16/10/2024 18:44 GMT+7

Thiếu cơ chế cho đầu tư điện gió ngoài khơi, điện khí, nhà đầu tư sốt ruột

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thúc đẩy dự án điện gió ngoài khơi, điện khí để đáp ứng tiến độ Quy hoạch điện 8.

Nhà đầu tư sốt ruột thiếu cơ chế cho đầu tư điện gió ngoài khơi, điện khí  - Ảnh 1.

Tọa đàm lấy ý kiến về Luật Điện lực (sửa đổi) - Ảnh: T.NG

Ngày 16-10, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức tọa đàm Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần nghị quyết 55 và kết luận 76.

Lĩnh vực mới cần cơ chế thí điểm

Theo TS Nguyễn Quốc Thập, chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc sửa đổi Luật Điện lực giúp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào ngành năng lượng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, nguy cơ không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án.

Từ thực tế triển khai, ông Nguyễn Tuấn, trưởng ban thương mại của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), cho rằng dự thảo luật hiện chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục cho điện gió ngoài khơi. Thiếu cơ chế để phát triển các dự án bền vững. Có những khoảng trống pháp lý cho xuất khẩu điện gió ngoài khơi; không tạo đòn bẩy để đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, các dự án điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới ở Việt Nam rất cần cơ chế thí điểm. Do đó, PTSC kiến nghị dự thảo luật cần giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân kỳ các giai đoạn.

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp thẩm quyền, thủ tục phê duyệt chủ trương; thí điểm các dự án.

Tương tự, TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ ra các vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi.

Đó là chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát.

Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện. Các vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài...

Vì vậy, ông Toán đề xuất kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, với quy mô ở mức 1.000 - 2.000 MW. Việc thí điểm thực hiện ở khu vực biển Quảng Ninh hoặc Bình Thuận - hai khu vực có sức gió tốt, gắn với khảo sát sơ bộ, thời gian, diện tích, vốn, quá trình quản lý - nghiệm thu - đánh giá.

Triển khai dự án điện khí mất gần chục năm

Đối với lĩnh vực điện khí, ông Nguyễn Duy Giang, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), chia sẻ các dự án điện khí được công ty chuẩn bị trong 8 năm, nhưng riêng làm thủ tục mất 2/3 thời gian.

Đến nay, PV Power mới triển khai được dự án Nhơn Trạch 3 và 4, nên ông Giang cho rằng nếu không thúc đẩy cơ chế mua bán điện thì không thể đẩy mạnh phát triển các dự án điện khí LNG. Vì vậy, cần đề xuất mô hình tài chính các dự án bắt buộc phải có hợp đồng mua bán điện PPA.

Còn theo ông Đinh Đức Mạnh, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), các nhà đầu tư dự án điện khí LNG đang thực hiện theo hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình một nhà máy một kho cảng. Điều này không thể tối ưu chi phí để giảm giá thành điện, có thể rủi ro không kịp thời triển khai các dự án, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Trong khi đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) không có quy định về việc xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng LNG theo chuỗi gắn với kho cảng LNG trung tâm.

Cùng đó, dự luật không có điều khoản quy định đối với các dự án năng lượng xanh hydro, ammoniac, nguy cơ khiến các nhà đầu tư không có cơ sở để triển khai nghiên cứu và đầu tư các dự án, dẫn đến rủi ro phá vỡ Quy hoạch điện 8.

PV Gas kiến nghị phát triển chuỗi dự án sản xuất khí hydrogen, ammoniac, từng bước thay thế khí tự nhiên trong sản xuất điện, tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí hiện hữu.

Ông Phan Tử Giang, phó tổng giám đốc Petrovietnam, cho biết để triển khai một dự án điện khí trung bình cần 7 - 8 năm, điện gió ngoài khơi 7 - 10 năm, do đó cần sớm hoàn thiện cơ chế, nhất là cơ chế thu hút đầu tư.

Vì vậy, cần cơ chế đầu tư và vận hành thông thoáng, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường điện.

Nhà đầu tư sốt ruột thiếu cơ chế cho đầu tư điện gió ngoài khơi, điện khí  - Ảnh 3.Điện khí gặp khó trong đàm phán hợp đồng

Nhiều dự án điện khí hiện đang gặp vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện do những cam kết sản lượng dài hạn, khiến cho cả chủ đầu tư và bên mua điện rơi vào bế tắc nếu không sớm có tháo gỡ từ các cơ quan chức năng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên