TTCT - Từ thiện tốt thì phải minh bạch, nhưng minh bạch tuyệt đối chưa chắc đã tốt cho từ thiện. Ảnh: Little Lives UKĐại dịch Covid cách đây chưa xa, khi TP.HCM áp dụng quy định cách ly cao nhất, hàng trăm bác sĩ từ khắp nơi đổ về ứng cứu hệ thống y tế đang quá tải của thành phố. Có gia đình, cả bố cả con đều lên đường vào Nam. Những bác sĩ - hiệp sĩ từ khắp các miền đất nước đấy sau đó trở thành bạn của nhau.Trong thời điểm căng thẳng tột độ, có những cô những chị ở miền Trung nằng nặc đòi vào Nam, bất chấp cả quy định ngồi yên là yêu nước: ai nhờ gì làm nấy, ai cần gì, làm được là tui sẽ làm, chứ ngồi một chỗ nhìn đồng bào mình cơ cực quá, chịu không nổi. Những chi tiết đó, chỉ mới đây thôi, ai ai lúc đó cũng coi là chuyện bình thường, chuyện phải làm.Hoạn nạn tương cứuHay như trong tai nạn xe khách thảm khốc của nhóm hội lớp ở Phong Nha cũng thời điểm năm 2021. Khi các nạn nhân vừa được đưa đến bệnh viện (Việt Nam - Cuba ở Đồng Hới) thì đã dày đặc người dân thành phố đứng trước cổng, xếp hàng hiến máu. Tất cả thông tin họ nhận được chỉ thông qua các nhóm liên lạc trên mạng xã hội - không cần đến lời kêu gọi chính thức nào của ai.Nước mắt và từ tâm những thời điểm đấy là nước mắt thật, từ tâm không cân nhắc so đo. Hay như nước mắt của người đứng đầu Chính phủ trong những lần xuất hiện trên tivi mấy ngày gần đây khi họp trực tuyến đôn đốc các bộ ngành nhanh hơn nữa để cứu người dân các tỉnh phía Bắc đang gặp nạn bởi siêu bão Yagi.Đó là một phần những phẩm chất phổ quát của con người, và là nghĩa đồng bào của người Việt Nam. Trước hoạn nạn của đồng loại trong cùng quốc gia, với tư cách công dân, ai cũng thấy mình có một phần trách nhiệm tự thân để đóng góp. Nhưng đóng góp bằng cách làm bánh, đồ xôi, làm ruốc, chà bông… như cách các mẹ các chị trên cả nước đang làm để gửi đồng bào miền Bắc, hay làm bè tự chế để vận chuyển nhu yếu phẩm của nhóm thiện nguyện ở Hà Nội, lại là một phẩm tính đặc biệt của người Việt Nam, vì đã từng trong hoàn cảnh như thế, nên họ biết làm gì, ủng hộ gì có ích nhất cho đồng bào.Từ thiện là hoạt động giúp đỡ xuất phát từ sự tự giác của con người hướng tới những đối tượng, cá nhân, cộng đồng yếu thế, gặp khó khăn do nguyên nhân chủ yếu là khách quan. Về kinh tế, đó là quá trình tái phân bổ nguồn lực xã hội, mà nền tảng dựa trên tinh thần tự nguyện.Một KPI khó tínhCông cuộc thiện nguyện ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt cần được hiểu như một quá trình cung ứng hoàn chỉnh nhưng lại khó khăn hơn về mặt thực hiện và đo lường kết quả. Từ việc quyên góp tài chính, vật phẩm, đến mua sắm, đóng gói, vận chuyển, tập kết đến vùng cần, liên lạc với đúng người nắm thông tin, đưa được nhu yếu phẩm đến đúng nơi cần nhất, tất cả đều bị khống chế bởi thời gian quá ngắn, thiếu thông tin chính xác và không thể hoạch định được một kế hoạch đầy đủ.Ví dụ, không ai lường trước được nguồn vật phẩm quyên góp sẽ có được những gì, cũng như không thể có con số thống kê ở đâu thiệt hại bao nhiêu, đang có nhu cầu gì nhất, khi thiên tai chỉ vừa diễn ra xong. Trên thực tế, chưa có một lý thuyết nào đo đếm được hiệu quả của một đợt vận động quyên góp tính từ khâu đầu cho đến khâu cuối để đưa ra con số định lượng về tỉ lệ đầu vào/đầu ra của hoạt động thiện nguyện. Nên chúng ta phải chấp nhận tình trạng nhiều đoàn thiện nguyện hăm hở ra đi để rồi chính họ trở thành đối tượng... cần cứu giúp, do không lường được khó khăn của việc di chuyển, hay tình trạng một vùng ngập lụt có đường xe vào nhận được hàng núi đồ cứu trợ, trong khi vài km xa hơn lại có nhiều người thiếu đói.Cá nhân quyên góp ủng hộ, vì lòng cảm thông với đồng loại, vì nhu cầu tâm lý, bản tính hướng thiện, họ ít khi có nhu cầu lẫn khả năng kiểm soát được chuyện tiền, hiện vật ủng hộ của chính mình sẽ được sử dụng hữu ích đến mức nào. Tổ chức, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ vì tuân thủ cam kết trách nhiệm xã hội của mình, cũng chỉ có thể kiểm soát đến công đoạn tập hợp xong nguồn lực thôi.KPI công đoạn cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng nhất, tiền và hàng đến được đúng người, đúng chỗ, thuộc về các cá nhân, tổ chức, đoàn thể có đủ kỹ năng, có trách nhiệm, kinh nghiệm, nhất là uy tín. Trên thực tế, họ là những người chịu nhiều sức ép, cũng tức là chịu nhiều rủi ro nhất. Hình ảnh vượt bão lội bùn để cứu một em bé có thể gây được hiệu ứng cảm động đến cả hàng ngàn người, nhưng sẽ chẳng mấy ai để ý đến một nhân viên đếm kiểm, chuyển kho, giao nhận, ký tá tận tay người dân vùng thiên tai. Trong hoàn cảnh mọi công cụ hỗ trợ là tối thiểu, sai sót là đương nhiên, thì việc nhiều người trong số họ, khi kết thúc một đợt thiện nguyện, không được ai nhắc tới, đôi khi là may mắn hơn những người bị/được nêu tên trên… sao kê.Câu chuyện minh bạch ủng hộ là chuyện của cả ngàn năm, của cả thế giới, từ Đức Phật ra giới luật về thời gian nhận cúng dường, thời điểm thọ trai, cho đến giám mục nhà thờ bán thư ân xá luyện ngục, đến cả các chiến dịch cứu trợ tầm cỡ quốc tế, như của Liên Hiệp Quốc ở Dải Gaza, vẫn đang diễn ra. Có thiện nguyện thì sẽ có sai sót.Về mặt quy trình, quyên góp vì mục đích gì cũng đều cần kỹ năng, bài bản, cứu trợ nạn nhân thiên tai lại càng đòi hỏi cao hơn nữa, nếu không muốn nói là đòi hỏi cao nhất, do nhiều khi liên quan tới cả mạng người. Cần đúng thời điểm, đúng đối tượng, tường minh nhất có thể, và "khách hàng", ở đây là người và tổ chức đóng góp, thấy hài lòng cho lần đóng góp kế tiếp nữa, nếu có cơ hội tham gia.Với người ủng hộ cứu trợ, thứ họ mong muốn nhận được là sự hài lòng với bản thân vì đã làm được việc tốt, cảm giác được tôn trọng, ghi nhận, hay được tạo cơ hội để quảng bá, lan tỏa giá trị cá nhân hay tổ chức, như một phần của chiến lược truyền thông, và… ít bị làm phiền nhất có thể.Để đáp ứng mọi nhu cầu làm từ thiệnĐã có thời gian nhà nhà đi cứu trợ, người người đứng ra quyên góp, dẫn đến những hệ lụy đáng buồn do sự đơn giản hóa và cơ chế kiểm tra. Sự tập trung đầu mối các hoạt động quyên góp, ủng hộ cứu trợ vào các tổ chức, đoàn thể có chức năng, chuyên môn, kinh nghiệm, giải quyết được điểm quan trọng nhất là sự minh bạch.Tuy nhiên, nó lại cũng không thể tránh được một vấn nạn, xuất phát từ dải người ủng hộ quá rộng, từ em bé nhịn ăn sáng gửi 10.000 đồng cho đến nghệ sĩ, doanh nghiệp gửi hàng trăm triệu, thậm chí là tiền tỉ. Tất cả đều được giải quyết giống nhau về tiêu chí minh bạch là danh sách sao kê công khai trên mạng, trong khi với mỗi người, yêu cầu về quyền riêng tư, nhu cầu về sử dụng thông điệp ủng hộ là khác nhau.Không thể phủ nhận sẽ có những cá nhân, tổ chức cảm thấy phiền lòng khi nội dung tin nhắn ủng hộ của họ, sau khi được post rộng rãi bởi tổ chức chính danh đứng ra quyên góp, bằng cách nào đó, bị/được mạng xã hội, vốn là chốn nhiễu nhương, khai thác vì những mục đích hoàn toàn chẳng liên quan gì tới thiện nguyện, tạo ra cả một trào lưu phiền nhiễu, so sánh, soi mói, mỉa mai hoàn toàn không cần thiết và lãng phí nguồn lực vô cùng.Danh sách đóng góp công bố càng nhiều, dữ liệu để khai thác, bày chuyện thị phi càng lớn. Vô hình trung xảy ra một cuộc chiến vô bổ nhưng thu hút được nhiều tương tác, và có thể không khi nào kết thúc vì dữ liệu đầu vào luôn được làm mới. Nhiều người sẽ bị tổn thương, kể cả những người nhận ủng hộ, bởi trào lưu "check var người nổi tiếng làm từ thiện".Câu khẩu quyết "tốt khoe xấu che" trong trường hợp này không phải lúc nào cũng đúng. Không ít những nhà từ thiện lớn nhất lại là những người muốn ẩn danh hoàn toàn. Công khai tất cả, tuy là vô tình, sẽ đẩy rất nhiều người vào thế ngại ngần, không muốn đóng góp nữa. Như thế, tổ chức đứng ra quyên góp, vì sự minh bạch đại trà, vì sự vô tư rõ ràng của mình, đã đẩy cái khó về phía người ủng hộ. Đó không phải là chuyện gì sai trái, nhưng là điều nên được coi là phải cải thiện, thay đổi, vì người cho, và cả vì người nhận.Hay nhất là tổ chức đứng ra quyên góp phải đáp ứng được nhu cầu cho từng đối tượng "khách hàng". Lấy ví dụ, một lựa chọn "opt-out" đơn giản có thể được tuyên bố rõ ràng từ trước: Nếu quý vị không có yêu cầu gì khác, chúng tôi xin phép công khai thông tin về khoản đóng góp để lan tỏa cho nhiều người hơn. Còn nếu quý vị muốn công khai hoặc không công khai thông tin đóng góp đến mức độ nào, chúng tôi đều có thể đáp ứng.Để minh bạch, một cách văn minh, chứ không phải là sao kê, là động lực cho từ tâm được nuôi dưỡng lâu dài trong mỗi cá nhân.■ Với đa số, đây sẽ không phải là chuyện gì lớn lao vì số tiền mình đóng không bao nhiêu, tin nhắn ủng hộ cũng nghiêm túc, đàng hoàng, không phải bí mật riêng tư gì. Nhưng sẽ vẫn có những người cảm thấy họ đang bị làm phiền, dù đã làm điều thiện một cách tử tế. Thiểu số đấy, nếu nhìn ở khía cạnh khác, về số tiền ủng hộ, hay ảnh hưởng của họ trong xã hội, không nhỏ. Vì vậy, quyền riêng tư ở đây là rất quan trọng. Tags: Hoạt động thiện nguyệnTừ tâmNgười việt namQuyền riêng tưLàm từ thiện
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.