Thiếu cân đối trong tài trợ cho nghiên cứu khoa học

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 05/07/2010 15:07 GMT+7

TTCT - Trong quá khứ, đã có nhiều phàn nàn về sự thiếu công bằng và minh bạch trong việc phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học (NCKH). Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời nhằm khắc phục những khiếm khuyết này. Nhìn lại một năm hoạt động của quỹ, sứ mệnh đó đã đạt hay chưa?

 
 

 Việt Nam có gần 10.000 giáo sư, phó giáo sư, nhiều vạn tiến sĩ, nhưng mỗi năm có chưa đến 1.000 công trình khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. 

So với các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia, chúng ta có nhiều giáo sư hơn, nhưng số công trình khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, số bằng sáng chế rất ít.

Một trong những lý do khiến tình trạng khoa học nước ta còn thấp kém là bất cập trong quy trình phân phối tài trợ cho NCKH, nơi các tiêu chuẩn tuyển chọn và nghiệm thu chưa thật sự minh bạch, tiêu chuẩn về chất lượng nghiên cứu và sáng tạo trong khoa học chưa được áp dụng. 

Hệ quả là người được tài trợ không cho ra sản phẩm như mong muốn, còn người có khả năng thì không có tiền làm nghiên cứu. Cơ chế đó một mặt gây lãng phí tiền của dân, mặt khác làm chùn bước các nhà khoa học có khả năng.

Ngành khoa học và chức danh

Năm 2009, Nafosted phê chuẩn 321 đề tài NCKH. Trong đó, ngành có nhiều đề tài nhất là vật lý (83 đề tài, chiếm 26%), kế đến là ngành y sinh học (60 đề tài, 19%), hóa học (57 đề tài, 18%), toán (46 đề tài, 14%) và khoa học Trái đất (38 đề tài, 12%). Các ngành khác có ít đề tài như khoa học máy tính, cơ học.

Con số đề tài không nói lên quy mô tài chính. Vì Nafosted không công bố số tiền tài trợ cho từng đề tài nên chưa biết ngành nào được cấp nhiều nhất hay ít nhất, ngân sách quân bình cho mỗi công trình khoa học là bao nhiêu. Đây cũng là một điều chưa được minh bạch. Cần nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta công bố cả số tiền tài trợ và số năm thực hiện.

Phần lớn người chủ trì đề tài nghiên cứu là tiến sĩ. Trong số 321 người chủ trì, có 151 người (chiếm 47%) có bằng tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học. Số người chủ trì đề tài có chức danh phó giáo sư là 91 (28%), số còn lại là giáo sư với 79 đề tài (25%). Không có ai là thạc sĩ làm chủ trì đề tài nghiên cứu.

Phần lớn các đề tài NCKH được tài trợ do các viện hoặc trung tâm nghiên cứu đảm nhận (trong 321 đề tài, số đề tài do các viện/trung tâm chủ trì chiếm 56%, các đại học chiếm 44%). 

Nhưng sự phân phối này khác biệt giữa các ngành NCKH. Viện/trung tâm có nhiều đề tài thường tập trung vào ngành vật lý (53%), toán (54%), hóa học (58%), khoa học Trái đất (63%) và y sinh học (67%). Đại học có tỉ lệ trội trong các ngành như khoa học máy tính (56%), cơ học (63%). 

200 tỉ đồng là mức vốn hoạt động tối thiểu mà Chính phủ cam kết đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước cho Nafosted hằng năm. Nếu quỹ hoạt động hiệu quả và có nhu cầu thật sự, kinh phí ngân sách cấp cho quỹ có thể lên đến 500 tỉ đồng hoặc hơn nữa.

Mất cân đối vùng

Trong tổng số 321 đề tài khoa học được tài trợ, các trung tâm phía Bắc chiếm 285 đề tài (89%), gấp gần 14 lần số đề tài từ phía Nam (21 đề tài, 6%), miền Trung với 15 đề tài (5%). Tỉ lệ áp đảo của các trung tâm phía Bắc hiện diện trong tất cả các ngành nghiên cứu. Có ngành như khoa học Trái đất, 100% đề tài được tài trợ là của các trung tâm phía Bắc. 

Trong 21 đề tài mà các nhà khoa học phía Nam được cấp tài trợ, chỉ có hai đề tài liên quan đến y sinh học (còn lại là hóa học với sáu đề tài, vật lý bảy đề tài, cơ học bốn đề tài và toán một đề tài). Thực tế trước đây cho thấy phần lớn những nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam xuất phát từ TP.HCM.

Các phân tích trên đây cho thấy các viện/trung tâm nghiên cứu vẫn đóng một vai trò quan trọng bên cạnh các trường đại học. Điều này có lẽ là một đặc thù lịch sử của Việt Nam, vốn theo tổ chức khoa học của Liên Xô cũ. 

Ở các nước phương Tây, đa số dự án nghiên cứu là từ các trường đại học, ngay cả các viện cũng liên kết hay hợp tác với các trường đại học để NCKH. Sự liên kết giữa viện nghiên cứu và đại học có thể gia tăng năng suất khoa học và giảm những chi phí không cần thiết.

Có lẽ do quy định của Nafosted nên không có ai chủ trì đề tài nghiên cứu có bằng cấp thấp hơn tiến sĩ. Theo tôi, đây là một điểm yếu của Nafosted. Không có lý do gì không cấp tài trợ cho các nhà khoa học với bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, bác sĩ... Một khi là vấn đề khoa học, ai có sáng kiến giải quyết và khả thi - bất kể người đó có bằng cấp gì - thì phải tài trợ cho họ. 

Trong những guru (bậc thầy) mà tôi ngưỡng mộ, ông L. Riggs và bà E. Barrett-Connor đều không có bằng tiến sĩ, nhưng tri thức và đóng góp của họ cho nội tiết học thuộc vào hàng đẳng cấp, họ là bậc thầy của bậc thầy. Viện Garvan (Úc) có ông D. Chisholm cũng chưa có bằng tiến sĩ nhưng ông đào tạo biết bao người có tài, tên ông được đặt cho quỹ học bổng. 

Do vậy, cần xem lại điều lệ Nafosted, nên mở rộng tài trợ nghiên cứu cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào ở Việt Nam để họ có cơ hội đóng góp vào khoa học nước nhà. Bởi dù là vì lý do gì, sự bất cân đối này có thể là một rào cản khiến khoa học Việt Nam khó vươn lên và phát triển cũng như khó huy động được trí lực của toàn quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận