Thiết thực hơn cho người khuyết tật

NGUYỄN THẢO HIẾU 22/05/2014 05:05 GMT+7

TTCT - “Người khuyết tật có quyền thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng” là chủ đề trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người.

“Các bác, các cô ơi, chúng cháu ngồi phía sau chẳng thấy gì cả!” - Ảnh: N.T.H

Tại VN, Bộ Giáo dục - đào tạo phối hợp cùng Liên minh Chiến dịch toàn cầu vì giáo dục tại VN phát động và tổ chức sự kiện này trong một tuần, từ ngày 6 đến 13-5.

Vì sao lại phải tổ chức những ngày như vậy cho một đối tượng mà về lý thuyết luôn được cả xã hội quan tâm chăm sóc? Ở VN đã có luật cho người khuyết tật, có cơ quan quản lý chuyên trách, có hiệp hội và nhiều tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ... Nhưng thái độ phục vụ và cách thức ứng xử với người khuyết tật là một thực tế đáng buồn.

Những rào cản

Những ai có con không may bị khuyết tật và phải làm những thủ tục để xin được trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước hẳn sẽ thấm thía tinh thần phục vụ từ cơ quan công quyền cấp phường thế nào. Cùng một nghị định quy định những điều kiện, thủ tục phải làm, nhưng không phải nơi nào cũng hướng dẫn giống nhau và mức độ nhiệt tình hướng dẫn cũng thật khác.

Một phụ huynh có con bị tự kỷ ở Phú Nhuận cho biết tự kỷ được cán bộ giải thích là không thuộc diện khuyết tật, sau đó lại nói là quy định mới chấp nhận, nhưng không thừa nhận em này thuộc diện “không tự chăm sóc bản thân được” vì em đi lại được.

Trên thực tế em đi lại được nhưng rõ ràng đi lại được với tự chăm sóc bản thân là hai chuyện khác nhau rất xa. Có phường đồng ý với giấy khám sức khỏe của trung tâm y tế cấp quận, nhưng có nơi đòi hỏi phải đi kiểm tra tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM... Một quy định mới rất tiến bộ của Nhà nước là phụ huynh chăm sóc trẻ khuyết tật cũng được hưởng trợ cấp, nhưng trên thực tế các phường cho biết điều đó còn ở thì tương lai.

Mỗi lần phải đối diện với những sự kiện nào liên quan đến người khuyết tật, trong tôi lại hiện về hình ảnh người đàn ông trung niên tay cầm ống nước dài xịt xối xả vào những đứa trẻ tự kỷ đang tập đạp xe tại một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. Ông ta là chủ một khách sạn nằm cạnh một trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Ông ta bảo những đứa trẻ kia tập đạp xe làm phiền đến mình nên ông ta phải làm như vậy... Các cô giáo thì đứng khóc trước cảnh tượng ấy...

Có thể người đàn ông kia thuộc trường hợp dị biệt trong xã hội, nhưng nhìn rộng ra hơn một chút đây không phải trường hợp hiếm. Một lần đưa con đi khám bệnh tại phòng khám tư, tôi “chạm trán” với một nghệ sĩ khá nổi danh ở TP.HCM. Ông yêu cầu với các cô y tá được khám trước con tôi, một trẻ khuyết tật.

Khi cô y tá hỏi ý kiến, tôi nhẹ nhàng nói đủ to để ông ấy cùng nghe: Con tôi là trẻ khuyết tật, chỉ bị viêm họng thôi, nếu ông ấy mang trọng bệnh cần khám khẩn cấp tôi sẽ đồng ý nhường, còn không thì các cô cứ hành động theo lẽ thường tình. Không hiểu vì “nhột” hay vì lý do nào khác, tôi thấy nghệ sĩ đó bỏ đi.

Cần thay đổi

Trong cuộc sống hằng ngày đôi khi chúng ta phải đối diện những thực tế rất khác với những từ ngữ bay bổng trên nghị quyết, trong chính sách hay qua ngôn từ đầy hứa hẹn của người có trách nhiệm. Người ta nói rất nhiều về chuyện phục vụ, chăm sóc thiếu nhi nhưng trong hành động thì dường như quên mất.

Thử nhìn lại các chương trình biểu diễn văn nghệ cho thiếu nhi nhân dịp ngày lễ này ngày lễ kia chẳng hạn, hàng ghế phía trên với hoa và nước uống... dành cho đại biểu, quan chức. Còn các em ở phía sau, giỏi lắm là được cái ghế nhựa và ở tận đằng xa nữa, kiễng cả chân lên mà có xem được gì đâu! Ở TP.HCM có bao nhiêu bệnh viện áp dụng chính sách ưu tiên khám bệnh trước cho trẻ/người khuyết tật?

Những cuộc vận động, những chương trình mang tính hô hào cũng rất cần thiết để giúp xã hội... giật mình và quan tâm hơn đến những đối tượng kém may mắn. Nhưng cần hành động cụ thể hơn, thiết thực hơn là những chương trình chỉ mang tính phong trào.

Mọi người cần có cách ứng xử đúng mực với người khuyết tật chứ không chỉ là lời kêu gọi. Và điều quan trọng như bà Katherine Muller - Marin, trưởng đại diện UNESCO tại VN, đã nói: “Đảm bảo quyền và cơ sở vật chất bình đẳng cho người khuyết tật là nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển của nhân loại, chứ không phải là một đặc ân”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận