Dự báo đến năm 2038 Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với khoảng 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số, đồng nghĩa cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.
Người già sống với nhiều bệnh tật
Theo ông Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, một nghiên cứu tại bệnh viện cho thấy người cao tuổi ở Việt Nam sau 60 tuổi mắc 2 - 3 loại bệnh, con số này tăng lên gần 7 loại bệnh ở sau tuổi 80.
Ngồi trên xe lăn, bà Trần Thị Hoa (85 tuổi, Hà Nội) được chị Mai - do gia đình thuê chăm sóc - dạo xuống khu đọc sách tại Bệnh viện Lão khoa trung ương (Hà Nội) thư giãn. Không còn được minh mẫn, câu chuyện của bà Hoa lặp lại trong tiếng thở phều phào.
Chị Mai nói bà đã điều trị nội trú ở bệnh viện hơn một năm qua. Bà mắc bệnh đái tháo đường, xương khớp, đãng trí tuổi già, hô hấp... Sinh được 2 người con, thế nhưng do công việc bận rộn, không có thời gian chăm sóc, bà lại mắc nhiều bệnh nên gia đình đưa bà vào viện điều trị cho yên tâm. Chị Mai được gia đình thuê túc trực săn sóc bà, cuối tuần gia đình sẽ vào thăm.
"Hầu hết người cao tuổi ở đây đều mắc cùng một lúc rất nhiều bệnh, có người nằm viện kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn...", chị Mai kể.
Không chỉ sống chung với nhiều bệnh tật khi tuổi cao, hiện nay nhiều người cao tuổi vẫn phải chật vật mưu sinh vì không có lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
21h đêm, sau giờ tan ca, ông Nguyễn Văn Sơn (67 tuổi, Hà Nội) mệt mỏi dắt xe vào phòng trọ nhỏ. Ông hiện đang làm bảo vệ trông xe cho một cửa hàng thời trang tại Hà Nội. Ông Sơn nói trước đây khi còn trẻ chủ yếu đi theo các công trình xây dựng làm thợ xây.
"5 năm gần đây sức khỏe sa sút, không còn đủ sức để dãi nắng dầm mưa nên tìm công việc khác. Qua công ty môi giới, tôi làm bảo vệ cho cửa hàng với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Công việc không nặng nhọc nhưng lương cũng chỉ đủ chi trả chi phí sinh hoạt, ăn uống mỗi tháng. Lắm lúc nghĩ nếu không may bị bệnh nặng chắc cũng chẳng có tiền mà điều trị", ông Sơn nói rồi thở dài.
Không chỉ ông Sơn, trên những con phố góc chợ vẫn dễ dàng thấy người cao tuổi làm việc với mức thu nhập ít ỏi để trang trải cuộc sống hằng ngày. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, có khoảng trên 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
Giải pháp nào cho già hóa dân số?
Các chuyên gia dự báo nếu năm 2023 cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi thì đến năm 2036 là hơn 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người. Tình trạng này sẽ còn đáng lo ngại hơn ở những gia đình sinh một con.
Theo ông Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, hiện nay Việt Nam cũng đối mặt tình trạng mức sinh thấp. Điều này sẽ tác động lên cấu trúc gia đình với mô hình "4-2-1" - tức 4 người là ông bà nội ngoại, 2 người là bố mẹ sẽ trông đợi vào sự chăm sóc của một người là con cháu trong gia đình.
Ông Anh cũng cho rằng người cao tuổi sẽ được chăm sóc tốt hơn, giảm chi phí hơn khi được người thân chăm sóc. Tuy nhiên, thực tế với cấu trúc gia đình hiện tại, người già cần có hệ thống y tế và đội ngũ trợ giúp phù hợp trong tương lai.
"Trước khi trở thành người cao tuổi, mỗi người cần chăm sóc sức khỏe thường xuyên, thực hiện lối sống lành mạnh để giảm gánh nặng bệnh tật trong tương lai. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cần bắt nhịp với tình trạng già hóa dân số. Cần có thêm những trung tâm chăm sóc cho người cao tuổi, viện dưỡng lão... ", ông Anh chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, GS Giang Thanh Long (khoa kinh tế học Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng thích ứng với già hóa dân số là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam. Bài học kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy nếu không có chính sách kịp thời sẽ gây tác động rất lớn đến kinh tế và xã hội.
GS Long cho rằng để thích ứng với già hóa dân số, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tập trung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và tạo việc làm và môi trường làm việc cho người cao tuổi.
"Trong tương lai không xa, chúng ta cũng sẽ phải sử dụng nguồn lao động là người cao tuổi như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... bởi tỉ lệ người già trong cơ cấu dân số gia tăng. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Ví dụ, một số nước khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi ở một số vị trí phù hợp, kèm theo đó là chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.
Hay tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho người cao tuổi, được bảo vệ, chống phân biệt đối xử với người cao tuổi ở môi trường làm việc... từ đó khuyến khích người cao tuổi làm việc", GS Long nói.
Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp
Trước thực tế về tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, mới đây Bộ Y tế đã trình đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến thích ứng với dân số già.
Với thích ứng già hóa dân số, Bộ Y tế đề xuất xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Có những gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế - xã hội, phù hợp các vùng miền và địa phương.
Đặc biệt xây dựng các chương trình và dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. Xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi.
Thực hiện các chương trình và dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn người cao tuổi,...
Những đề xuất này được các chuyên gia đánh giá phù hợp với tình hình già hóa dân số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có nguồn ngân sách hỗ trợ và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ban ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận