Ông Đoàn Thế Vinh - cán bộ Bộ Công an - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Để thực hiện triệt để việc bảo vệ trẻ em và tránh bỏ sót tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, ngày 31-5 tại TP.HCM, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao phối hợp với UNODC tổ chức hội thảo góp ý kiến cho sổ tay điều tra viên, sổ tay kiểm sát viên đối với việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Phong tục tập quán, thói quen làm cản trở việc xử lý
Ông Đoàn Thế Vinh - cán bộ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, đơn vị soạn thảo cuốn sổ tay cho điều tra viên - cho biết trong 2 năm gần đây, các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em được báo chí đưa nhiều hơn cho thấy mức độ quan tâm của xã hội đối với việc bảo vệ trẻ em là rất lớn.
Do đó, việc xử lý triệt để tội phạm, không để lọt tội phạm là yêu cầu bức thiết của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành công an. Việc cho ra đời 2 cuốn sổ tay này hỗ trợ nhiều cho các điều tra viên, những người tiếp nhận thông tin, chứng cứ ban đầu liên quan đến hành vi tội phạm.
Ông Vinh đưa ra con số thống kê có đến 80% số vụ xâm hại tình dục trẻ em đến từ thầy giáo, cha dượng, người thân vậy nên rất khó để phòng ngừa. Xu hướng tới thì sẽ còn rất nhiều yếu tố khách quan khác mà không thể nào phòng ngừa được, và khi đó, áp lực chính là các cơ quan tố tụng.
Ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng VKSND quận 8 - nói về thói quen của người Việt - Video: HOÀNG ĐIỆP
Về khó khăn, hạn chế trong việc xử lý đối với loại tội phạm này, ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng VKSND quận 8 - cho rằng cũng cần lưu ý đến yếu tố văn hoá, thói quen của người Việt. Ví dụ, người Việt có thói quen hay "búng chim" bé trai chỉ vì yêu thích bé chứ hoàn toàn không có tà tâm gì.
Hay việc con gái lớn vẫn ngủ với bố, con trai lớn vẫn ngủ với mẹ, mẹ đi lấy chồng mới cho con gái đi theo ngủ chung với cha dượng luôn... Muốn xử lý triệt để tội phạm thì cũng cần phải xem xét yếu tố văn hoá.
Theo ông Khổng Ngọc Oanh - cán bộ Bộ Công an,một trong những khó khăn nghiêm trọng đó chính là việc giám định tuổi của các nạn nhân. Có nhiều vụ do mâu thuẫn về tuổi dẫn đến khó xử lý, thì trong những vụ xâm hại tình dục thì cần phải thu thập những tài liêụ nào, tài liệu nào làm cơ sở để định tội danh.. Đó là những nội dung sẽ được gợi ý trong cuốn sổ tay.
Thiếu điều tra viên nữ
Ông Nguyễn Văn Chung hoan nghênh việc Bộ Công an đã thành lập ban soạn thảo để soạn thảo cuốn sổ tay cho điều tra viên. Tuy nhiên, điều mà ông Chung băn khoăn là nạn nhân của hầu hết các vụ việc xâm hại tình dục là nữ nhưng hiện rất thiếu điều tra viên nữ tham gia các vụ án này.
Ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 8, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
"Ngay tại quận 8, không có một điều tra viên nữ nào chuyên cho tội phạm xâm hại tình dục. Khi xảy ra vụ án, mang nạn nhân đi giám định thì phải nhờ nhân viên y tế, điều tra viên ngồi ngoài chỉ chỏ", ông Chung nói.
Do đó, ông Chung góp ý, cái cần hoàn thiện đầu tiên của ngành công an đó chính là đào tạo điều tra viên chuyên sâu về loại án này, và nhất định phải có điều tra viên nữ thì mới hiểu được tâm lý, tình cảm và mới hiểu được sâu sắc các vấn đề liên quan đến nạn nhân là nữ giới.
Về nhận thức của người dân, ông Nguyễn Văn Chung nói vụ án ông Nguyễn Khắc Thuỷ ở Vũng Tàu khi xảy ra sự việc thì người nước ngoài đi trình báo công an ngay, còn người Việt thì còn thương lượng. "Cái văn hoá VIệt Nam thì còn tồn tại rất nhiều, các bà mẹ thậm chí tự thương lượng với nhau, cho kết hôn, xong có con thì thằng bố đi tù".
Về việc xử lý đối với tội phạm xâm hại tình dục, ông Chung nói tiếp, dư luận cứ bắt xử tù thật nghiêm và nặng. "Nghiêm và nặng khác nhau. Ở Việt Nam, 70 tuổi bị xử tội dâm ô trẻ em thì nhục nhã lắm rồi, thậm chí không mặt mũi nào đối diện với người thân họ hàng. Do vậy, làm thế nào đó, xử nghiêm nhưng không đồng ý xử nặng. Bắt đi tù hết thì làm gánh nặng cho nhà nước" - ông Chung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận