TTCT giới thiệu cuộc trò chuyện với anh qua Skype.
Phóng to |
TS Nguyễn Trọng Hiền tại Nam Cực ngày 7-12 - Ảnh nhân vật cung cấp |
“Đi tìm dấu chỉ tay của vũ trụ lạm phát"
* Anh đã gắn bó với công tác quan trắc vũ trụ học ở Nam Cực từ năm 1992, và bây giờ lại đang ở Nam Cực đúng thời điểm nhân loại kỷ niệm 100 năm ngày con người đặt chân tới vùng cực nam băng giá này. Anh có thể nói gì về đợt quan trắc lần này?
- Nam Cực là nơi có điều kiện quan trắc thiên văn lý tưởng và cơ sở hạ tầng ở đây thật tuyệt vời. Cho nên được đến đây làm việc thường xuyên là một may mắn lớn cho cá nhân tôi. Công việc thì vẫn không có thay đổi gì lớn từ năm này sang năm khác.
Lần này, tôi đến trạm McMurdo, châu Nam Cực hôm 30-11. Sau đó bay vào Nam Cực vào ngày 2-12. Tôi làm việc tại đây trong ba tuần và sẽ trở lại California trước Giáng sinh. Những quan trắc về bức xạ nền vi ba của chúng tôi không phải chỉ được thực hiện trong thời gian tôi đang ở đây, mà đã bắt đầu từ năm trước và sẽ kéo dài thêm vài năm nữa. Công việc chính của chuyến đi lần này là tu bổ các thiết bị và lắp đặt thêm vài bộ phận mới.
* Nhóm nghiên cứu của các anh ở Nam Cực bao gồm những tổ chức khoa học nào?
- Tên của nhóm là Thí nghiệm Keck (tiền thân là BICEP) – là một hợp tác giữa bốn trường đại học Caltech và JPL (tức là Học viện Công nghệ California và Phòng thí nghiệm phản lực của NASA), Đại học Stanford, Harvard và Minnesota.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền là nhà vật lý thiên văn ở Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Anh nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ tại Nam Cực; nghiên cứu về cấu trúc vũ trụ thời kỳ sơ khai, về những vật thể ở giai đoạn vũ trụ hình thành. Hiện anh là trưởng nhóm thiết bị thiên văn tại khoa thiên văn và vật lý của Phòng thí nghiệm phản lực, Học viện Kỹ thuật California và NASA. |
- Mục tiêu của Thí nghiệm Keck là phát hiện mức độ phân cực trong bức xạ nền. Tuổi của vũ trụ ngày nay được xác định là 13,7 tỉ năm. Câu hỏi đặt ra là vũ trụ đã được hình thành như thế nào? Bức tranh chung là: vũ trụ được tạo thành từ những dao động lượng tử từ trong hư không. Các phỏng đoán lý thuyết cho rằng khi vũ trụ chưa đầy một giây, cơ chế lạm phát làm cho vũ trụ từ không có gì trở nên lớn gần bằng trái cam. Giai đoạn này gọi là thời kỳ vũ trụ lạm phát.
Gọi là thời kỳ nhưng chỉ kéo dài chưa đầy một giây. Trong khoảng thời gian từ zero giây đến chưa đầy một giây (thật ra là chưa đầy 1 phần tỉ tỉ tỉ tỉ giây), vũ trụ lớn bùng lên bằng trái cam! Giả thiết lạm phát thật ra giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề, một trong những vấn đề này là tính chất phẳng của vũ trụ. Và hơn thế nữa, quá trình lạm phát còn gây ra những hậu quả khác mà ngày nay ta có thể kiểm chứng được, đó là mức phân cực trong bức xạ nền. Công việc của chúng tôi với Thí nghiệm Keck vì thế thường được ví von là đi tìm dấu chỉ tay của vũ trụ lạm phát.
Giá trị thực tiễn của nghiên cứu chúng tôi về mặt khoa học là rất cao, nếu không nói là cao nhất. Kết quả nghiên cứu sẽ mang lại những nhận thức mới về thế giới quanh ta. Chúng ta có thể lấy một ví dụ tương tự, như phát hiện Trái đất xoay quanh Mặt trời của Copernicus.
Giá trị thực tiễn của phát hiện này, nếu ta hỏi ông bà chúng ta cách đây gần 500 năm khi Copernicus giải thích điều này, có lẽ họ sẽ... cười, họ còn biết bao chuyện khác để lo trong đời sống. Thế nhưng phát hiện này đã đưa lại một nhận thức mới về thế giới quanh ta, và đặt nền tảng đầu tiên cho sự phát triển khoa học và kỹ thuật. Chúng tôi đánh giá rằng những vấn đề nghiên cứu cơ bản của vũ trụ học, trong đó thí nghiệm của chúng tôi là một, cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng lớn lao như thế.
* Anh từng nói thế kỷ này vật lý thiên văn đang có những bước đi dài. Việc quan sát thiên văn của các anh có khác với trước đây nhiều không?
- Do tính chất công việc ngày càng phức tạp nên chúng tôi cần nhiều nhân lực hơn, chứ trước đây những lần nghiên cứu thế này, chúng tôi chỉ có khoảng hai, ba người thôi. Như hồi tôi ở Nam Cực năm 1992, thí nghiệm chỉ cần ba người: thầy, tôi và một cậu sinh viên. Chúng tôi làm đủ mọi khâu, từ chế tạo máy làm lạnh đến chế tạo máy cảm ứng hay thậm chí là phần điện tử.
Ngày đó kính thiên văn của chúng tôi có 1m, việc xếp đặt còn khá đơn giản, nhưng giờ với kính thiên văn 12m thì một vài người làm không nổi. Phần phân tích dữ kiện cũng vậy. Ngày trước dữ kiện đưa vào ít, chỉ cần máy điện toán sơ sơ cũng làm được. Nhưng với khối lượng dữ kiện lớn như bây giờ, đòi hỏi phải có những hiểu biết và kỹ năng chuyên sâu mới có thể phân tích được. Hơn nữa, không thể không nói tới chuyện cạnh tranh.
Trong khoa học cũng có cạnh tranh, mình phải có những quan sát tốt và chính xác hơn những đội khác, nên phải có nhiều người trong đội để chia nhau ra thực hiện các mảng công việc một cách hiệu quả. Nếu không, chắc hẳn sẽ bị loại ra trong cuộc chạy đua này.
Tự làm Tết cho mình!
* Anh có thể nói thêm về nhóm của anh hiện nay? Một năm anh có mấy chuyến đi nghiên cứu như thế này?
- Hiện thí nghiệm của chúng tôi có cả thảy tám người đang làm việc tại Nam Cực. Sẽ có các nhóm khác luân phiên đến để thay chúng tôi trong mùa hè, từ đầu tháng 11-2011 đến giữa tháng 2-2012. Sau đó vì thời tiết lạnh hơn, các chuyến bay vào Nam Cực sẽ ngưng lại, và chúng tôi chỉ để một nhân viên ở quá mùa đông để trực tiếp phụ trách phần quan trắc. Thường một năm tôi có ba chuyến đi: tới Nam Cực, đến đài thiên văn ở sa mạc Atacama, Chile và sang Mauna Kea, Hawaii.
* Có chuyến đi nào của anh trùng với ngày tết âm lịch không?
- Có. Cả thảy ba lần, năm 1993, 1994 và 2006. Lần đầu chỉ có nhớ nhà. Lần thứ hai tôi vừa mới về Việt Nam sau 13 năm xa cách. Lần thứ ba thì có trà và phở.
* Cảm xúc của anh khi đó?
- Tôi mê tết, mê từ nhỏ lận. Khi xa quê, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là tết. Lúc ấy tôi không biết khi nào mình mới trở lại quê nhà, nghĩ trong đời mình chắc sẽ không còn tết nữa. Những nôn nao, rộn ràng rất khó tả trong lòng, và con người thì cứ hân hoan từ lúc đưa ông Táo đi cho đến khi rước ông bà về. Lúc rời VN tôi mới 18 tuổi, cái tuổi tâm hồn dễ xúc cảm. Ngày tết vì thế là kỷ niệm đẹp của đời người - dầu chỉ là cuộc đời của tuổi 18. Vậy mà một thời gian dài, suốt hơn cả chục năm đi xa, tết đến tôi lại thui thủi ở một góc nào... “quê nhà xa lắc xa lơ đó...”. Nhưng tôi vẫn tin ở tết, tôi tin với cả tấm lòng.
Có lẽ vì thế mà sau này tôi mới ngộ ra: mình phải làm lấy tết cho mình. Ngày tết tới tôi mua hoa cúc, hoa đào, có khi có cả hoa mai (cây hoa vàng gọi là thôi, không phải mai thật). Có cả hoa lay ơn, chuối mốc. Tôi nghỉ làm ba ngày, đưa cả nhà đi chợ mua các thứ bánh mứt. Tôi mua lá chuối đông lạnh nhập từ VN để gói bánh tét. Chiều ba mươi vợ tôi luộc con gà, “gà thả vườn” hẳn hoi, nấu xôi rồi bày ra cúng ông bà. Mùi hương thơm bay thoảng, màu hoa cúc vàng tươi, tôi lên mạng tải xuống vài ba bài nhạc bolero, “con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề...” thế là ra ngày tết. Bánh tét nấu ngoài sân từ trưa, củi đốn từ cây trong vườn, nấu đến giao thừa thì vớt. Bánh vớt ra tỏa mùi thơm ngát giữa đêm giao thừa lạnh cóng.
Ủa mà chị hỏi sao, cảm xúc của mình khi đó, lúc ở Nam Cực à? Lúc đó, tôi nghĩ về gia đình. Còn năm nay tôi sẽ ăn tết ta ở nhà, ở Pasadena, thuộc nam California.
Là người Việt thì ở đâu cũng là người Việt
* Nhân nói đến chuyện người Việt có mặt tại Nam Cực, một công dân Việt Nam là chị Nguyễn Thị Minh Hồng đã cắm cờ ở Nam Cực, báo Tuổi Trẻ đã có thông tin về điều này, không biết anh có theo dõi?
- Tôi có biết. Công việc của chị Minh Hồng được giới thiệu rộng rãi như vậy là rất tốt cho việc thông tin về châu Nam Cực nói chung, và hi vọng nhờ vậy sẽ có nhiều người Việt biết về Nam Cực hơn. Với tôi, và với nhiều người nữa, mình là người Việt thì ở đâu cũng là người Việt. Ngoài chị Minh Hồng, sau này tôi thấy còn có chị Tạ Thị Xuân, đã ở nguyên một năm tại Nam Cực hồi 2004, anh Nguyễn Khuê cũng đã tới đây được ba lần...
Một chi tiết quan trọng là vùng ven biển châu Nam Cực (là nơi các anh chị ấy đến) khác với Nam Cực, là cực nam của Trái đất. Câu chuyện của Scott và Amundsen sẽ cho thấy điều này (*).
Tôi cũng muốn nói cho rõ, tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực. Tôi biết có ít nhất một người Việt đến Nam Cực, tức là vĩ tuyến 90 Nam, trước tôi. Đó là anh Bùi Văn Hiền (hay Hiển). Tôi không rõ thời điểm ban đầu mà anh Bùi Văn Hiền đã đến, chỉ biết là anh đã ở quá mùa đông 1997-1998 ở Nam Cực và là chuyên viên kỹ thuật về thông tin cho trạm Amundsen-Scott.
* Với những bạn trẻ yêu vật lý thiên văn, anh có nhắn nhủ gì với họ với tư cách một người đi trước nhiều kinh nghiệm?
- Tôi muốn các bạn trẻ ý thức rằng thiên văn đang ở trong kỷ nguyên vàng son của nó. Vật lý thiên văn thật sự là một chủ đề rất lý thú và có ảnh hưởng thiết thực tới đời sống của chúng ta. Ví như, máy chụp hình số ngày nay áp dụng những kỹ thuật phát triển cho các nhu cầu nghiên cứu thiên văn. Bộ môn này vẫn còn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực điện toán, máy tính, mạng...
Vật lý thiên văn giúp con người phát hiện những vấn đề nghiên cứu cơ bản, như về vật chất tối, năng lượng tối, sự hình thành và phát triển của các hành tinh... Đây là những câu hỏi xuyên suốt nền văn minh của nhân loại. Và đây là thời kỳ đầu tiên trong lịch sử mà con người có khả năng trả lời được những câu hỏi ấy - một cơ hội cực kỳ hiếm hoi trong quá trình phát triển khoa học!
* Xin cảm ơn, chúc anh thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận