24/07/2020 12:10 GMT+7

Thiết kế nhà hát ở Thủ Thiêm: Cơ hội nào cho kiến trúc sư Việt Nam?

D.N.HÀ - THIÊN ĐIỂU
D.N.HÀ - THIÊN ĐIỂU

TTO - Các đơn vị tư vấn thiết kế Việt Nam "tâm tư" khi chủ đầu tư trình kế hoạch mời 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài dự thi tuyển phương án thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thiết kế nhà hát ở Thủ Thiêm: Cơ hội nào cho kiến trúc sư Việt Nam? - Ảnh 1.

Vị trí xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (ngay chân cầu Thủ Thiêm 2) - Ảnh: TỰ TRUNG

Sở Quy hoạch - kiến trúc đã có tờ trình UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án thiết kế công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo tờ trình, chủ đầu tư của dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch Thủ Thiêm (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM - gọi tắt là Ban quản lý dự án) sẽ mời khoảng 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm để tham dự cuộc thi.

Không công bằng cho các kiến trúc sư Việt Nam

Tiêu chí cơ bản để chọn đơn vị tư vấn thiết kế là: đơn vị tư vấn phải có năng lực hoạt động theo pháp luật Việt Nam, phải đặc biệt am hiểu về lĩnh vực thiết kế nhà hát, đã từng thiết kế công trình có quy mô và tính chất tương tự công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch (từng thiết kế các công trình tương đương, thiết kế nhà hát với khán phòng 1.200 chỗ trở lên).

Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà (Văn phòng kiến trúc sư H&P Architects) nói nhiều kiến trúc sư Việt Nam giống như anh, đều mong muốn với một công trình quan trọng, có tính biểu tượng văn hóa như nhà hát Thủ Thiêm thì kiến trúc sư Việt Nam sẽ có cơ hội chung tay.

Thực tế Việt Nam có nhiều kiến trúc sư có khát vọng và cách thức tiếp cận tiệm cận thế giới, nhưng đòi hỏi về kinh nghiệm thực tế đã tham gia công trình tương tự thì chưa có và nếu các cuộc thi khác cứ tiếp tục đòi hỏi kinh nghiệm thực tế kiểu này thì 100 năm nữa kiến trúc sư Việt Nam cũng không đủ điều kiện dự thi.

Theo anh, nếu lo ngại về kinh nghiệm thực tế của kiến trúc sư Việt Nam thì nên tổ chức cuộc thi thành hai giai đoạn, một cuộc thi ý tưởng trước rồi sau đó mới thi phương án cụ thể sau khi chấm ý tưởng. Các cuộc thi quốc tế hiện nay đều làm như vậy.

Còn cuộc thi thiết kế nhà hát Thủ Thiêm mặc định là tư vấn nước ngoài thì rất không công bằng cho các kiến trúc sư Việt Nam ngay trên sân nhà, đồng thời rất có thể vì đó mà ban tổ chức tự tước đi cơ hội có được những ý tưởng đột phá.

Anh Hà nói thêm, khi mà tính bản địa ngày càng được đề cao trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay để giảm thiểu những công trình "phi danh tính" thì sự tham gia của các kiến trúc sư bản địa đáng lẽ cần phải được khuyến khích trong những cuộc thi này.

Đòi hỏi kinh nghiệm nhưng liệu bỏ sót ý tưởng?

Theo nhận định của cá nhân, ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho rằng các đơn vị tư vấn Việt Nam tuy giỏi nhưng thực sự chưa có kinh nghiệm trong việc thiết kế loại công trình nhà hát hiện đại.

"Tôi cũng ủng hộ kiến trúc sư Việt Nam tham gia công trình nhưng hiện giờ chủ đầu tư đang tìm người thiết kế thực sự am hiểu, có kinh nghiệm thực tế nên mới phải mời những đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài. Thực tế đã có một số công trình do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, đường nét thì có nhưng cuối cùng đã không sử dụng được theo công năng" - ông Nhã trao đổi.

Còn kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM - cho biết: "Theo tôi, những điều kiện về kinh nghiệm mà cuộc thi đặt ra rất hợp lý. Ở TP.HCM đã từng có chuyện giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang đòi trả lại nhà hát cho TP vì không sử dụng được nhưng lỗi không phải ở đơn vị thiết kế...

Vì vậy, những công trình loại "đặc chủng" như Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch thì nên mời những đơn vị có kinh nghiệm đặc biệt. Thực tế, hiện nay đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài đủ điều kiện xây nhà hát giao hưởng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi".

Ở góc nhìn khác, ông Trần Huy Ánh - ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho rằng ban tổ chức có lý do của họ, ví như họ không muốn mạo hiểm mở rộng cuộc thi và rồi cuối cùng không tìm được phương án tốt nhất, khả thi.

Dù thông cảm, ông Ánh cho rằng đây là cách thi không ổn, cần phải loại bỏ ở các cuộc thi thiết kế các công trình quan trọng sau này.

Ông cũng nhắc đến trường hợp kiến trúc sư Đan Mạch Jørn Utzon khi thi thiết kế nhà hát Sydney cũng chưa từng có kinh nghiệm thực tế, nhưng cuối cùng ông thắng giải và công trình trở thành biểu tượng văn hóa của nước Úc và nhân loại.

PGS.TS Phạm Thúy Loan - viện phó Viện Kiến trúc quốc gia thuộc Bộ Xây dựng - thì có quan điểm trung lập hơn. Bà cho rằng việc thi có giới hạn đối tượng cũng khá phổ biến để ban giám khảo có thể lọc trước năng lực của đối tượng dự thi, rút ngắn thời gian trong quá trình chấm, chọn.

Thường ở các cuộc thi thiết kế công trình mang tính biểu tượng như nhà hát Thủ Thiêm thì đều phải xét năng lực, khi đó rất có thể phần đông các đơn vị tư vấn Việt Nam không đảm bảo điều kiện. Nhưng bà Loan cũng thừa nhận một thực tế là những ý tưởng hay không nhất thiết đến từ các đơn vị tư vấn lớn nên thi hạn chế đối tượng chắc chắn sẽ bị bỏ sót ý tưởng thú vị.

Ban quản lý dự án cho biết theo thông tư 13 năm 2016 của Bộ Xây dựng và Luật kiến trúc, hình thức thi tuyển kiến trúc thì không có thi tuyển ý tưởng thiết kế.

Cũng theo ban quản lý dự án, có hai đơn vị tư vấn Việt Nam liên danh với hai đơn vị tư vấn nước ngoài dự thi đã được đánh giá đủ năng lực và được mời tham dự cuộc thi.

(D.N.H.)

Xây nhà hát ở Thủ Thiêm: Đừng để chuyện bình thường trở nên Xây nhà hát ở Thủ Thiêm: Đừng để chuyện bình thường trở nên 'bất thường'

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng Thủ Thiêm đang nóng về việc đền bù, giải tỏa, không nên xây nhà hát ở đây. Thật ra trong quy hoạch và trên thực tế, mảnh đất quy hoạch xây nhà hát không nằm trong khu vực tranh chấp, đền bù ở Thủ Thiêm.

D.N.HÀ - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên