Bốn năm trước, Phạm Gia Vinh (sinh năm 1983) đã chế tạo khí cụ bay không người lái, và hai năm sau đó anh bắt đầu dự án chế tạo một "phi thuyền" với kỳ vọng đưa con người bay lên không trung.
Sáng tạo thứ nhất của anh phải đưa sang thử nghiệm ở Ấn Độ và sáng tạo thứ hai phải đưa qua Úc, dẫu mong mỏi lớn nhất của Vinh vẫn là được thử nghiệm tại Việt Nam. Những cơ quan chức năng có trách nhiệm đã nhiều lần từ chối cho anh thử nghiệm các sáng tạo của mình với rất nhiều lý do.
Vinh đã phải "đi chỗ khác mà chơi" trong một quốc gia dân số trẻ và đang hăm hở tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Còn ở bình diện quốc tế, "youthquake" vừa được từ điển Oxford lựa chọn là từ của năm 2017. "Youthquake" mang nghĩa "thay đổi văn hóa, chính trị hoặc xã hội nổi bật, nhờ ảnh hưởng và những hành động của người trẻ".
Họ chính là những người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) đang nhắc nhở và cho thế giới thấy sự hiện diện sinh động và đầy ảnh hưởng của thế hệ mình, tham gia chính trường và khởi xướng các hoạt động mang tính cải biến văn hóa xã hội.
Và vào một thời đại mà giới trẻ đang có những công cụ công nghệ chưa từng có, dẫn tới một lối tư duy hoàn toàn khác và đang muốn học, muốn chơi, muốn sáng tạo theo những con đường hoàn toàn mới mẻ?
"Chúng tôi cần lắm một không gian sáng tạo với những khoảng không sẵn sàng dành cho rủi ro, thất bại... Không đi thì sẽ không bao giờ tới đích. Đi có thể chệch hướng, có thể chậm, có thể nhanh, vừa đi vừa điều chỉnh. Còn nếu mới bước đi đã bị đánh vào chân thì đi sao nổi, chẳng thể đi đến đâu".
Phạm Gia Vinh tự đúc kết
Vậy thế nào là "không gian sáng tạo" theo nghĩa là nơi người ta cảm thấy tự do và thoải mái trong việc diễn đạt/bày tỏ và thử nghiệm, phát triển các ý tưởng mới của mình, và là nơi có những hỗ trợ mang tính xây dựng, vun đắp cho các ý tưởng ấy?
Và làm thế nào để Vinh và những người trẻ như anh, cả thế hệ sau anh có được không gian sáng tạo ấy?
Nền kinh tế sáng tạo là một câu chuyện thành công trên toàn cầu trong thế kỷ 21. Việt Nam có thể đưa mình vào nền kinh tế sáng tạo đó hay không, câu trả lời chỉ có thể được tìm từ các không gian sáng tạo.
Trên khắp thế giới, những nhà khoa học trẻ, doanh nhân trẻ năng động đang tụ hội tại những không gian sáng tạo để cùng thử nghiệm những ý tưởng mới, những dự án mới, giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Họ hình thành nên những tổ hợp và liên minh khác thường, thu hút những người đến từ nhiều nền tảng học vấn và kinh nghiệm khác nhau, cởi mở và sẵn sàng đón nhận khác biệt để tìm hướng hợp tác tốt nhất.
Quan trọng hơn hết, họ được tạo cảm hứng bởi cách lãnh đạo kiểu mới, với những nhà lãnh đạo, nhà quản lý bước qua được cái tâm thế "chỉ tôi mới làm tốt nhất", gạt bỏ được cách nhìn "lũ trẻ còn non nớt", những người không quên chính tuổi trẻ của mình từng vật lộn tranh đấu chống lại những trật tự, quy định cũ lạc hậu, bước qua nỗi sợ trách nhiệm, đặt lòng tin của mình vào một thế hệ mới.
Những người biết rằng khơi gợi sáng tạo không nằm ở việc giao nhiệm vụ hay ra mệnh lệnh, hay bỏ ra một số tiền, mà phải bằng việc nhà lãnh đạo cam kết rằng tất cả những sáng kiến đều được tôn trọng, đánh giá đúng mức và hỗ trợ phát triển.
Và tuổi trẻ thì thời nào cũng vậy, đối diện một thực tại không ưng ý, họ không bao giờ ngồi yên chờ đợi sự thay đổi như chờ đợi một phép mầu đột ngột rơi xuống. Những làn sóng chảy máu chất xám là điều mà các quốc gia đang phát triển đã "thấm đòn" hơn hết.
Không có chốn để thỏa sức chơi, những người trẻ sẽ đi chỗ khác chơi. Không có đất cho những sáng tạo, họ sẽ tìm đến đất mới để ươm mầm. Mà Việt Nam thì đang cần những người như Vinh hơn bao giờ hết, chúng ta cũng cần những làn sóng "youthquake" hơn bao giờ hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận