Phóng to |
Game online đã thực sự trở thành một nền công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng khó tin.
Theo báo cáo của các tập đoàn Game Trust và The Diffusion Group , từ nay đến năm 2008, ngành công nghiệp game trực tuyến khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 19% và doanh thu từ phí đăng ký sẽ vượt qua 1,84 tỷ USD vào năm 2008. Hàn Quốc dẫn đầu nhưng đang bị theo sát bởi Đài Loan và Trung Quốc.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Đất nước đông dân nhất thế giới này sẽ trở thành thị trường game trực tuyến lớn nhất thế giới vào năm 2007 với 42 triệu người chơi và giá trị thị trường ước đạt 10 tỷ USD.
Những câu chuyện thành công
Nếu gọi châu Á là thiên đường của game trực tuyến thì Hàn Quốc chính là vườn Thượng Uyển. Đất nước này có tới 3/4 số hộ gia đình sử dụng Internet băng thông rộng, ngoài ra còn có tới 25.000 tiệm game trực tuyến, thường được gọi là PC Baang. Cơ sở hạ tầng ấy, cùng với nét đặc thù của văn hóa Hàn, tạo nên một thị trường rộng lớn với 26 triệu người dùng Internet.
Ở Hàn Quốc, 54% số game thủ chơi các trò nhập vai trực tuyến. Vì thế, những game phổ biến thường có tới 150.000 người chơi online cùng lúc. Trên thị trường Hàn Quốc hiện có trên 200 game MMOG, trong đó riêng trò chơi nổi tiếng nhất Lineage đã mang lại doanh số 156 triệu USD trong năm 2003.
Một hiện tượng khác là trò StarWarcraft với hơn 5 triệu người chơi đã trở thành một môn thể thao quốc gia với các trận đấu được truyền hình trực tiếp và những game thủ xuất sắc được trả lương cao ngất ngưởng: 100.000 USD/ năm cộng với việc được bao ăn ở trong những căn hộ cao cấp.
Trung Quốc bước vào thị trường game trực tuyến muộn hơn nhưng đã bắt nhịp rất nhanh. Michael Tong, Giám đốc điều hành của NetEase, một trong các hãng phát hành game lớn nhất Trung Quốc cho biết, lý do lớn nhất khiến thể loại MMOG được phát triển mạnh là khả năng thu tiền.
Ông phân tích: “Các game một người chơi trên PC lâu nay rất phổ biến tại Trung Quốc. Vấn đề là không thể thu lời từ thể loại đó do nạn ăn cắp bản quyền. Internet đã thực sự thay đổi khuynh hướng này của thị trường vì để chơi được các game MMOG, người chơi phải có nhận dạng riêng (unique ID). Do đó, họ sẵn sàng đăng ký và trả phí”.
Mức phí NetEase thu của người dùng chỉ vào khoảng 3 - 4 USD/ tháng nhưng như thế cũng đủ để mang lại 54% trong tổng doanh số 12 triệu USD của quý 2-2005. Đây là một sự tăng trưởng đầy ấn tượng, lên đến 44% so với quý trước.
Hiện nay, NetEase đang vận hành 3 game, tất cả đều thuộc thể loại MMORPG, trong đó nổi tiếng nhất là trò Tây Du ký (Westward Journey) do hãng tự phát triển với hơn 3 triệu thành viên có đăng ký và thường xuyên có 130.000 người chơi online cùng lúc.
Theo phân tích của các chuyên gia game quốc tế, sự lên ngôi của thể loại game online trên nền PC ở châu Á chủ yếu là do yếu tố văn hóa.
Tại đây, các khu dân cư mọc lên san sát và nằm ngay trong đó là các điểm dịch vụ Internet. Các căn hộ thường chật chội và đông đúc. Hầu hết các gia đình không đủ khả năng tài chính để mua máy tính riêng hoặc không đủ chỗ để đặt máy.
Vì thế, tiệm game Internet với mức phí thấp trở thành điểm giải trí được ưa chuộng. Hơn nữa, văn hóa châu Á có tính cộng đồng cao hơn rất nhiều so với tại Mỹ, khiến các trò chơi MMORPG vốn đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần đồng đội cao dễ dàng thành công tại thị trường này.
Một yếu tố khác tạo nên sự thành công của MMORPG ở châu Á là sự nhất quán về nền chơi game, với sự thống trị của PC. Nếu như tại Mỹ, giới game thủ bị chia rẽ bởi các hệ máy khác nhau (PlayStation2 chiếm thị phần lớn nhất), thì tại hầu hết các nước châu Á, mua máy chơi game chuyên dụng là một sự xa xỉ và chiếc máy tính đa dụng là lựa chọn kinh tế hơn rất nhiều.
Cơn sốt game online ở châu Á mới chỉ bắt đầu. Nó hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng bên cạnh đó cũng bắt đầu xuất hiện những mặt trái.
Những hệ lụy
Sự kiện bi thảm gần đây nhất trong làng game Hàn Quốc là cái chết của game thủ Lee Seung Seop, 28 tuổi, thợ sửa chữa bình đun nước công nghiệp ở Taegu, thành phố lớn thứ tư của đất nước này.
Tối 5-8, sau 50 giờ chơi World of Warcraft liên tục tại một tiệm Internet cafe, anh gập người đổ xuống sàn nhà, mắt trợn ngược. Lee được đưa đến bệnh viện Taegu Fatima cấp cứu nhưng đã qua đời 3 giờ sau đó. Bác sĩ Park Young Woo tại bệnh viện trên cho biết: “Anh ta quá tập trung vào trò chơi, đến nỗi quên ăn quên ngủ. Nguyên nhân của cái chết là trụy tim do kiệt sức và mất nước”.
Cái chết của Lee Seung Seop xảy ra chỉ 3 tháng sau một bi kịch khác tại Incheon. Cha mẹ của một bé gái sơ sinh 4 tháng tuổi đã bỏ con ở nhà để ra tiệm Internet chơi World of Warcraft. Sự đam mê đã khiến họ quên cả thời gian và chơi liền một mạch từ 4g chiều đến 9g tối. Trong khoảng 5 giờ đó, bé gái đã bị nôn ngược và chết vì ngạt thở.
Nguyên nhân dẫn đến hai cái chết trên đều xuất phát từ chứng “ghiền” game online. Nó cho thấy sự nghiện ngập đối với những trò chơi trực tuyến tốn nhiều thời gian sẽ làm người chơi xao nhãng trách nhiệm hàng ngày trong đời thực và có thể dẫn đến các hậu quả bi đát. Tờ Korea Times cho biết, chính phủ Hàn Quốc cũng như bản thân các “con nghiện” cũng nhận ra điều đó và đang tìm cách giải quyết.
Theo thống kê của Cơ quan xúc tiến cơ hội số (KADO) do chính phủ Hàn Quốc thành lập, số người nghiện game online xin được cơ quan này giúp đỡ không ngừng gia tăng. Trong năm 2003, KADO đã tư vấn cho 2.243 trường hợp. Con số của năm 2004 tăng hơn gấp 4, lên tới 8.978 trường hợp. Còn năm nay, chỉ trong 8 tháng đầu năm, KADO đã hỗ trợ cho 6.271 người và dự đoán số người xin được trợ giúp của cả năm sẽ tăng vọt tới 12.500 người.
Biện pháp cai nghiện của KADO bao gồm các chương trình giải trí thay thế và liệu pháp nhóm đồng đẳng để làm giảm sự thôi thúc của cơn nghiện. Ngoài 40 cơ sở tư vấn đang hoạt động, cơ quan này dự kiến sẽ mở thêm nhiều cơ sở khác trên khắp đất nước bằng cách tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các tư vấn viên địa phương. KADO đã điều nhiều bác sĩ tâm lý tới các tiệm Internet để khảo sát người dùng, phân tích sâu hơn và thậm chí cảnh báo khách hàng về các nguy cơ của chứng nghiện game online.
Bộ Thông tin Hàn Quốc cũng đang triển khai chương trình xây dựng các trung tâm ngăn chặn chứng nghiện chơi game trực tuyến và nghiện Internet, đồng thời bổ sung các khóa học chống nghiện tại các trường đại học. Trong khi đó, mặt trái của thế giới ảo cũng đang dần bộc lộ tại đất nước láng giềng Trung Quốc. Ước tính, quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện có khoảng 2,5 triệu người nghiện Internet.
Báo chí Trung Quốc gần đây đã đề cập đến những trường hợp mê game trên Internet quá độ, một số em đã bỏ học, tự tử, thậm chí có trường hợp giết người. Vì thế, chính phủ nước này đã có những biện pháp quyết liệt để hạn chế chứng nghiện game online trong giới trẻ.
Mới đây, hôm 23-8, Trung Quốc đã ra thông báo về việc thử nghiệm hệ thống giới hạn thời gian chơi game trực tuyến và cho biết sẽ chính thức áp dụng vào tháng 10. Hệ thống này sẽ đo lượng thời gian chơi online của các game thủ và áp dụng hình phạt với người sử dụng quá 3 giờ. Khi vượt qua giới hạn này, số level giảm xuống còn một nửa, nếu vẫn tiếp tục chơi và thời gian chơi vượt quá 5 giờ, số level sẽ được giảm xuống ở mức thấp nhất có thể.
Bên cạnh các biện pháp hành chính cũng đã xuất hiện những liệu pháp y tế. Từ tháng 3-2005, một bệnh viện đặc biệt tại Bắc Kinh đã bắt đầu mở cửa đón các bệnh nhân mắc chứng nghiện game trực tuyến. Hầu hết các “con nghiện” ở độ tuổi từ 14 đến 24, bị mất ngủ, sút cân, mất bạn bè sau vô số giờ ngồi trước máy vi tính, thường là để chơi game trên mạng.
Tao Run, một bác sĩ tại đây cho biết: “Tất cả các em ở đây đã bỏ học vì chơi game hay ở trong các chat room mỗi ngày. Các em bị suy nhược, bồn chồn, sợ hãi, ngại giao tiếp, hoảng hốt và kích động. Ngoài ra, còn có chứng khó ngủ, tay bị run và tê cứng”.
Chi phí cho việc cai nghiện Internet không hề rẻ, lên tới 48 USD/ngày và phải kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Trong thời gian đó, các bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp, thuốc, châm cứu và tập thể thao như bơi và bóng rổ. Theo bác sĩ Tao, các liệu pháp này tương đối thành công, nhưng việc ngăn bệnh nhân tái nghiện cũng không phải dễ dàng gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận