Người trung niên hoặc lớn tuổi sáng sáng ho ông ổng, ho như quát, như đấm vào tai ta, tiếng khạc đàm cũng chát chúa như những nhát cuốc bổ xuống đá. Xong "cơn bão ho" họ thở hổn hển, mệt rũ người.
Người ngoại đạo bảo: Thằng chả ho lao, sợ quá! Bác sĩ nghe mô tả lại bảo: Viêm phế quản mãn tính. Sáng nào cũng "khai thủy" bằng trận "đại bác" ho rồi khạc, ai nghe chả khiếp. Dần dần họ ho không chỉ buổi sáng mà như "cuốc kêu" cả đêm.
Căn bệnh gì mà quái ác vậy?
Đó là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (chronic obstructive pulmonary disease- COPD). Tại sao lại có tên gọi như vậy? Bởi đơn vị cấu tạo phổi là những túi khí có tên gọi "phế nang". Bạn cắt phổi con vật thả vào nước thì nó nổi như cái phao là nhờ các túi khí. Phổi nối với bên ngoài bằng một hệ thống "giao thông" chia nhánh từ khí quản, phế quản, phế quản nhỏ. Khi đường giao thông này bị dị vật choán chỗ, đa số là đàm nhớt hay dầy lên vì viêm nhiễm, cơ thể sẽ có phản xạ ho nhằm tống chúng ra ngoài.
Giao thông bị "nghẽn mạch" thì không khí vào còn tạm, không khí ra rất khó khăn, các túi khí cứ phồng lên làm lồng ngực đầy mà cơ thể lại thiếu oxy trầm trọng. Người ta phải thở nhiều với hy vọng bù lại nhưng không bù được, gây khó thở. Toàn cảnh bức tranh "nghẽn hơi" của cơ thể là như vậy.
Vì đâu nên nỗi?
"Thiên tình sử" nghẽn hơi này đa số (80-98%) thường gặp ở những người hút thuốc lá lâu ngày và những người sống chung với "ống khói" được "nhận" khói thuốc miễn phí và bất đắc dĩ. Ở ta còn phải kể thêm một kẻ thứ hai là thuốc lào, chúng là bà con ruột thịt của thuốc lá. 142 chất độc từ khói thuốc đi vào phổi phá hủy thành phế nang, các túi chứa khí này dần dần bị nhăn nhúm lại. Phế quản bị trét một lớp khói quện với dịch nhầy nơi đây, dầy lên mỗi ngày theo "hành trình khói" để rồi chúng sần sùi, hẹp dần, mỗi lần thở ra không khí ứ lại trong phế nang, tạo ra "khí thũng phổi".
Khí quản cũng bị dầy lên, ứ đọng dịch nhầy. Sau một đêm ngủ người bệnh ngồi dậy là thấy vướng trong cổ. Một lượng dịch nhầy đọng trong khí quản khiến thần kinh nơi đây bị kích thích và phản xạ ho bắt đầu. Khói thuốc buổi tối còn làm thêm cái việc "sấy khô" chất nhầy ứ đọng nên họ phải ho từng cơn, ho dữ dội, ho vãi… đái mới bật được ra lượng đàm đã kết dính thành một lớp keo dán vào khí quản.
Ai chỉ cần nghe cơn ho của những "ống khói" cũng cảm thấy lồng ngực mình đang bị ép lại, dồn nén và muốn ngạt huống hồ là người trong cuộc. Vì "tắc đường" ra của khí nên không khí đọng lại trong phổi làm căng các phế nang. Thế là khí muốn "vào" để mang oxy chuyển cho máu làm gì còn chỗ. Não thiếu oxy thì choáng váng, ngủ gà, tim thiếu oxy phát tín hiệu SOS gây cơn đau thắt ngực. Các cơ thiếu oxy thì bải hoải không muốn hoạt động, Kết quả là chất lượng sống giảm hẳn.
Ô nhiễm môi trường với khói bụi công nghiệp, bụi đường, khói xe… được hít vào phổi thường xuyên cũng là tác nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Môi trường của ta thì khỏi nói rồi. Khói, bụi kể như ai cũng được "lãnh" mỗi ngày chưa kể bạn ở gần nhà máy xi măng hay khu công nghiệp thì hai cái ống thở được "vô số nhận" những hóa chất, tảng bụi mà đám lông mũi mềm mại kia chỉ có nước né sang một bên, cúi rạp xuống "mời" chúng cứ "tự nhiên" vào phổi.
Số ít là những người thường xuyên bị các bệnh nhiễm trùng phổi từ nhỏ như viêm phế quản hay dị ứng phổi như hen phế quản mãn tính. Số rất ít do bệnh lý di truyền thiếu alantitrypsin là yếu tố gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ô nhiễm thì kể như cả nước "dùng chung" vậy làm sao biết "ống thở" của mình mai này có tắc nghẽn? Với những "bợm hít" thuốc lá, thuốc lào hay người thường xuyên phải "chĩa phổi" ra hứng khói bụi nếu có triệu chứng ho và khạc đàm thường xuyên đặc biệt vào buổi sáng là bước đầu tiên của "tắc khí".
Có cách nào phòng được bệnh này?
Thuốc lá là nguyên nhân số một mà chả hiểu sao nhiều người không muốn bỏ, lớp trẻ đua nhau tập tành để chứng tỏ là "sành điệu". Bởi nicotin là chất gây nghiện, cắm sâu vào bộ não và toàn thân, muốn "ly dị" nó đâu có dễ. Nguyên nhân thứ hai là môi trường khói bụi độc hại. Muốn cải thiện lại phải cùng nhau nuốt chữ "nhẫn" để đợi chờ. Đầu năm chính phủ họp một phiên riêng về môi trường nhưng các quan từ địa phương đến trung ương vắng mặt khá đông cho thấy còn lâu lâu nữa chúng ta mới có cơ may giảm tỉ lệ mắc bệnh COPD, bây giờ dù biết là ô nhiễm cũng vẫn phải… thở. Có một cách mà phụ nữ nước ta sáng tạo là "bịt mặt". Vũ khí này rất lợi hại vừa tránh tia tử ngoại làm xấu da, vừa chống khói bụi. Mong là các anh cũng nên noi gương chị em, bởi "tránh bụi chẳng xấu mặt nào" lại còn không dính vào mối tình oan trái với bệnh phổi tắc nghẽn!
Đoạn kết của những người bị "tắc, nghẽn"
Tiếng thở khò khè, tiếng ho quang quác, khạc đàm khó khăn, lồng ngực di động kém và tình trạng suy hô hấp kéo dài sẽ làm mất hoàn toàn khả năng lao động. Họ sẽ trở về với cát bụi trong tình trạng suy hô hấp nặng hoặc suy tim kèm theo gọi là tâm phế mãn.
Theo thông báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện đã đứng hàng thứ tư về tỉ lệ tử vong (sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não). Cả thế giới có 600 triệu người mắc và mỗi năm họ "về bên kia xa lắm" chừng 3 triệu. Nước Mỹ hàng năm chi phí cho điều trị căn bệnh này tốn kém tới 32 tỉ USD. Châu Âu chi phí điều trị COPD mỗi năm chừng 38,6 tỉ Euro. Việt Nam ta có khoảng >3 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ngày càng gia tăng cùng với số người hút thuốc lá và tình trạng ô nhiễm môi trường. Tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn của ta là 6,7%, đứng hàng thứ nhất trong bảng “phong thần” ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận