Khách du lịch nhận khẩu trang được phát miễn phí khi tham quan ở TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH
Tại hội nghị trực tuyến Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona đối với du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chiều 5-2 ở Hà Nội, các cán bộ du lịch địa phương, lãnh đạo các hội du lịch cũng các doanh nghiệp đều đồng loạt đưa kiến nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp lữ hành, vận tải du lịch, nhà hàng khách sạn…
Du lịch "mất tiền" lớn
Những con số thiệt hại lớn của ngành du lịch địa phương và của các doanh nghiệp làm du lịch được các đại biểu kể ra tại hội nghị chiều 5-2 cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn .
Phó giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Thị Thành An cho hay 60% đoàn khách đến Nghệ An dịp này đã hủy tour do dịch cúm corona.
Du lịch Đà Nẵng mất hơn 60% lượng khách. Trong tháng 1, Đà Nẵng giảm 33% khách so với cùng kỳ năm 2019.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai Hoàng Văn Tuyên cho biết khoảng 10.000 khách Trung Quốc đăng ký vào Lào Cai đã phải hủy; các khách sạn bị hủy 30-50% lượng đặt phòng kể từ khi dịch corona bắt đầu nóng ngay dịp Tết Nguyên đán.
Du lịch Hà Nội cũng bị thiệt hại nặng nề. Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu thống kê từ tháng 1 đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30-50%.
Kêu gọi doanh nghiệp đoàn kết, Chính phủ hỗ trợ
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai Hoàng Văn Tuyên cho biết thị trường mục tiêu của Lào Cai là khách Trung Quốc, nên ngành du lịch của tỉnh, các doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.
Có tới 15.000 người lao động hiện tham gia trực tiếp vào ngành dịch vụ du lịch của tỉnh. Tranh thủ những ngày ít việc vì dịch bệnh này, Hiệp hội Du lịch Lào Cai đang tổ chức đào tạo, tập huấn thêm nguồn nhân lực này.
Ngoài ra, Lào Cai cũng đang tính chú trọng chuyển thị trường du khách sang các nước khác, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và phát triển du lịch nội địa.
Tuy nhiên, với lượng lao động tham gia vào ngành du lịch lớn như vậy khiến thiệt hại đợt này ảnh hưởng tới rất nhiều người. Hiệp hội Du lịch Lào Cai cũng đề xuất Hiệp hội Du lịch Việt Nam có ý kiến lên Chính phủ xem xét giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải du lịch để gián tiếp hỗ trợ cho lực lượng lao động đông đảo trong ngành du lịch.
Nhiều doanh nghiệp và người làm du lịch cũng cùng gửi kiến nghị Chính phủ xem xét giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch nội địa phát triển hơn, bởi du lịch nội địa có tiềm năng rất lớn nhưng lại đang bị lỡ cơ hội bởi cạnh tranh kém với du lịch các nước xung quanh.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết ngành du lịch nội địa những năm qua đừng nhìn mỗi năm khách du lịch Việt Nam chi tiêu 15-16 tỉ đôla Mỹ cho du lịch ra nước ngoài. Nhưng với tình trạng mà khách du lịch Việt Nam đi Bangkok (Thái Lan) có giá bằng đi du lịch TP.HCM thì ông Bình cho rằng "đương nhiên khách đi TP.HCM làm gì".
Ông Bình cho rằng ngay từ lúc chống dịch hiện nay, ngành du lịch cần có kế hoạch kích cầu du lịch nội địa tốt và tập trung triển khai ngay. Cần phải coi du lịch nội địa là thị trường bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận