06/09/2019 10:22 GMT+7

Thiết kế mô hình, đồ chơi tái chế

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Tháng 10 năm ngoái, Nguyễn Hồng Minh (29 tuổi, Hà Nội) bắt tay vào dự án, lên mạng xã hội kêu gọi mọi người gom các vật liệu khó phân hủy khi thải ra môi trường như chai nhựa, giấy, túi nilông, giấy báo cũ...

Thiết kế mô hình, đồ chơi tái chế - Ảnh 1.

Hồng Minh bên mô hình rùa biển làm từ chai nhựa, giấy báo cũ - Ảnh: M.H

Các mô hình mà tôi tạo nên là những loài vật đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc ô nhiễm môi trường như sinh vật biển, các loài chim, loài vật sinh sống tại hai cực, với mong muốn đánh thức cộng đồng về vấn đề hạn chế rác thải khó phân hủy và ô nhiễm khí thải.

NGUYỄN HỒNG MINH

Đó là thời gian để Nguyễn Hồng Minh hoàn thành dự án của mình với 15 mô hình "siêu to khổng lồ" cùng các mô hình có kích thước vừa phải để trưng bày, đặt trên bàn. 

Các mô hình này mô phỏng những loài động vật đang gặp nguy hiểm do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng như tác động của con người như rùa biển, gấu trúc, chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi, cá ngựa...

11 tháng và những mô hình siêu to

Có người mang vật liệu tái chế đến tận nhà, cũng có người cho địa chỉ, Hồng Minh trực tiếp ghé lấy.

"Mình gom được khoảng 500 chai nhựa cùng giấy báo, bìa cactông, miếng xốp, túi nilông. Phòng riêng của mình chất đầy rác luôn. Gia đình ai cũng hết hồn, không hiểu mình đang làm gì với "núi rác" ấy" - Minh nhớ lại.

Minh dùng chai nhựa để tạo "khung xương" các con vật. Sau đó dùng giấy báo, bìa cactông xay nhỏ, trộn với hồ, keo để tạo thành một loại hỗn hợp sệt như đất sét và đắp hỗn hợp bột này lên các "khung xương" tạo hình thành các con vật.

Theo Minh, công đoạn làm bột giấy khá phức tạp. Giấy được cắt nhỏ, ngâm với nước cho mềm ra rồi xay nhuyễn bằng máy xay công suất lớn và chắt nước để có được bột giấy. Bột giấy trộn với keo sữa mới tạo ra hỗn hợp sệt mịn.

Các công đoạn Minh đều thực hiện một mình, riêng khâu cuối cùng là dùng sơn acrylic để vẽ các chi tiết của mô hình thì cô "rủ rê" thêm em, cháu trong nhà cũng như các học sinh từng quen qua các dự án tình nguyện đến vẽ chung.

"Các em vẽ theo trí tưởng tượng của mình tạo ra các mô hình rất dễ thương, sáng tạo. Làm việc chung với các em mình học hỏi được rất nhiều thứ" - Hồng Minh chia sẻ.

Hạn chế trước tái chế

Minh là một trong những tình nguyện viên tích cực của các dự án bảo vệ môi trường như bảo tồn rùa biển và môi trường tại Côn Đảo trong nhiều năm. 

Bạn cũng là người sáng lập và điều hành dự án Yêu đời - sử dụng tranh tường nghệ thuật nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.

Ban ngày bận rộn với công việc, tối về cô gái trẻ chong đèn tỉ mẩn biến núi rác thành các con vật. Không phải dân chuyên về điêu khắc, hội họa nên Minh gặp không ít khó khăn.

"Nhiều khi tính toán trọng lượng sai nên phải làm lại nhiều lần, như lúc mình làm gấu trúc đứng bằng hai chân thì cần chân phải chắc, nặng mới đứng vững được. 

Tuy nhiên, do làm phần chân yếu, khi đắp bột giấy vào gấu không đứng được nên phải làm lại "khung xương" nhiều lần. Cũng có mô hình xong xuôi hết, đang đợi bột khô thì mình lỡ đụng vào, hỏng phải làm lại" - Minh nhớ lại.

Với 15 mô hình kích thước "khổng lồ", Hồng Minh sẽ tổ chức một buổi triển lãm, nói về ý nghĩa quan trọng của việc giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần, về lợi ích của tái chế khi có thể cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Còn các mô hình, đồ chơi tái chế có kích thước vừa phải, Minh đã chuyển đến trưng bày ở một cửa hàng Zero waste phi lợi nhuận.

 "Các mô hình này mình không niêm yết giá, mọi người sẽ tự định giá, để lại một số tiền và mang mô hình về nhà. Số tiền này sẽ được dùng cho các hoạt động bảo vệ môi trường" - Minh nói.

Sau gần một năm thực hiện dự án, Hồng Minh chia sẻ tái chế rất cần thiết nhưng mục tiêu của cô là mong muốn mọi người cùng hạn chế, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần, túi nilông trước, sau đó mới đến tái chế. 

"Lượng nhựa và rác thải chúng ta thải ra mỗi ngày quá nhiều. Việc tái chế chỉ giảm thiểu một lượng nhỏ rác thải ra môi trường nên hiệu quả bảo vệ môi trường không lớn. 

Việc chúng ta cần làm ngay bây giờ là hạn chế, thay đổi thói quen, nói không với túi nilông, đồ nhựa dùng một lần. Mình không muốn mọi người suy nghĩ rằng cứ dùng thoải mái rồi sẽ có người tái chế" - Hồng Minh nhấn mạnh.

Cá ngựa "dải ngân hà"

Nhắc lại bức ảnh Sewage surfer của nhiếp ảnh gia Mỹ Justin Hofman miêu tả hình ảnh con cá ngựa quắp chiếc tăm bông ngoáy tai trong làn nước biển, Hồng Minh nói hình ảnh này cho thấy sự ô nhiễm nặng nề do rác thải nhựa gây ra cho môi trường.

"Tôi tạo ra con cá ngựa này từ những túi nilông cũ, miếng xốp lót máy và giấy bồi lên bề mặt. Cùng với tông màu xanh biển mát mắt và những họa tiết "dải ngân hà" ngẫu hứng, tôi muốn thể hiện niềm hi vọng rác thải sẽ được giảm thiểu ở mọi nơi" - Hồng Minh nói.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên