22/10/2020 14:50 GMT+7

Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 3: Mất rừng, mưa lũ càng thảm khốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Người đàn ông lội nước đội tấm nệm trên đầu. Phụ nữ chở nồi niêu, xoong chảo trên chiếc xuồng cũ kỹ. Mấy thanh niên vội vã đắp con đê cát ngăn nước tràn vào các túp lều vách đất bị thủng...

Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 3:  Mất rừng, mưa lũ càng thảm khốc - Ảnh 1.

Di dời người chết trong lũ lụt tại Tapanuli, phía bắc đảo Sumatra cuối tháng 1-2020 - Ảnh: AFP

Mấy năm gần đây, những hình ảnh như thế đã trở nên quen thuộc ở các nước vùng Sahel châu Phi. Nhiều năm trước, vùng Sahel là thảo nguyên khô cằn do sa mạc xâm lấn. Mọi thứ ở đây đều thiếu thốn, nhất là nước. Còn bây giờ Sahel bị ngập lụt nặng, mưa dầm thối đất.

“Rừng đầu nguồn trên các lưu vực sông Niamey, Sirba, Dargole chảy sang Burkina Faso bị tàn phá ồ ạt để lấy gỗ làm than và củi.

GUILLAUME FAVREAU

Từ vùng khô hạn biến thành vùng mưa lũ

Mưa thường xuất hiện trên vùng Sahel vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 gây nhiều trận lụt thảm khốc, gieo tang thương cho hàng ngàn gia đình. 

Anh Ali, cư dân thủ đô Niamey (Niger), than thở: "Năm nào cũng vậy, chân cẳng dầm nước miết". 

Đầu tháng 9-2020, nước sông Niger tràn bờ, Niamey chìm trong nước. Lũ lụt đã làm 80 người chết, gần 32.000 căn nhà bị sập, 460.000 người bị ảnh hưởng, hàng ngàn hecta hoa màu bị thiệt hại trên cả nước.

Tại Sudan có 100 người chết, gần 71.000 căn nhà bị phá hủy và hơn 720.000 người bị ảnh hưởng lũ lụt. Sudan bị kẹt trong mưa lớn ở phía tây và nước sông Nile ở phía đông dâng cao đến 17,43m, mức cao nhất trong một thế kỷ. Trận lụt lớn nhất kể từ năm 1946 xảy ra. 

Tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được ban bố trong ba tháng. Tại Burkina Faso mưa xối xả nhiều ngày. Tình trạng khẩn cấp được ban bố hôm 9-9 khi số người chết lên đến 13 người. Nigeria đã có 30 người chết trong lũ lụt. Chad, Mauritania và Senegal cũng thế. Chỉ một ngày 5-9, lượng mưa đổ xuống thủ đô Dakar (Senegal) lớn hơn ba tháng mùa mưa.

Cách đây 11 năm, ai cũng cảm thấy sốc nếu trời mưa to. Ngày 1-9-2009, chuyện hi hữu xảy ra khi thủ đô Ouagadougou (Burkina Faso) nhận được 263mm nước mưa trong 12 tiếng. Các hồ chứa đầy tràn, 45 khu phố ngập lụt, 125.000 người bị ảnh hưởng. 

Anh Antoine nhớ lại: "Lúc đó tôi với vợ chỉ đủ thời gian ôm lấy đứa con trai rồi bỏ chạy. Nước lên rất nhanh, dâng cao 1,5m. Nhà sập luôn". Cùng ngày, mưa dữ dội đổ xuống miền bắc Niger gây ra trận lũ kinh hoàng.

Ở hầu hết các nước vùng Sahel, lũ lụt đều gia tăng cường độ, đặc biệt trong các thành phố lớn. Năm nay mưa lũ lụt vùng Sahel đã làm hơn 200 người chết, ảnh hưởng tới 2 triệu người. Vì sao một khu vực vốn khô hạn bị sa mạc đe dọa xâm lấn lại hứng chịu mưa lũ gây thiệt hại nặng nề như thế?

Yếu tố đầu tiên ai cũng nghĩ đến là biến đổi khí hậu. TS Luc Descroix - giám đốc nghiên cứu thủy văn tại Viện Nghiên cứu phát triển (IRD) của Pháp - lưu ý: "Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, từ năm 2005 đã có mưa với cường độ mạnh hơn ở vùng Sahel". Năm 2016, IRD ghi nhận Tây Phi ấm lên rõ rệt hơn các nơi khác với mức tăng hằng năm 1,2°C so với mức bình quân 0,7°C.

Nhưng yếu tố mưa lớn hơn không giải thích được vì sao lũ lụt gần đây thường xảy ra. TS Luc Descroix giải thích do các đợt hạn hán trong những năm 1970 và 1980, lượng mưa giảm từ 15-35% trên diện tích 4-5 triệu km2 và đất bị cằn lại. Từ năm 1995, lượng mưa trở lại mức những năm 1940. Lúc đó đất đã không còn khả năng hấp thụ hết nước mưa nữa nên dòng chảy của nước mưa mạnh hơn và lũ lụt kinh hoàng hơn.

Dòng chảy của lũ tăng lên còn liên quan đến việc dân số gia tăng, nông dân sử dụng đất nhiều hơn và giảm thời gian bỏ hoang đất, vì vậy đất không thể phục hồi các đặc tính ban đầu và không giữ được nước. Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách cũng không thể thoái thác trách nhiệm. 

Lấy ví dụ tại thủ đô Niamey, lòng sông Niger ngày càng bị cát bồi lấp cộng thêm tình hình xây dựng nhà cửa loạn xạ không đủ cơ sở hạ tầng thoát nước. Chính quyền địa phương nhắm mắt làm ngơ còn dân nghèo bám trụ các khu vực dễ ngập lụt bởi tiền đâu mua nhà nơi khác.

Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 3:  Mất rừng, mưa lũ càng thảm khốc - Ảnh 3.

Ngập lụt ở thủ đô Niamey (Niger) cuối tháng 8-2020 - Ảnh: AFP

Đất đồn điền thấm nước kém hơn đất rừng

Nhà thủy văn học Guillaume Favreau ở Viện Nghiên cứu và phát triển (Niger) đánh giá mưa lũ ngày càng dữ dội hơn có nhiều nguyên nhân tổng hợp, trong đó có vấn đề lòng sông bị bồi lấp do đất quanh Niamey bị xói mòn và đặc biệt là nạn phá rừng. 

Rừng đầu nguồn trên các lưu vực sông Niamey, Sirba, Dargole chảy sang Burkina Faso bị tàn phá ồ ạt để lấy gỗ làm than và củi. Các mỏ vàng và nạn phá rừng ở nông thôn còn làm cho sườn núi chông chênh hơn.

Một nghiên cứu mới công bố đã khẳng định mối liên hệ nhân - quả giữa lũ lụt ngày càng dữ dội với nạn phá rừng tại Indonesia. 

Tạp chí Ecology and Society (Mỹ) số tháng 8-2020 đã đăng nghiên cứu của 15 nhà khoa học Đức và Indonesia với đầu đề "Lũ lụt và thay đổi sử dụng đất ở tỉnh Jambi (đảo Sumatra): tích hợp kiến ​​thức địa phương và nghiên cứu khoa học".

Các nhà nghiên cứu nhận thấy do quá trình chuyển đổi sử dụng đất ​​rừng thành đồn điền trồng cọ dầu và cao su trên đầu nguồn đảo Sumatra, tần suất và cường độ lũ lụt đã gia tăng trên sông Tembesi thuộc tỉnh Jambi. 

Đây là địa phương có gần 800.000ha rừng bị chặt phá từ năm 1990-2013 để làm đồn điền. Nghiên cứu còn ghi nhận mực nước ngầm tại các đồn điền giảm thấp nên trữ nước ít hơn so với rừng, từ đó các đồn điền dễ bị ngập hơn sau khi mưa.

Ngoài ra, độ nén của đất trong các đồn điền cao hơn.

TS Christian Stiegler - đồng tác giả nghiên cứu - nhận xét: "Thay đổi mục đích sử dụng đất trên quy mô lớn dẫn đến đất bị nén chặt, từ đó đất hấp thụ nước mưa ít hơn và nước nhanh chóng chảy tràn trên mặt đất". 

Đồng tác giả Nina Hennings giải thích: "Độ nén chặt của đất có thể do xe vận tải hạng nặng gây ra hoặc lớp đất mặt bị mất do xói mòn. Khi đất bị nén, nước chỉ có thể ngấm từ từ".

Các nhà nghiên cứu còn ghi nhận lũ lụt càng nhiều, căng thẳng và xung đột xã hội càng tăng. Người dân đổ lỗi cho các công ty chủ đồn điền xây dựng cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ hướng dòng chảy vào khu vực cư trú của dân. Từ đó họ phản đối xây dựng đập bằng cách gửi đơn khiếu nại hoặc tổ chức rào chắn đường.

Các nhà nghiên cứu nhận định bảo vệ đất và cải thiện quy hoạch sử dụng đất là điều rất quan trọng để giảm thiểu tác động của lũ lụt. Họ đã trồng thử nghiệm nhiều giống cây tại một đồn điền cọ dầu ở khu vực đầu nguồn và nhận thấy nước đã thấm vào đất nhiều hơn chỉ 4 năm sau khi trồng cây. 

Đồng tác giả Clara Zemp giải thích: "Trồng cây (không phải cọ dầu) và tái sinh rừng tác động đến đặc tính của đất vì có thể làm giảm dòng chảy, từ đó giảm lũ lụt khi trồng độc canh cây cọ dầu".

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Göttingen (Đức), Viện Nông nghiệp Bogor của Indonesia (IPB) và Cơ quan Khí tượng quốc gia Indonesia (BMKG) cùng điều tra thực địa, phân tích dữ liệu, phỏng vấn nông dân, dân làng và chính quyền tỉnh Jambi từ năm 2012 - 2017.

Tác giả chính Jennifer Merten ở Đại học Göttingen giải thích: "Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc sử dụng đất và lũ lụt chỉ có thông tin rời rạc vì thường chỉ dựa trên phân tích của các ngành riêng lẻ. Vì vậy chúng tôi sử dụng tối đa dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả các quan sát từ người dân địa phương".

*************

Nhìn từ trên máy bay, thành phố Tacloban (Philippines) bị siêu bão Haiyan tàn phá tan hoang gần như 100%, thậm chí có người còn thốt lên: chẳng khác gì thành phố vừa bị ném bom nguyên tử...

>> Kỳ tới: Sự hủy diệt của siêu bão

Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 2: Lũ lụt và những giải pháp lâu dài Thiên nhiên cuồng nộ - Kỳ 2: Lũ lụt và những giải pháp lâu dài

TTO - Công ty môi giới bảo hiểm Aon (Anh) đã công bố báo cáo tháng 9-2020 với đầu đề "Tóm tắt thảm họa toàn cầu".

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên