01/01/2008 04:00 GMT+7

"Thiên đường" Cambridge!

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Cứ mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh xuất sắc trên thế giới lại nộp hồ sơ dự tuyển vào Đại học (ĐH) Cambridge (Anh). Họ chấp nhận tham gia cuộc cạnh tranh gay gắt chỉ vì muốn thực hiện được giấc mơ trở thành sinh viên của trường ĐH danh tiếng này.

oGV7vkm3.jpgPhóng to
Sinh viên đi lại chủ yếu bằng xe đạp tạo thêm cho thành phố Cambridge nét thanh bình quyến rũ - Ảnh: Hùng Thuật
TT - Cứ mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh xuất sắc trên thế giới lại nộp hồ sơ dự tuyển vào Đại học (ĐH) Cambridge (Anh). Họ chấp nhận tham gia cuộc cạnh tranh gay gắt chỉ vì muốn thực hiện được giấc mơ trở thành sinh viên của trường ĐH danh tiếng này.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Những tòa nhà cổ kính đứng uy nghi bên dòng sông Cam lững lờ đã níu chân chúng tôi ở lại TP Cambridge. Không ở khách sạn, chúng tôi đến hỏi xin tá túc ngay bên trong ký túc xá của ĐH Cambridge để khám phá thêm ngôi trường có lịch sử lâu đời thứ hai trong thế giới các nước nói tiếng Anh.

Buổi sáng, nắng vàng trải trên những thảm cỏ xanh mướt. Đi bộ dọc theo con đường trải đá xanh, chúng tôi đến khu ký túc xá trên đường Trinity. Đó là một tòa nhà bề thế có mái vòm nhọn lên cao. Cánh cổng gỗ án ngữ ở lối ra vào duy nhất cũ kỹ như thể sắp rời ra khỏi bức tường thành. Tâm, chàng sinh viên năm 2 ngành toán, rút ra chiếc thẻ từ quét nhanh qua cái khe nhỏ xíu ngay trước mặt. Cánh cổng tự động mở ra. Thì ra mặt sau cánh cổng là một khối sắt dày cộp, nặng nề, bảo vệ cho nét cổ kính được lưu giữ gần 500 năm qua của khung cửa gỗ.

Không thể tốt hơn

Chẳng có... bảo vệ nào xét hỏi mấy anh khách lạ. Tâm giải thích tất cả sinh viên ở đây đều được phép để khách ở lại trong phòng của mình, miễn không quá ba ngày. Nếu quá thời gian đó, sinh viên mới phải báo cáo với giám thị. Toàn bộ lối đi ký túc xá đều được trải thảm đỏ. Phía trên tường và trần nhà, đi đến đâu đèn tự động sáng đến đó nhờ hệ thống đèn cảm ứng.

Phòng Tâm ở tầng ba cùng với ba phòng khác. Mỗi phòng chỉ có một sinh viên ở. Với diện tích chừng 20m2, căn phòng của Tâm được trang bị đầy đủ giường, tủ quần áo, tủ đựng tài liệu, tủ lạnh, lò sưởi, ghế salon, bàn học... Internet được kéo đến tận phòng. Bốn sinh viên ở bốn phòng được dùng chung một nhà bếp rộng rãi, đầy đủ dụng cụ nấu ăn, một nhà vệ sinh và một nhà tắm. Tất cả đều được gắn lò sưởi hoạt động liên tục.

Song, Tâm cho hay mình chẳng ở trong phòng là bao. Phần lớn thời gian của Tâm gắn liền với việc học tập và những hoạt động khác của trường. ĐH Cambridge có đến 31 trường thành viên nhưng sinh viên cùng ngành ở các trường khác nhau vẫn học chung với nhau ở giảng đường. Một cách học khác khá đặc trưng của ĐH Cambridge là học nhóm. Theo cách học này, một buổi học sẽ gồm người hướng dẫn và hai hoặc ba sinh viên. Người hướng dẫn có thể là một nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc một người đang làm công tác nghiên cứu.

Trong các buổi học nhóm, sinh viên được đặt câu hỏi, thảo luận và củng cố lại những bài giảng đã tiếp thu được trên giảng đường. Bên cạnh đó, người hướng dẫn có thể sửa bài tập về nhà cho từng sinh viên. Thế Vinh, sinh viên năm cuối ngành kinh tế, cho biết thêm đây là cách học bắt buộc của trường chứ không phải là một việc làm hình thức. Nếu cả nhóm sinh viên không đồng ý với người hướng dẫn thì có quyền yêu cầu đổi người hướng dẫn.

Ngoài các giờ học cố định, ở lại thư viện học thâu đêm là chuyện hết sức bình thường, đặc biệt là những ngày cuối học kỳ. Và thư viện của ĐH đúng là nơi xứng đáng để sinh viên có thể "đắm mình" trong đó. Hệ thống lưu trữ hiện đại của thư viện đang cất giữ rất nhiều sách, tài liệu quí. Riêng thư viện trung tâm có hơn 5,5 triệu đầu sách, 1,2 triệu bản thảo, băng đĩa, tranh ảnh và một hệ thống dữ liệu điện tử. Phước Long, sinh viên ngành khoa học máy tính, cho biết bất kỳ cuốn sách nào xuất bản ở Anh đều có mặt trong thư viện này. Cứ mỗi năm, tổng chiều dài các dãy sách tăng thêm 1km. Vậy mà mỗi trường, mỗi khoa còn có thư viện riêng của mình để phục vụ sinh viên.

Sinh viên là số một

Các sinh viên VN học tại đây cho hay hầu như mọi yêu cầu của sinh viên đều được trường đáp ứng. Ngay cả tiền bạc, sinh viên cũng chẳng phải lo lắng nhiều. Tất cả sinh viên khi nộp hồ sơ dự tuyển đều đăng ký xin học bổng. Tùy trường hợp, sinh viên được trường mình học hoặc những tổ chức bảo trợ cấp học bổng lớn nhỏ khác nhau. Thục Huy, sinh viên năm 1 ngành toán, cho biết học bổng của mình lên đến 19.000 bảng Anh/năm. Một trường hợp khác là Nguyễn Thùy Trang, ngành công nghệ thông tin, cũng đạt được học bổng đến 75.000 USD. Nguyễn Việt Anh, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường, nói vui rằng tổng học bổng mà mình nhận được có thể sẽ xài không hết.

Những điều kiện lý tưởng ấy lý giải vì sao ĐH Cambridge luôn được xếp trong ba trường ĐH hàng đầu thế giới. Tổng số giải Nobel mà ĐH này giành được cho đến nay lên đến 82 giải, nhiều hơn bất kỳ một trường ĐH hay quốc gia nào ngoại trừ Anh và Mỹ. Và nơi đây cũng đã sản sinh cho nhân loại những thiên tài như: Isaac Newton, Charles Darwin, J. J. Thomson, Stephen Hawking...

Ngoài việc học, sống ở ĐH Cambridge cũng có nghĩa là sinh viên được hòa mình cùng nhiều lễ nghi "quí tộc". Điển hình là các bữa ăn. Chúng tôi may mắn được thưởng thức những bữa ăn cùng các bạn sinh viên ngay trong hall (nhà ăn lớn) của Trường Trinity, trường lớn và giàu có nhất ĐH Cambridge. Như phần lớn các tòa nhà ở ĐH Cambridge, hall là một nhà ăn lớn hình chữ nhật, được xây dựng theo kiến trúc Gothic với vòm nhọn cao vút lên không trung tạo một cảm giác uy nghi. Trên bốn bức tường, chân dung những vị vua gắn liền với lịch sử của trường và chân dung hiệu trưởng qua các thời kỳ được treo trang trọng.

Họ như đang nhìn thẳng, quan sát từng cử chỉ của tất cả sinh viên. Phía dưới, chạy dài theo tòa nhà là bốn dãy bàn ăn ấm áp dưới ánh đèn vàng dìu dịu dành cho sinh viên. Cuối hall, hai dãy bàn ngang kê cao hơn hẳn. Thục Huy giải thích dãy bàn này dành riêng cho các giáo sư, giảng viên mà sinh viên không bao giờ được ngồi. Giá cả mỗi bữa ăn ở đây đã được nhà trường hỗ trợ nên chỉ khoảng 1,5-2,5 bảng Anh và sinh viên được mời thêm tối đa hai khách.

Tiếp cận cuộc sống

Ấn tượng nhất là các buổi dạ tiệc (formal dinner hay formal hall). Đây là những buổi ăn tối theo nghi thức trang trọng để hướng cho sinh viên tiếp cận dần với cuộc sống. Dạ tiệc ở mỗi trường thành viên đều có một nét khác biệt. Quốc Bình, sinh viên ngành kỹ thuật, nói: "Các buổi formal dinner luôn hấp dẫn với cả sinh viên lẫn khách bên ngoài nên rất khó đăng ký. Thông thường, vé luôn được bán hết trong một vài giờ". Để tham dự dạ tiệc, sinh viên phải ăn mặc trang trọng. Chẳng hạn, Trường Trinity yêu cầu tất cả sinh viên nam tham dự phải mặc vest và đeo cà vạt.

Phần lớn các trường khác yêu cầu khách tham dự phải mặc thêm áo chùng bên ngoài. Áo chùng có những dấu hiệu để phân biệt người mặc là sinh viên ĐH, sau ĐH hay giảng viên, tiến sĩ, giáo sư...

Ở Cambridge còn có chương trình family scheme. Sinh viên từ năm 2 trở lên khi tham gia chương trình được xếp thành từng cặp nam nữ để "kết hôn" với nhau. Trường phân cho mỗi cặp "vợ chồng" này một hoặc một vài sinh viên năm 1 để làm "con". Quỳnh Trang, sinh viên năm 2 ngành kinh tế, giải thích: "Chương trình này giúp tăng cường quan hệ giữa các sinh viên trong trường. Quan trọng hơn, sinh viên năm 1 sẽ được nhận sự hỗ trợ của những người đi trước".

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên