10/04/2013 06:06 GMT+7

Thiếu cảnh giác với chim cảnh

Ks NGUYỄN VĂN THƯỚC
Ks NGUYỄN VĂN THƯỚC

TT - Những thông tin về bệnh cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc ngày càng nóng lên và Bộ Y tế nước ta đã đưa ra bốn kịch bản phòng chống.

Thiếu cảnh giác với chim cảnh

TT - Những thông tin về bệnh cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc ngày càng nóng lên và Bộ Y tế nước ta đã đưa ra bốn kịch bản phòng chống.

6SLx4lxx.jpgPhóng to
Bán chim cảnh dạo trên đường Hồng Hà, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh

Trong khi đó người dân có nỗi lo từ đàn chim cảnh đang nuôi nhốt khắp các đô thị, khu dân cư trong nước và cả các loài chim nước hoang dã được bày bán công khai ở các chợ, hay dọc nhiều tuyến lộ liên tỉnh, liên huyện ở đồng bằng sông Cửu Long như chích cò, le le, cúm núm... Biết đâu chừng chúng có thể là trung gian của nhiều bệnh cúm nguy hiểm mà ta chưa phát hiện?

Theo các nhà khoa học, chủng cúm gia cầm H7N9 này bắt đầu từ chim hoang dã. Về bản chất, chủng cúm H7N9 có tám đoạn gen, đều có nguồn gốc từ ba loại virút từng làm gia cầm nhiễm bệnh nhiều nơi trên thế giới và được phát hiện trong chim hoang dã ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Chim cảnh, chim nước ở nước ta hầu hết đều có nguồn gốc từ chim hoang. Nhưng đáng lo hơn là trong điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc nhân tạo còn nhiều khiếm khuyết thì chúng khó tránh khỏi khả năng tự đề kháng với dịch bệnh bị hạn chế, nguy cơ lây nhiễm virút cúm mà ta không biết sẽ càng cao.

Mặt khác, các nhà khoa học cho biết do loại virút cúm gia cầm mới H7N9 khi lây nhiễm cho một số gia cầm có thể không gây ra những triệu chứng dễ nhận biết nên khả năng phát hiện còn khó hơn virút H5N1. Điều này rất đáng lo vì chim cảnh sống chung trong cộng đồng, hay chim nước hoang dã bị bắt bán ở chợ hằng ngày vẫn gần gũi bên con người, làm sao biết con nào nhiễm bệnh hay không bệnh để phòng tránh?

Hơn nữa, theo nhiều nguồn thông tin của các nhà khoa học, có khả năng chủng cúm H7N9 hiện tại “dường như đã biến đổi gen để có thể lây lan sang những động vật khác dễ dàng hơn. Những động vật này có thể trở thành vật chủ để phát tán virút rộng khắp trong cộng đồng người”. Nếu đúng như thế và hiện Trung Quốc đến ngày 9-4-2013 chỉ mới mắc bệnh 31 người nhưng đã có 6 người tử vong và còn nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch, đây quả là con số đáng suy nghĩ và thật sự đáng lo đối với đàn chim cảnh, chim nước đang bày bán ở nước ta.

Đừng quên rằng ngoài thiên nhiên, các loài chim cảnh tuy nhỏ bé nhưng là những “chiến sĩ” cần mẫn vô cùng hữu ích. Chúng là những loài chim săn mồi, tự tìm bắt những loài côn trùng chuyên gây hại mùa màng, tàn phá cây rừng để làm thức ăn, giúp nhà vườn chống lại các loài sâu hại đục cành đục trái, bảo vệ chồi non và hoa quả non vừa hình thành trước nhiều loài dịch hại đang chực chờ tấn công. Nhưng trong điều kiện nuôi nhốt, dùng thức ăn công nghiệp, chim cảnh mất sức đề kháng nên có khả năng dễ nhiễm nhiều virút và là mầm mống lan truyền những bệnh cúm nguy hiểm mà ta chưa thể biết được, nhất là vào những mùa dịch bệnh.

Trước tình hình bệnh cúm H7N9, chim cảnh là nỗi e ngại thật sự cho những láng giềng muốn được an toàn tuyệt đối.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp để chủ động phòng chống cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người như cần giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở phải thông thoáng, dùng thực phẩm an toàn, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng, tuyệt đối không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc...

Tuy nhiên lại không nhắc gì đến con đường lây nhiễm từ chim cảnh, chim nước bày bán và chưa có giải pháp gì được đề xuất cho các đối tượng trung gian rất gần gũi hàng vạn người đang hằng ngày phải tiếp xúc, chăm sóc chúng thì thật là thiếu... cảnh giác!

Ks NGUYỄN VĂN THƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên