Một nhóm trẻ luyện tập ở - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trẻ dám chơi nghĩa là trẻ có khả năng vượt qua nỗi sợ của chính mình như sợ té ngã, sợ đau, qua đó bộc lộ những giá trị bản thân của trẻ là hiếu động, dám thử thách.
Ông NGUYỄN NGUYÊN LONG
Đều đặn gần một năm nay, mỗi tuần cứ ba buổi tối và buổi sáng chủ nhật, nhiều bậc cha mẹ lại đưa các bé đến các điểm vui chơi để cùng nhau luyện tập xe thăng bằng. Khi là ở chân cầu Rồng, khi là công viên 29-3, trước Trung tâm hành chính Đà Nẵng, hay công viên vui chơi quận Liên Chiểu.
Ôm cua, tốc độ, biểu diễn
Bé lớn nhất chừng 5-6 tuổi, có những bé vừa mới biết đi cũng ôm xe hăng hái ra sân.
Thoạt đầu là màn khởi động, tiếp đến là kiểm tra đồ bảo hộ chắc chắn và xuất phát. Khi tiếng còi của huấn luyện viên cất lên, các bé hào hứng tiến về phía trước. Có bé bước chân rất nhanh để về đích, bé lại mải mê uốn lượn vượt qua các chướng ngại trên đường. Thi thoảng cũng có bé ngã, ngẩng mặt nhìn ba mẹ, nhìn huấn luyện viên rồi lại vực xe dậy đi tiếp.
Nhìn các bé hí hoáy với những động tác đáng yêu cùng chiếc xe thăng bằng, phụ huynh đứng xung quanh ai cũng phải phì cười.
Trẻ được huấn luyện viên hướng dẫn từ cách thức khởi động, xuất phát ra sao, cho tới các kỹ thuật ôm cua, tốc độ, biểu diễn với xe thăng bằng. Nhìn bé Nguyễn Diệu Anh (3 tuổi) khoái chí điều khiển chiếc Tacke Bike cùng chúng bạn, anh Nguyễn Thành Việt (38 tuổi, ba của Diệu Anh) cũng hào hứng theo.
Anh chia sẻ: "Con tôi chơi bộ môn này được hơn 1 năm. Ban đầu bé chơi một mình ở nhà và mới tiếp xúc nên dễ chán, nay bé có thêm nhiều bạn cùng sở thích, gặp các bạn bé tỏ ra hào hứng hơn".
Anh Việt cho biết sau quá trình luyện tập thường xuyên, bé Diệu Anh ngày càng dạn dĩ, đôi chân khỏe hơn và ăn uống tốt hơn. Đặc biệt, bé được gặp gỡ nhiều bạn mới, theo anh đó là điều quý nhất.
Hình thành nhiều kỹ năng
Chị Nguyễn Phúc Tiên (30 tuổi, quản trị viên Hội xe thăng bằng Đà Nẵng) cho biết chừng 4 năm trước, xe thăng bằng hầu như chưa xuất hiện ở Đà Nẵng. Chị mua xe từ TP.HCM, nhưng con chị chỉ biết chơi một mình. Từ đó, anh chị rủ thêm bạn bè mua xe cho con chơi và lập thành nhóm nhỏ xe thăng bằng đời đầu.
Từ đó đến nay, hội ngày càng thu hút thêm nhiều thành viên. Chị Tiên bắt đầu cung cấp xe thăng bằng và mời huấn luyện viên hỗ trợ kỹ thuật cho trẻ trong mỗi buổi tập.
"Ngoài tạo môi trường giao lưu giữa các bé cùng chơi xe thăng bằng, sân chơi này cũng giúp gắn kết ba mẹ và con trẻ. Thỉnh thoảng nhóm có lồng ghép các hoạt động dã ngoại, cắm trại, vui chơi cuối tuần cho cả cha mẹ và con" - chị Tiên cho hay.
Cùng với việc luyện tập, hội còn thường xuyên tổ chức các giải đua tại Trường ĐH Thể dục thể thao, Làng thể thao Tiên Sơn. Ngoài đua tốc độ, trẻ còn phải vượt qua một số thử thách nhỏ để tăng thêm bản lĩnh.
Đẩy xe đi bằng chân, phanh xe cũng bằng chân - đó là cách tập bản năng cho trẻ. Tùy theo thể trạng, độ tuổi, mức độ nhanh nhẹn mà bé sẽ học được cách giữ thăng bằng, phối hợp vận động toàn thân chỉ trong vòng 2-3 giờ hoặc trong một vài ngày. Về sau, càng luyện tập, trẻ càng hình thành nhiều kỹ năng và bộc lộ thêm những tố chất khác nhau.
Ông Nguyễn Nguyên Long, giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Con Rồng Cháu Tiên (Đà Nẵng), cho biết chơi xe thăng bằng sẽ giúp trẻ hình thành và rèn luyện ba bước kỹ năng là vượt qua nỗi sợ, sự khéo léo và tính sáng tạo.
"Khi đi được xe thăng bằng, từ sự khéo léo, trẻ giữ thăng bằng cho xe và cơ thể, có điểm rơi phù hợp. Khi trẻ đi được xe thăng bằng rồi, bản thân sẽ muốn thử biểu diễn các động tác mới lạ như đi ziczac, ôm cua, xoay... Điều đó kích hoạt sự sáng tạo của trẻ" - ông Long nói.
Bổ sung "đồ chơi" tùy độ tuổi
Xe thăng bằng là loại xe hai bánh được tối giản trong thiết kế, loại bỏ các chi tiết như bàn đạp, xích líp, hạ thấp khung xe, yên xe để giúp trẻ có thể luyện tập kỹ năng quan trọng nhất trong đi xe đạp, đó là tập giữ thăng bằng trên xe.
Chơi bộ môn này, trẻ điều khiển chiếc xe rảo từng bước chậm trên mặt đất, rồi tăng dần tốc độ và dần co chân lên khi xe lướt đi. Độ cao của xe luôn vừa tầm cho trẻ chạm chân xuống đất nên khi xe có dấu hiệu bị đổ, trẻ sẽ nhanh chóng đặt chân xuống đất để giữ thăng bằng.
Thông số kỹ thuật cơ bản của xe thăng bằng là giống nhau. Song tùy vào độ tuổi mà cha mẹ trẻ bổ sung các chi tiết như cổ xe, bánh xe cho phù hợp với sự phát triển của trẻ. Xe thăng bằng đa dạng giá cả và có xuất xứ từ Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản... với mức giá từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng một chiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận