22/02/2023 19:29 GMT+7

Thiết bị đo nồng độ: Nên công khai để người bị phạt 'tâm phục khẩu phục'

Xung quanh câu chuyện người dân có quyền giám sát thiết bị đo nồng độ hay không, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng nên khuyến khích người dân tham gia, bởi đâu phải máy móc nào cũng tốt. Hơn nữa, có như thế người bị phạt mới tâm phục khẩu phục.

Thiết bị đo nồng độ: Nên công khai để người bị phạt tâm phục khẩu phục - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe ở Thanh Hóa - Ảnh: TT

Nhằm góp thêm một góc nhìn về việc đo nồng độ cồn, chuyên mục Bạn đọc làm báo giới thiệu các ý kiến phản hồi tiêu biểu sau đây:

- Xin thưa: Tôi là người ít khi uống rượu, cũng rất ghét bợm rượu ép rượu người khác. Nhưng cuộc sống rất nhiều lễ hội, công việc khó có thể không uống. Cũng như chính các cảnh sát giao thông cũng uống là chuyện bình thường.

Đã có lần từ tối hôm trước tôi uống 4 chén thấy hơi ngà ngà thì dừng lại. Sáng hôm sau đi làm hoàn toàn tỉnh táo từ sức khỏe thể chất và tinh thần. Tôi cũng luôn nghĩ trong người có bia rượu nên đi lại cần cẩn trọng hơn bình thường. Kết quả là bị phạt vài triệu.

Lần 2 uống nửa cốc bia gọi là có rồi dừng vì kiên quyết từ chối nhưng ra khỏi quán bia, đi đến chỗ vắng, bất thình lình bị cảnh sát giao thông ép xe yêu cầu kiểm tra giấy tờ và thổi nồng độ cồn. Kết quả là tôi bị phạt cao hơn lần trước?!

Tôi nghĩ: Đến pháp luật muốn truy tố tội phạm cũng cần lý luận, dẫn chứng, nghiên cứu thí nghiệm khoa học thấu tình, vì vậy nên khuyến cáo người dân được giám sát thiết bị đo nồng độ. Đến lúc đó người bị phạt sẽ tâm phục khẩu phục.

Ý kiến bạn đọc ANH TUANVN

- Mọi máy móc đều có thể xảy ra lỗi và lỗi càng cao là tùy thuộc chất lượng của thiết bị sử dụng có tốt không. Ngoài ra, việc xác định nồng độ cồn qua hơi thở sau khi ăn là có, do sự tiêu hóa tự nhiên mà có thể xảy ra sự lên men và mức độ nồng độ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào lượng và loại thức ăn đưa vào.

Điều này các chuyên gia chuyên ngành đã có giải thích nhưng nó không làm thay đổi ý thức của người dùng.

Vì vậy, việc xác định nồng độ cồn trong máu cần phải phân định theo hai loại gồm nồng độ nào được chấp nhận và nồng độ nào sẽ bị xử lý phạt chứ không thể quơ đũa cả nắm.

Theo tôi, khi có sự phản ánh của người dân và báo chí, các chuyên gia thì Cục Cảnh sát giao thông cần tham khảo và có cái nhìn thực tế.

Ý kiến bạn đọc VH

- Vấn đề lái xe sau khi uống rượu bia phạt là đúng rồi, nhưng vẫn còn trường hợp không chủ động uống, nhưng vô tình có một ít (thậm chí người đó họ còn không biết nữa).

Theo tôi nên xác định một mức tối thiểu nồng độ cồn có trong khí thở, mà lượng cồn này không ảnh hưởng đến hành vi của con người (ở một độ tuổi nào đó).

Có như vậy sẽ đơn giản hóa việc xảy ra tranh chấp hay phải đi thử nghiệm máu (như máy đo có sai số, người dân ăn thức ăn lên men có nồng độ cồn trong hơi thở nhưng trong máu không có hoặc là còn sinh học...) đồng thời khỏi làm mất thời gian, công sức của nhau.

Ý kiến bạn đọc Minh

- Theo như lời thiếu tướng Lê Xuân Đức, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông: "Đối chiếu pháp luật cho thấy không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ này". Xin thưa: Nếu chưa có quy định thì phải hoàn thiện quy định, vì người dân có quyền kiểm tra độ chính xác của máy thì mới "tâm phục khẩu phục".

Ý kiến bạn đọc Cường

- Người dân không cần kiểm tra nguồn gốc thiết bị đo nồng độ nhưng rất cần sự an toàn về lây truyền dịch bệnh từ các máy móc kiểm tra này, vì vậy rất cần sự cẩn trọng của người làm nhiệm vụ này, phải luôn thay mới ống thổi sau mỗi lần đo.

Ý kiến bạn đọc SG

- Đồng bào dân tộc thường có những món ăn lên men hoặc ướp rượu. Ví dụ như mắm cá, mắm thịt phải có rượu nếp chưa nấu (rượu hoẵng). Sau khi ăn đo máy nồng độ sẽ báo có nồng độ cồn trong hơi thở. Vậy sẽ thế nào?

Ý kiến bạn đọc Hoang Khoan

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Theo bạn, làm thế nào để người dân có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ máy đo nồng độ cồn, nhưng không ảnh hưởng đến việc thực thi chức trách của cảnh sát giao thông?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến phản hồi trong ngày qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

Chốt CSGT ngã 4 Hàng Xanh chặn, đo nồng độ cồn, phạt một loạt trường hợpChốt CSGT ngã tư Hàng Xanh chặn, đo nồng độ cồn, phạt một loạt trường hợp

TTO – Tối 17-5, đội CSGT Hàng Xanh phối hợp tổ 363 kiểm soát xe tại ngã tư Hàng Xanh đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn... Có trường hợp bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, giữ xe 7 ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên