
Tác giả trong buổi ra mắt sách Sống mãnh liệt do cô dịch - Ảnh: tư liệu của tác giả
Khi cô bé Tara nhặt sắt vụn tại bãi phế liệu gần nhà cô ở Clifton, bang Idaho, nước Mỹ, dĩ nhiên thế giới chưa hề biết đến cô và chính cô hầu như chẳng biết gì về thế giới. Bởi người cha theo giáo phái Momon của cô không cho phép ai trong số bảy người con của mình đến trường: ông sợ trường học sẽ làm các con mình xa rời Chúa.
1. Năm 2003, ở tuổi 17, sau một quá trình đấu tranh "trầy da tróc vẩy" Tara mới được đến trường lần đầu. Nhưng đó là kết quả không tồi bởi vì nếu không quyết đoán hơn, cô có thể chẳng bao giờ vươn tới bước ngoặt đó.
Để chuẩn bị cho cuộc vùng lên dữ dội ấy, năm 11 tuổi cô đã tự đạp xe lên bưu điện ở thị trấn, săn tin từ bảng quảng cáo tìm người làm để ứng tuyển cho chân trông trẻ. Cô làm thế để lấy tiền mua sách tự học và để tỏ rõ với gia đình mình rằng cô muốn được học thay vì cả đời sống ở chân núi, kiếm tiền bằng việc nhặt sắt vụn hoặc làm chân sai vặt cho cha mẹ cô như họ muốn. "Chỗ của phụ nữ là ở trong bếp", cha cô nói.
Được học, Tara bước thẳng tới cổng trường đại học bởi vì nước Mỹ xét điểm của bài thi ACT, đánh giá trình độ học sinh trung học để xét tuyển đại học và Tara trúng tuyển vào Đại học Brigham Young để rồi sau đó choáng váng và tự ti trước sự "dốt nát" của mình:
17 tuổi cô thậm chí nghĩ châu Âu chỉ là một nước chứ không phải là một châu lục. Cô lao vào học. Cô mài mông trong thư viện đọc nghiến ngấu hết cuốn sách này đến cuốn sách khác để lấp những lỗ hổng kiến thức.
Với quyết tâm phi thường, sau 10 năm được học cô đã giành học vị tiến sĩ của Trường Cambridge. Chỉ riêng việc kể lại hành trình vượt lên làm chủ số phận của mình trong cuốn sách Được học đã khiến cô trở thành tác giả có sách bán chạy toàn cầu và là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2019 do tạp chí Times bình chọn.
Nhận giải thưởng Sách quốc gia cho bản dịch Được học, tôi không biết dùng số tiền giải thưởng bằng cách nào hữu ích hơn là tặng nó cho một bé gái sinh ra và lớn lên sau lũy tre làng như tôi đã từng. Trong năm cuối cùng của bậc trung học, thay vì chỉ dành thời gian tập trung học cho kỳ thi tốt nghiệp, em phải đi bệnh viện chăm mẹ bị bệnh ung thư.
Mẹ em mất đúng vào thời điểm em nhận được tin mình trúng tuyển đại học. Rất khó để em quyết định có tiếp tục đi học hay không khi nghĩ đến người bố lao động chân tay vất vả và đứa em trai nhỏ. Cuối cùng với khát khao được học trong em và sự động viên từ bên ngoài của mọi người, em can đảm bước vào cổng trường đại học. Thấm thoát bốn năm trôi qua và em đã ra trường, có công việc toàn thời gian.
Nhớ lại quá khứ, tôi thấy mình đã là người khuyến học từ khi tôi còn đang mò mẫm tự học, không biết con đường mình đi, việc mình đang làm có nên cơm cháo gì hay không. Hồi đó thấy cậu em bên hàng xóm có ý định nghỉ học sau khi kết thúc lớp 9, tôi đã nài nỉ cậu suy nghĩ lại. Khi biết cậu đã nghỉ học tôi vẫn ra sức thuyết phục cậu thay đổi quyết định. Tôi khuyến học "dai" đến nỗi người nhà cậu phát bực, gắt lên với tôi: "Nó không học thì dốt nó chứ dốt mày à?".
So với ngày ấy, bây giờ tôi có nhiều lợi thế hơn khi khuyến khích bất cứ ai theo đuổi việc học. Khả năng thay đổi vận mệnh của chính mình nhờ tự học không ngừng, sự ủng hộ, góp sức của nhiều bạn hữu và độc giả có tấm lòng nhân ái và tầm nhìn rộng mở đang và sẽ cho phép tôi tạo ra những lực đẩy tích cực từ bên ngoài đối với những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn để các em chạm tới ước mơ được học.

Nguyễn Bích Lan nhận giải thưởng Sách quốc gia năm 2020 cho cuốn Được học - Ảnh: tư liệu của tác giả
2. Hơn 30 năm trước tại bệnh viện Bạch Mai, một vị bác sĩ sau khi khám bệnh cho tôi đã bảo tôi ra khỏi phòng để ông có thể nói chuyện riêng với mẹ tôi một lát. Sau này tôi được biết điều ông đã nói với mẹ tôi là: những đứa trẻ mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển như tôi thường không sống qua tuổi 18. Đó là lý do sáng hôm đó mẹ tôi bước ra khỏi bệnh viện với đôi mắt đỏ hoe.
Ngày hôm ấy mẹ tôi chắc hẳn đã phải chống chọi với nỗi buồn vô hạn khi nghĩ đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra, nuôi dưỡng từng ấy năm chẳng còn sống được bao lâu nữa. Khi đó dù lạc quan đến mấy, bà cũng chẳng dám tin tôi có thể sống lâu gấp đôi, gấp ba cái mốc ấy với tất cả sự ngang bướng của một con người không biết sợ cái chết, chỉ sợ mình sống chẳng ra gì.
Giờ đây tuy không còn bị những cơn mệt khủng khiếp hành hạ, tôi cảm nhận rõ khả năng vận động của mình đã suy giảm nhiều so với mười năm trước. Trong khi các gốc chi, phần đã bị mất hết cơ bắp do căn bệnh loạn dưỡng cơ, không có cảm giác đau đớn, những phần khác của cơ thể vẫn còn chút cơ bắp như gót chân và các ngón tay thường khẳng định sự tồn tại của chúng bằng cảm giác mỏi nhừ như thể tôi vừa trải qua một cuộc chạy marathon.
Mỗi con chữ mà bạn đọc được qua những cuốn sách tôi dịch trong những năm gần đây đòi hỏi ở tôi nhiều nỗ lực hơn. Việc gõ phím máy tính cũng khiến tôi nhanh bị mỏi tay hơn. Tôi phải chia nhỏ các phiên làm việc của mình ra để tay được nghỉ ngơi.
Vì thế việc dịch một cuốn sách đối với tôi giờ đây cần nhiều thời gian hơn dù lòng nhiệt tình và sự say mê dành cho công việc trong tôi không hề giảm. Giờ đây, như thể do vô thức, tôi hình thành thói quen hằng ngày ngắm đôi bàn tay của mình vài giây, không phải vì chúng đẹp hay có bộ móng được trang trí công phu mà bởi chúng vẫn còn có thể cử động để tôi gõ chữ mỗi ngày.
3. Cách đây vài năm tôi nhận được một mẫu hồ sơ mà nếu điền vào đầy đủ các mục thì rất có thể tôi sẽ được xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tôi không điền vào bất cứ mục nào. Tôi không có bất cứ nhu cầu nào về danh hiệu, cũng như khi tự học tôi không hề có nhu cầu về bằng cấp.
Tôi không muốn làm anh hùng đối với bất cứ ai. Tôi làm anh hùng của chính bản thân mình trước những thử thách của cuộc đời là đủ. Những lúc khác tôi chỉ muốn làm một người lao động bình thường, một người thợ cày trên cánh đồng chữ.
Bạn có thể nói một người đã từng gặp tai ương nghiệt ngã như tôi có được một hiện tại như bây giờ là một điều kỳ diệu. Nếu quả đúng như vậy, tôi nghĩ mình đã biết cách tạo ra điều kỳ diệu từ những gì mình có và giờ đây mục đích sống lớn nhất của tôi là chia sẻ điều kỳ diệu ấy, thậm chí cách tạo ra những điều kỳ diệu với tất cả những ai cần một điều kỳ diệu để có thể sống một cuộc sống bình thường.
Thỉnh thoảng lại có một độc giả đọc tự truyện Không gục ngã của tôi xong liền đặt câu hỏi nếu bây giờ khỏi bệnh thì chị sẽ làm gì? Tôi trả lời mà không cần suy nghĩ đắn đo rằng nếu khỏi bệnh tôi sẽ sống một cuộc sống bình thường, sẽ đi đến những nơi mà một người bình thường đi, sẽ làm những việc mà một người bình thường làm.
Nhưng tôi sẽ trân quý những gì được coi là bình thường ấy vô cùng. Tôi sẽ biết ơn tất thảy mọi điều trong cuộc sống đã cho tôi được sống bình thường như bao người trên trái đất này.
Tôi ở đây, phút này đang còn thở...
Hiện tại tốt đẹp không phải là điều đương nhiên hoặc có sẵn với tất cả mọi người. Hiện tại tốt đẹp có nền móng xứng đáng với nó từ quá khứ để rồi chính nó sẽ trở thành quá khứ xứng đáng của tương lai tốt đẹp. Bởi vậy chúng ta chỉ cần sống tận tụy với hiện tại là đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận