
Người lính Trường Sa đọc cuốn Thích sống của Nguyễn Bích Lan - Ảnh: N.B.L.
1. Tôi có một người bạn tên là Tuấn Anh ở Thanh Hóa. Em phải chạy thận từ năm 15 tuổi. Từ khi biết tôi cách đây hơn 10 năm, em luôn coi tôi là một nguồn động viên giúp em chịu đựng những đau đớn và trở ngại do bệnh nan y gây ra.
Năm 2014, tôi mời Tuấn Anh và bố em ra dự buổi diễn thuyết của diễn giả Nick Vujicic tại sân vận động Mỹ Đình. Sau buổi diễn thuyết, tôi có buổi trò chuyện chân tình với bố con em và trải nghiệm đó mang lại cho tôi sự thức tỉnh vô cùng quý giá.
Bố Tuấn Anh kể rằng sau 11 năm làm bác sĩ quân y ở đảo Trường Sa, chú được về sống cùng gia đình, không ngờ mới được vài tháng đoàn viên chú đã phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã: con trai chú bị suy thận và phải chạy thận.
Người cha chết điếng cõi lòng. Chú tâm sự với tôi: "Suốt một thời gian dài chú cứ loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi mình luôn cố gắng sống tốt, giúp đỡ mọi người, xung phong ra đảo xa phục vụ anh em chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với cả hiểm nguy, vậy mà tại sao ông trời lại bắt con mình mang trọng bệnh?". Người cha ấy đã thức trắng nhiều đêm để tìm câu trả lời và cuối cùng chú đã tìm ra.
Chú nói: "Cuối cùng chú đã hiểu. Thì ra sứ mệnh của chú, của gia đình là dành cho Tuấn Anh tất cả yêu thương. Tuấn Anh bị bệnh như vậy mà ở vào một gia đình thiếu tình yêu thương thì thử hỏi em nó sống được mấy ngày?
Trời trao cho gia đình chú sứ mệnh yêu thương, chăm sóc Tuấn Anh. Kể từ khi suy nghĩ thông suốt như thế, cô chú thoải mái hơn rất nhiều. Cần phải làm gì thì mình làm, chuyện gì đến thì mình chấp nhận thôi".
Cách lý giải của chú đúng hay không, tôi không bàn tới nhưng rõ ràng nó có hiệu quả và tốt cho cả gia đình chú, nhất là cho đứa con trai ốm đau của chú. Sự suy nghĩ thông suốt của người cha đã khiến cuộc đồng hành cùng con của gia đình chú trở thành một hành trình biến nỗi đau thành tình yêu thương, thành ý nghĩa cuộc sống.
Không phải tất cả những ai khi gặp thách thức lớn hay tai ương đều sáng suốt nhìn thấu cả hai mặt của vấn đề. Nhiều người chúng ta khi gặp khó khăn, trở ngại lớn thường không nhìn ra ngay cơ hội mà thách thức mang tới.
Một người bị gãy chân thường chỉ nghĩ đến cảm giác đau đớn, bất tiện mà tai ương gây ra cho mình. Nếu bạn nói rằng xét về một mặt nào đó hoàn cảnh ấy cũng vẫn có những cơ hội nhất định, người ấy có thể sẽ nổi cáu với bạn. Nhưng quả đúng là tai tương luôn đến kèm với cơ hội.
Tôi biết một bà mẹ luôn bao bọc, lo lắng, chăm chút cho con từng li từng tí.
Từ sáng đến tối, cuộc sống của cô chỉ xoay quanh việc phục vụ cơm nước và các nhu cầu của ba đứa con cô.
Cho đến khi chúng đã lớn có thể tự phục vụ bản thân, cô vẫn chăm chút cho chúng từng li từng tí. Kết quả là các con cô quen được phục vụ.
Chúng hầu như không biết làm việc nhà. Cho đến một ngày kia, cô bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi. Cô phải nằm trên giường trong 4 tháng.
Ban đầu, gia đình cô rơi vào khủng hoảng kép vì không có người lo toan việc nhà. Do điều kiện kinh tế không mấy dư dả, cộng với lý do nhà chật khiến cô chỉ có thể thuê một người giúp việc theo giờ chủ yếu để trợ giúp chính cô.
Sau khoảng một tuần, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, các con cô liền được bố chúng cắt cử làm việc nhà. Chúng buộc phải học cách để giải quyết công việc được giao.
Không thiếu những tiếng la hét và những trận cãi vã, nhưng quả thật sau bốn tháng người mẹ nằm dưỡng thương, các con cô đều có tiến bộ vượt bậc về kỹ năng sống và ít nhiều biết làm việc nhà, biết quản lý thời gian và biết quan tâm đến người khác hơn trước.
Vốn là những đứa trẻ biết thương cha mẹ, sau khi mẹ bình phục, chúng vui vẻ đảm nhận một phần việc nhà. Nhắc lại quãng thời gian đó cô thừa nhận trong cái rủi có cái may.

Tác giả gặp người lính Trường Sa và con trai lần đầu vào năm 2014 - Ảnh: tư liệu của tác giả
2. Em trai tôi có một người bạn học khá thân là người cùng cảnh ngộ với tôi. Năm 13 tuổi - cũng lại là tuổi 13 - người bạn đó phát bệnh viêm đa khớp nặng. Có thời gian cậu không thể đi lại được mà phải cần đến sự trợ giúp của đôi nạng.
Tôi không trải qua những đau đớn do căn bệnh viêm đa khớp gây ra, nhưng theo như mô tả của cậu, đó là dạng đau đớn vừa có cường độ mạnh vừa đeo bám dai dẳng, rất khó chịu đựng, ngày cũng như đêm gặm mòn cả thể xác lẫn tinh thần của người bệnh và làm giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Chữa trị khắp nơi không khỏi bệnh, không thể dùng thuốc giảm đau do dị ứng thuốc, cậu mắc kẹt trong đau đớn và thất vọng. Thế rồi tình cờ qua một bài báo cậu biết được rằng với liều lượng nhỏ, nọc độc của ong có thể làm giảm chứng viêm khớp bởi trong đó có thành phần kháng viêm. Vậy là cậu bắt đầu mày mò học cách nuôi ong để "được" ong đốt. Lần đầu áp dụng liệu pháp ong đốt, chỉ cần bị hai con ong đốt cậu đã lên cơn sốt.
Nhưng rồi cơ thể cậu quen dần với nọc độc ong: cậu có thể chịu đựng được ong đốt. Sau sáu năm kiên trì áp dụng cách này, bệnh cậu thuyên giảm đáng kể, và cậu đã bỏ được đôi nạng vốn là vật bất ly thân của mình kể từ khi bị bệnh.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là trong khi nuôi ong để chữa bệnh cho mình, cậu đã phát triển niềm yêu thích đối với việc nuôi ong và rồi cậu biến việc đó trở thành kế sinh nhai. Cậu cho biết vào thời điểm việc nuôi ong của cậu phát triển nhất, cậu sở hữu tới 170 thùng ong được đặt khắp trong sân, trong vườn với lượng mật bán ra mang về cho cậu 180 triệu đồng một năm.
Ngoài lương một giáo viên trung học phổ thông, kinh tế gia đình cậu chủ yếu dựa vào thu nhập từ bán mật ong. Cậu trở thành chủ nuôi ong có tiếng ở vùng quê chúng tôi.
Việc phát triển đàn ong mật khắp trong vườn, ngoài sân khiến cậu bận rộn quanh năm. Được rèn luyện trong lao động khiến cậu tăng sức chịu đựng, trở nên dẻo dai hơn. Tập trung vào việc nuôi ong cũng khiến cậu luôn có những ý nghĩ tích cực và mới mẻ, thay vì chìm trong buồn nản. Bạn thấy đấy, cơ hội đến cùng tai ương đã giúp cậu giải được những vấn đề hóc búa nhất mà cuộc sống đặt ra với cậu, chứ không chỉ riêng vấn đề sức khỏe.
Tôi không thể nào kể hết với bạn đọc những câu chuyện đầy thuyết phục và thú vị về những người thực việc thực đã tìm thấy cơ hội tương đương trong thách thức lớn, quyết định nắm bắt những cơ hội đó để thay đổi số phận của mình.
Họ và những thay đổi đáng kinh ngạc trong cuộc đời họ nhắn nhủ chúng ta hãy bình tĩnh đối diện với thách thức khi nó xảy đến, tỉnh táo và sáng suốt nhìn thấu đáo cả mặt kia của thách thức để khám phá những cơ hội đi kèm...
Nếu vào một lúc nào đó trong cuộc đời, thách thức, tai ương xảy đến với bạn như là điều không thể tránh khỏi thì bạn cũng đừng quá bi quan.
Đằng nào thì những chuyện ấy cũng xảy ra rồi, bạn hãy can đảm đương đầu với nó. Chúng ta không cần phải oán trách số phận, hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh nghiệt ngã. Bởi vì việc đó hoàn toàn vô ích. Hoàn cảnh nghiệt ngã luôn đến cùng những cơ hội lớn tương đương.
Việc hữu ích hơn là tìm ra cơ hội đến cùng với tai ương và sử dụng nó. Rất có thể những cơ hội đó sẽ mở lối cho chúng ta đi từ nghịch cảnh đặc biệt đến thành công độc đáo, như tôi đã chứng minh bằng chính cuộc đời mình.
**********
Năm 2020, cuốn Được học tôi dịch được trao giải thưởng Sách quốc gia. Đó là cuốn tự truyện của Tara Westover, một cô gái Mỹ sinh năm 1986. Khi cô bé Tara nhặt sắt vụn tại bãi phế liệu gần nhà cô ở Clifton, bang Idaho, nước Mỹ, dĩ nhiên thế giới chưa hề biết đến cô và chính cô hầu như chẳng biết gì về thế giới, bởi người cha theo giáo phái Momon của cô không cho phép ai trong số 7 người con của mình đến trường...
>> Kỳ tới: Được học là được nhiều thứ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận