Hạn hán là một trong những nguyên nhân gây thiếu điện. Trong ảnh: Trạm bơm ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nứt nẻ suốt mùa hạn, không có nước dưới kênh để bơm - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Trần Tuệ Quang - phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương - khẳng định như vậy tại tọa đàm "Cung cầu điện năm 2020: Cung có đủ cầu?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Chỉ một đám mây đi qua thì nhà máy không phát điện được
Tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi dự báo cung cầu điện cho năm 2020 khi tăng trưởng sản lượng điện chỉ đạt 3%. Ông Lê Việt Hùng - phó trưởng ban kỹ thuật sản xuất EVN - cho hay việc cung ứng trong điều kiện nguồn điện không có dự phòng, nên nhiều thách thức lớn đặt ra với ngành điện.
Đó là tình trạng khô hạn xảy ra từ năm 2019, thủy điện đã giảm khoảng 7 tỉ kWh, thiếu hụt khoảng 4,5 tỉ kWh điện. Tình hình này tiếp tục xảy ra trong năm 2020, khi sản lượng điện huy động từ thủy điện giảm 30%, trong khi thủy điện chiếm tới 37% công suất. Nhiên liệu than trong nước cho sản xuất điện cũng chưa đủ nên phải nhập ngoại.
Ngoài ra hiện nay nguồn khí cũng có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khí Đông Nam Bộ chỉ còn 16,5 triệu m3/ngày. Chính những nguyên nhân này đã dẫn đến việc thiếu điện, tạo sự căng thẳng về việc cung cấp điện sinh hoạt cũng như sản xuất.
Tuy nhiên, may mắn vào giữa năm ngoái hệ thống điện được bổ sung một lượng rất lớn từ nguồn năng lượng tái tạo, tập trung chủ yếu là điện mặt trời. Cụ thể, riêng nguồn năng lượng mặt trời và gió đang vận hành trên hệ thống xấp xỉ 5.500 MW, trong tổng công suất khoảng 35.000 MW.
Thế nhưng, theo ông Vũ Xuân Khu - phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), nguồn điện từ điện năng lượng mặt trời cũng có một bất tiện là chỉ phát được ban ngày. Do vậy trong thời điểm nào đó chỉ cần có một đám mây đi qua thì các nhà máy sẽ không phát điện được. Từ đó nguồn điện cung cấp lên hệ thống không ổn định, trồi sụt. Đây cũng được xem là thách thức lớn đặt ra cho EVN.
Nhân viên điện lực TP.HCM ghi chỉ số điện - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ động giải pháp ứng phó
Cũng theo ông Vũ Xuân Khu, thời gian qua dù nhu cầu phụ tải điện tăng thấp, thế nhưng những lúc thời tiết nắng nóng nên nhu cầu phụ tải điện cũng tăng cao. Như ngày 21-5, sản lượng điện của toàn hệ thống đã đạt đến 798,6 triệu kWh/ngày, cao hơn ngày cao nhất của năm 2019. "EVN đánh giá đây là những ngày cực đoan và phải xây dựng những kịch bản để ứng phó và sẵn sàng đáp ứng dù nhu cầu điện tăng vọt" - ông Khu nhấn mạnh.
Với những ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Khu cho rằng nhu cầu phụ tải điện từ nay đến cuối năm khó dự báo, song EVN đã xây dựng phương án về sản lượng tiêu thụ điện. Trong đó có tính đến các kịch bản cho ngày, đêm hay cao điểm, thấp điểm để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống khi huy động lượng lớn nguồn điện mặt trời, điện tái tạo.
Ông Trần Tuệ Quang cũng cho rằng dù hệ thống điện vẫn đảm bảo cân bằng cung cầu, nhưng không loại trừ những tình huống cực đoan khi nắng nóng, sự cố từ các nhà máy điện lớn, căng thẳng nguồn cung nguyên liệu. Do đó từ năm 2019, Bộ Công thương đã nhận diện được thực trạng này và chủ động có các giải pháp ứng phó.
Bộ yêu cầu các đơn vị cung cấp than, khí, đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công thương. Chỉ đạo EVN phối hợp với các địa phương về các giải pháp phòng chống hạn hán, xả nước vào các hồ chứa...
Đặc biệt, bộ chỉ đạo EVN đẩy nhanh các tiến độ đưa vào các công trình nguồn và lưới điện mới, giải tỏa công suất dự án nguồn điện và lưới điện, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo ở khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam.
Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chuẩn bị các nguồn nhiên liệu, kể cả sử dụng than tồn để đảm bảo công suất cao nhất cho các tổ máy phục vụ phát điện.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm
Đó là khẳng định của ông Hoàng Tiến Dũng, cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương). Ông nhấn mạnh Bộ Công thương đang có những hỗ trợ đẩy nhanh việc làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, quy hoạch hợp lý cả phụ tải và nguồn điện. Rút ngắn thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ, thi công, phối hợp địa phương trong tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đền bù giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt Bộ Công thương cũng đã tham mưu cho Thủ tướng đồng thuận về cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho thẩm định dự án. Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh sẽ tập trung cho các dự án nguồn điện quan trọng, cấp bách. Ngoài ra là cơ chế giải phóng mặt bằng, thủ tục đất rừng, như triển khai dự án lưới điện thực hiện được nhanh hơn, rồi thu xếp vốn, bố trí nguồn vốn ODA, tiếp tục bảo lãnh tài chính cho một số dự án quan trọng.
Ông Bùi Trung Kiên (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM):
Tiết kiệm, đẩy mạnh điện mặt trời
Ông Bùi Trung Kiên
Thủ tướng đã có chỉ thị về việc cân đối nguồn điện, do đó trong thời gian tới Tổng công ty Điện lực TP.HCM sẽ thúc đẩy tiết kiệm điện để giảm 5% lượng điện tiêu thụ hằng năm của các cơ quan hành chính sự nghiệp và giảm 20% lượng điện chiếu sáng nơi công cộng, chiếu sáng quảng cáo.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên mái nhà, khuyến khích người dân lắp đặt nước nóng năng lượng mặt trời để giảm áp lực cho hệ thống điện vào cao điểm ban ngày. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai lắp đặt điện mặt trời trên mái các khu công nghiệp, khu chế xuất có diện tích mái lớn.
Thời gian qua các doanh nghiệp lắp đặt cũng lo lắng khi lắp thiết bị điện mặt trời lên mái vì Sở Xây dựng TP.HCM đang có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng liên quan đến chiều cao, kết cấu hệ thống. Do đó, các doanh nghiệp và người dân mong muốn sớm có chính sách tháo gỡ vướng mắc để dễ dàng phát triển điện mặt trời.
NGỌC HIỂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận