, những môn phù hợp với sự yêu thích của người dân hơn thì mới mong thể thao VN có sự thay đổi về bản chất.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên