Tình trạng thiếu điện và cắt điện sinh hoạt xuất hiện nhiều nơi trong khi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và các nhà máy sản xuất ở miền Bắc phải giảm sản xuất do EVN cắt điện 50% cho thấy EVN không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Từ đây có nhiều câu hỏi đặt ra.
Tại sao bao nhiêu năm EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để điệp khúc thiếu điện - cắt điện không phải lặp lại mỗi khi vào thời kỳ cao điểm, trong khi phải nhập khẩu và giá điện liên tục tăng?
Tại sao ngành điện bao nhiêu năm đầu tư nghiên cứu khoa học, khai thác, có cả những chiến lược phát triển và với những "tài năng trẻ" thăng tiến nhanh mà luôn báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm và điện cung ứng cho sản xuất, quản lý, tiêu dùng vẫn luôn ở trạng thái bấp bênh?
EVN hiện nay cũng đang trực tiếp quản lý khai thác một số nhà máy điện, cơ bản đến nay các nhà máy điện này đã hết khấu hao, không phải mất chi phí nguyên liệu đầu vào, chỉ việc khai thác và lãi, tại sao lại báo cáo lỗ?
Một đất nước có thể gọi là cường quốc về điện gió và điện mặt trời, nhưng tỉ trọng điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện chỉ chiếm khoảng 26%?
Ước tính ngoài việc trực tiếp sản xuất 11% sản lượng điện, 12% từ nguồn cổ phần hóa, số còn lại EVN mua từ bên ngoài. Chênh lệch giá từ mua đến bán khoảng 30 - 37%.
Đợt dịch, EVN báo lỗ vì doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhưng bây giờ dịch hết, nền kinh tế đang rất cần năng lượng để phục hồi kinh tế, EVN lại cắt điện và đòi tăng giá?
Điều đáng nói là EVN kêu lỗ nhưng năm đơn vị thuộc đơn vị này lại báo lãi. Dù lãi so với cùng kỳ năm trước không cao hơn, nhưng vẫn có lãi. Trong đó có công ty gửi ngân hàng khoảng 4.000 tỉ đồng, thậm chí có công ty gửi đến 10.000 tỉ đồng.
Ngay cả các doanh nghiệp bán điện cho EVN cũng đều có lãi lớn, vậy tại sao EVN lại báo lỗ? Phải chăng đây là cách đẩy cái lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên?
Thanh tra Chính phủ trước đây từng có kết luận về hàng loạt vi phạm của EVN, nhưng khâu xử lý sai phạm phần lớn giao cho Bộ Công Thương, EVN và một số địa phương đứng ra xử lý trách nhiệm của tập thể và các cá nhân liên quan.
Trong khi theo kết luận có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, chẳng hạn như đầu tư ngoài ngành trái với tôn chỉ, mục đích hoạt động vượt vốn điều lệ tới hơn 45.000 tỉ đồng, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không đúng quy định hơn 1.900 tỉ đồng... rồi chỉ định thầu sai, hạch toán sai…
Thủ tướng vừa có công điện giao Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của EVN từ đầu năm 2021 đến tháng 6 năm nay.
Theo tôi, cần có đoàn thanh tra đặc biệt xem lại kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 về một loạt sai phạm của EVN và việc này cần phải báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét. Thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, nhất là việc thường xuyên báo lỗ.
Mặt khác, làm rõ vì sao trong năm 2022 là năm cả nước đã thoát khỏi đại dịch, so với những năm trước đây việc sử dụng điện năng không nhiều, thế nhưng EVN lại báo lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng và đề nghị tiếp tục tăng giá vào tháng 9 tới.
Ngoài ra, để ngăn tránh cơ chế độc quyền, khả năng thao túng giá và thị trường điện, tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm hai tổng công ty, gồm tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220kV trở lên và tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc tổng công ty phân phối điện.
Chính phủ cũng cần sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện để chấm dứt tình trạng độc quyền như hiện nay, bởi độc quyền sẽ dẫn đến nguy cơ thao túng giá cả và thị trường điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận